Phát Triển Mô Hình Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Mỏ Vàng Chưa Ai Khai Thác
Ngày 15.5, Bộ NNPTNT phối hợp Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC”.
Tại đây các đại biểu đã nêu thông điệp: Ứng dụng CNC là “chìa khóa vàng” phát triển ngành nông nghiệp, nhưng vấn đề là ai làm?
Với sự chủ trì của 2 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cùng nhiều chuyên gia, ngân hàng, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, đã cho thấy sự quyết tâm, cũng như sự cấp bách của việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp.
Đụng đâu cũng thấy khó
Mặc dù là nước nông nghiệp có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng đến nay Việt Nam mới có 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động, với vài mô hình điển hình như sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; vùng trồng chè theo công nghệ của Đài Loan ở Thái Nguyên, Lâm Đồng…
Tuy nhiên, hoạt động của các khu CNC này cũng còn rất hạn chế do đầu tư thiếu đồng bộ, chưa tập trung; chưa thu hút sự tham gia mạnh mẽ của DN; việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, công nghệ để áp dụng vào sản xuất chưa phù hợp; chi phí đầu tư, vận hành quá cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, các mô hình ứng dụng CNC còn gặp phải một rào cản lớn, đó là đất đai.
Bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH (với thương hiệu sữa tươi TH true MILK) cho biết: “Trong phát triển nông nghiệp CNC, 2 nguồn lực tham gia chính là vốn và đất đai. Vốn thì nay đang được khơi thông rồi, nhưng còn đất đai thì rất khó.
70% chủ thể đất đai là những người làm nông nghiệp, nhưng nó đang ở đâu, có sử dụng hiệu quả hay không? Muốn gom những diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún để làm cánh đồng lớn ứng dụng CNC không hề đơn giản, bởi hầu hết tâm lý người nông dân đều muốn sở hữu đất đai trọn đời”.
TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nêu thực tế, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp CNC đến 2020 thì DN đóng vai trò chủ đạo, nhưng hiện nay số DN tham gia vào lĩnh vực này rất khiêm tốn.
“Ai cũng nhìn ra vai trò đầu tàu của họ, nhưng chúng ta vẫn thiếu một chính sách thiết thực, sát sườn để hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp. Ngay cả theo Luật CNC, các DN đầu tư CNC sẽ được hỗ trợ nhiều về lãi suất, ưu tiên vốn vay, nhưng từ chính sách đến thực tiễn là khoảng cách rất xa. Cũng do phải tự bươn chải nên DN không mấy mặn mà là điều dễ hiểu” – ông Thành nói.
Sớm thay đổi chính sách nông nghiệp
Tại hội thảo, TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Cần Thơ khẳng định, để phát triển các mô hình nông nghiệp CNC, cần phải có 3 vấn đề chính nhằm tạo động lực cho nông nghiệp, gồm đổi mới thể chế, vốn đầu tư và thị trường. “Thể chế cho nông nghiệp bao gồm: Chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, bảo hiểm nông nghiệp, đất đai và định đoạt giá cả.
Các biện pháp trợ cấp cũng cần được xem xét một cách cẩn thận bởi nguồn lực của ngân sách và tác động dài hạn có thể làm xơ cứng năng lực cạnh tranh, việc trợ cấp chỉ nên thực hiện trong chừng mực” – ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Trước đây Việt Nam thường tự hào với thế giới rằng nông nghiệp Việt Nam tuy nhỏ nhưng đẹp, nhưng trong xu thế hội nhập toàn cầu, mô hình “nhỏ và đẹp” này đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhất là trong ứng dụng kỹ thuật và phát triển hàng hóa.
Do đó, tái cơ cấu ngành cần phải được coi là một cuộc cách mạng. Tái cơ cấu không chỉ là thay đổi giải pháp kỹ thuật mà rất cần sự hỗ trợ trong chính sách tiền tệ, tài chính, thương mại, đất đai, lao động với sự tham gia của các bộ, ngành, DN…”.
ThS Nguyễn Văn Tiến- Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn (Ban Kinh tế T.Ư) thì cho rằng, phát triển nông nghiệp CNC cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, DN, nhà tư vấn, nhà nông. Trong đó, sự năng động, sáng tạo của DN đóng vai trò trung tâm của phát triển nông nghiệp CNC.
Bên cạnh đó, chúng ta cần hình thành các khu nông nghiệp CNC hoạt động có hiệu quả tại những vùng nông nghiệp trọng điểm, đồng thời nên huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ mới cho nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Đối với vấn đề về vốn tín dụng cho nông nghiệp CNC, ông Nguyễn Viết Mạnh- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đã nêu thông tin: “Thời gian tới, dự kiến NHNN và các bộ ngành sẽ lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết giữa DN với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các DN ứng dụng CNC... để thí điểm chương trình cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng CNC. Sau khi kết thúc chương trình thí điểm (khoảng 2 năm), NHNN sẽ tổng kết thí điểm và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước”.
Related news
Việc Việt Nam áp dụng ngay hình thức bảo hiểm tổng hợp mọi loại rủi ro (MPCI) cho một loạt hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản trên nhiều địa bàn khác nhau là một bước khởi đầu quá tham vọng so với năng lực và kinh nghiệm của toàn bộ hệ thống.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN ngày 22/11 đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC) từ ngày 31/12/2015.
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2015 theo Nghị quyết của Hội đồng Thành viên, đồng thời thực hiện tốt chính sách khách hàng, mở rộng thị phần, thu hút khách hàng doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ký ban hành văn bản về việc xuất dự trữ quốc gia hạt giống cây trồng để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2015 và đảm bảo công tác giống cây trồng phục vụ sản xuất cho các địa phương.
Sáng nay (24/11), tại Hà Nội, Câu lạc bộ Phóng viên Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức buổi Tọa đàm về nông dân và kinh tế hợp tác.