Phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây có múi
Nông dân Võ Hữu Tăng, ấp Khánh Châu, xã Khánh Hòa (Châu Phú) đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn tạp kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái có múi như: bưởi da xanh ruột hồng, cam sành, cam xoàn, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Ông Tăng và vườn cam sành đang cho trái
Đến ấp Khánh Châu (xã Khánh Hòa), hầu như ai cũng biết ông Tăng, bởi ông là người trồng bưởi, cam sành và cam xoàn rất thành công. Hướng dẫn chúng tôi thăm vườn cam, bưởi xanh tốt, ông Tăng chia sẻ: “Trước đây, tôi tham quan các vườn cam trong và ngoài tỉnh, nhận thấy cây cam có giá trị kinh tế cao và thị trường luôn có nhu cầu, đồng thời còn đa dạng cây ăn trái, dễ tiêu thụ. Nếu biết áp dụng khoa học - kỹ thuật để chăm sóc, đây sẽ là cây trồng mang lại thu nhập khá cho gia đình”.
Năm 2015, ông Tăng tìm hiểu thông tin từ sách, báo cũng như đi nhiều nơi để tham khảo cách trồng cam, rồi bắt đầu học “nghề” từ những người có kinh nghiệm. Ngoài 7 công bưởi năm roi và da xanh ruột hồng đã trồng trước đó, số diện tích vườn tạp còn lại ông Tăng đã cải tạo để trồng thêm 16 công cam sành giống Bến Tre và cam xoàn giống Lai Vung (Đồng Tháp). Ông Tăng chia sẻ: “Lúc trước, đất này trồng vườn tạp, chăm sóc quanh năm mà thu nhập không được bao nhiêu. Thấy vậy, tôi tìm hiểu trồng thử nghiệm khoảng 5 công bưởi năm roi. Thấy có hiệu quả và được địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi quyết tâm cải tạo đất, đầu tư trồng thêm 150 gốc bưởi da xanh ruột hồng giống Bến Tre, cam sành và cam xoàn. Đến nay, vườn bưởi của tôi đã được hơn 5 năm tuổi, vườn cam sành và cam xoàn hơn 2 năm tuổi đang cho trái, chuẩn bị thu hoạch rộ vào giữa tháng 7 (âm lịch) tới”.
Ông Tăng cho biết, vườn bưởi của ông cho trái nhiều nên quanh năm bán lai rai, mỗi tháng bưởi cho thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt từ 150 - 200kg, mỗi trái bưởi nặng từ 1,2 - 2kg, giá bán cho thương lái dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Tết vừa rồi, ông Tăng cung cấp cho thị trường khoảng 1 tấn trái phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, giá bán bưởi loại I là 60.000 đồng/kg, loại II là 40.000 đồng/kg, cao hơn so ngày bình thường và cùng kỳ năm trước. “Cam trồng ở vườn nhà tôi đang phát triển tốt, từ Tết đến bây giờ đã cho trái và thu hoạch lai rai, được khoảng 2 tấn trái. Bán với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg cam sành, 30.000 đồng/kg cam xoàn xem như đã có thành quả…” - ông Tăng phấn khởi cho biết.
Theo ông Tăng, trồng cam, bưởi không khó nhưng phải chăm sóc và theo dõi sâu bệnh thường xuyên, đặc biệt là các loại: nhện đỏ, rệp, bọ xít, sâu đục trái, bệnh thối gốc… làm hư hại và ảnh hưởng đến năng suất cây. Mỗi vùng đất khác nhau, cây bưởi và cây cam cần có chế độ chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên, nếu muốn có năng suất tốt cần rất nhiều yếu tố. Để trồng được cam, bưởi cho năng suất cao, ngoài việc chọn cây giống tốt, sạch bệnh, còn phải áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để chăm sóc, khâu làm đất, chọn giống, ngừa bệnh. Khi cây cam, bưởi đang nuôi trái, phải tưới đủ nước hàng ngày. Phải cẩn thận từ khâu lên liếp với nhiều rãnh để giữ nước cho cây khi mùa nắng và thoát nhanh lúc ngập úng mùa mưa, bắt mô, bón phân hữu cơ cải tạo đất... Mật độ cây trồng vừa phải, không nên trồng quá dày, như vậy cây cam và cây bưởi sẽ phát triển tốt, cho trái nhiều, to và đẹp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú, đến nay diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện là 768,31ha. Trong đó, diện tích trồng cây có múi trên 156ha (chủ yếu là cây cam và cây bưởi) tập trung nhiều ở các xã: Ô Long Vỹ, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây… Huyện Châu Phú đang quy hoạch vùng, liên kết với doanh nghiệp để trồng cây có múi ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, các đơn vị chuyên môn đã phối hợp thành lập nhiều chi hội làm vườn, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi cho nông dân nhằm từng bước mở rộng diện tích và thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Related news
Sau gần 2 năm thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng ổi Đài Loan”, cây ổi sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khá cao.
Ngoài 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Kim Mai vẫn gắn bó với vườn mãng cầu hạt lép do chính tay bà nhân lên từ một cây ban đầu.
Những năm gần đây, mô hình trồng sầu riêng và bơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân ở Gia Lai trở thành triệu phú, tỷ phú.