Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá đĩa
Đã có thú vui nuôi cá đĩa từ năm 1996 nhưng mãi năm 2006, anh Thái Văn Hiếu (ảnh, ngụ ấp Bến Lò 1, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) mới chính thức đầu tư nuôi loại cá này để kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Vốn có niềm đam mê, cộng với tinh thần tìm tòi, sáng tạo, khi bắt đầu thực hiện mô hình, anh Hiếu tìm hiểu kỹ về đặc điểm địa lý, điều kiện tự nhiên ở TPHCM - là nơi có khí hậu ấm áp, nguồn thức ăn cho cá đĩa tươi sống, dồi dào, nghiên cứu đặc điểm ở từng giai đoạn phát triển của cá, nhất là lúc nhận cá bột đem về. Đây là thời điểm quan trọng giúp cá phát triển, vì thế phải có cách chăm sóc thích hợp để cá tránh nhiều bệnh… Không dừng lại ở đó, anh Hiếu tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá đĩa do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, để trau dồi kiến thức và kỹ thuật nuôi. Nhận thấy anh là một trong những hộ có nhu cầu và đam mê nuôi cá đĩa, năm 2015, cơ quan khuyến nông đã hỗ trợ con giống, kỹ thuật giúp anh tham gia mô hình trình diễn nuôi cá đĩa đỏ thương phẩm, tạo cơ hội để anh có thể phát triển nghề nghiệp.
Hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, khi hỏi về kỹ thuật nuôi cá đĩa, anh mạnh dạn chia sẻ: Cá đĩa là loài cá khó nuôi nên quá trình nuôi đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo. Nguồn nước là khâu quan trọng đầu tiên, bởi nó quyết định sự sống còn của cá, cần kiểm tra độ pH bằng thuốc thử (do nguồn nước hay bị nhiễm phèn hoặc chứa clo). Mặt khác, môi trường nước để nuôi cá phải được theo dõi hàng ngày để tránh sự thay đổi nhiệt độ do thời tiết, bể cá phải được thay nước hàng ngày vào một giờ cố định để cá quen dần với thói quen đó. Lượng thức ăn cho cá cũng chỉ cung ứng vừa đủ để nước trong hồ ít bị nhiễm khuẩn, hạn chế các bệnh nấm ngoài da, bệnh đường ruột cho cá. Từ đó, giúp giảm tỷ lệ cá bột hao hụt, tiết giảm chi phí nên mang lại hiệu quả cao.
Theo anh Hiếu, quá trình nuôi cá đĩa phải chú ý nhiều điểm, trong đó thức ăn là điểm quan trọng. Thức ăn chủ yếu là tim bò, trùn chỉ xay trộn với thuốc bổ. Loài cá này thường gặp các bệnh về đường ruột, ký sinh ở mang cá. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc đặc trị quá nhiều thì sẽ không tốt, hiệu quả kinh tế không cao. Anh Hiếu còn cho biết thêm, cá đĩa đẹp phụ thuộc 50% vào giống và 50% là kỹ thuật nuôi. Anh Hiếu dốc sức tìm tòi, học hỏi chọn con giống, phối giống, nâng cao kỹ thuật nuôi, nên luôn tạo ra những giống cá đẹp, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, trung bình mỗi tháng anh thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Không chỉ nuôi cá để kinh doanh, anh Hiếu còn rất nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cá giống, nguồn thức ăn cho cá đối với bà con địa phương muốn nuôi loài cá này.
Có thể nói, với đức tính siêng năng, cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Thái Văn Hiếu đã từng bước gầy dựng cơ ngơi, gặt hái được nhiều thành công với nghề nuôi cá đĩa và có cuộc sống ổn định từ chính đôi tay cần cù lao động của mình.
Related news
Đó là mô hình chăn nuôi gà xương đen của gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông (Hà Giang), mỗi năm cho thu lãi trên 60 triệu đồng.
Từ khi chuyển qua trồng sơ ri trên đất phèn, hơn 100 hộ dân ở xã Mỹ Thuận (H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã từng bước ổn định kinh tế, vươn lên khá giả.
Nhờ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, gia đình anh Phan Trí Khái, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) có nguồn thu nhập ổn định hàng n