Phát triển kinh tế từ cây nhãn Ido
Nhãn Ido vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt thanh, thơm, năng suất trái cao, khả năng kháng bệnh tốt, giá bán ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh.
Vườn nhãn Ido đang trổ bông của ông Nguyễn Văn Đon
Ông Nguyễn Văn Đon (ấp Tân Hòa C, xã Tân An, TX. Tân Châu), người đầu tiên trồng nhãn Ido trên địa bàn xã Tân An cho biết, cách đây khoảng 4 năm, có dịp đi Đồng Tháp tham quan vườn nhãn Ido, thấy giống nhãn mới này có nhiều ưu điểm như: trái nhiều, cơm dày, ít sâu bệnh, giá thành cao…, ông Đon mua 250 cây nhãn Ido giống với giá 50.000 đồng/cây về trồng trên diện tích 5 công đất trong rẫy kém hiệu quả.
Song song đó, ông Đon còn áp dụng công nghệ tưới phun tự động cho vườn nhãn của mình để tiết kiệm công sức và thời gian, tránh tình trạng cây nhãn bị dư nước hoặc hút nước không đều làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển. “Vụ nhãn năm trước, vườn nhãn Ido của tôi cho trái chiến, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi còn lời hơn 80 triệu đồng. Vụ này, chắc chắn năng suất sẽ tăng, giá cả và đầu ra trái nhãn ổn định nên tôi cũng yên tâm…”- ông Đon chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Đon, do cây nhãn Ido trồng khoảng 3 năm mới có thể thu hoạch đợt trái chiến đầu tiên, nên từ lúc cây nhãn còn nhỏ ông trồng xen đu đủ, ớt và một số cây rau màu... để “lấy ngắn nuôi dài”, có điều kiện chăm sóc cây nhãn cho đến khi thu hoạch trái. Giống nhãn Ido mỗi năm thu hoạch 1 vụ, nếu chăm sóc kỹ, cây nhãn có thể thu hoạch 2 năm 3 vụ. “Cây nhãn từ thời điểm xử lý ra bông đến lúc thu hoạch khoảng 7 tháng. Đây là giai đoạn quan trọng, phải canh đúng thời điểm thích hợp.
Nếu xử lý trong thời điểm lá còn quá non hoặc đã quá già thì cây nhãn sẽ không ra bông nhiều và phát triển tốt…” - ông Đon chia sẻ. Giai đoạn cây mới trổ bông cần phòng ngừa một số sâu, bệnh như: sâu ăn bông, bệnh khô cháy hoa gây ảnh hưởng đến năng suất. Do năng suất nhãn Ido khá cao, mỗi chùm bông nhãn có thể cho rất nhiều trái nên phải cắt tỉa những trái lép, nhỏ trong các chùm, chừa lại số lượng trái phù hợp để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái tốt hơn. Như thế nhãn sẽ cho trái to, đồng đều, màu sắc đẹp và đảm bảo tuổi thọ cho cây. Mỗi cây nhãn tơ có thể thu hoạch khoảng 20kg trái, với nhãn từ 4 năm tuổi thu hoạch khoảng 40kg trái.
Khi cây càng lớn, năng suất trái càng cao trong khi vốn đầu tư giảm. Sau khi thu hoạch, chỉ cần tiến hành tỉa cành, tạo tán cho cây, loại bỏ những cành xấu, sâu bệnh và bón phân chăm sóc cây nhãn chuẩn bị cho đợt xử lý ra hoa tiếp theo. “Một năm có 2 thời điểm để trồng cây nhãn thích hợp nhất, đó là đầu và cuối mùa mưa. Nhãn Ido có thể trồng bằng nhánh chiết, ghép hoặc hạt. Năm vừa rồi tôi chiết hơn 800 cây giống bán cho bà con trong và ngoài xã, vừa bán giống tôi vừa hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc để giúp bà con đạt hiệu quả cao…” - ông Đon cho biết.
Tương tự ông Đon, đang trồng 75 gốc nhãn Ido khoảng 6 năm tuổi chuyển đổi từ 2,5 công đất vườn tạp, ông Văng Viết Nê (xã Hòa An, Chợ Mới) cho biết, không như nhiều loại cây ăn trái khác, nhãn Ido nhẹ chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc lại phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển tốt, có khả năng kháng bệnh cao, ít bị bệnh chổi rồng và rụng trái non nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng trái và cho năng suất trái cao.
Đặc biệt, trái nhãn Ido có vị ngọt thanh, ít nước, cơm ráo, dày, có thể để lâu, vận chuyển xa mà tỉ lệ hao hụt ít nên rất được thị trường ưa chuộng. “Hiện tại, vườn nhãn của gia đình tôi đang chuẩn bị thu hoạch, nhãn đang có giá từ 29.000 - 32.000 đồng/kg. Ước tính vụ nhãn năm nay vườn nhãn của tôi thu hoạch khoảng hơn 5 tấn trái, trừ các chi phí, tôi cầm chắc trong tay gần 80% lợi nhuận…” - ông Nê chia sẻ.
Related news
Nhà vườn Lê Văn Tươi, ở Khu phố 1, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm cho biết, ông đã đóng bí cống cục bộ, trữ nước ngọt, dùng hệ thống tưới tiết kiệm nước
Thuốc trừ cỏ là những hóa chất tự nhiên hoặc tổng hợp có tác dụng làm rối loạn trao đổi chất, ức chế sinh trưởng và tiêu diệt cỏ dại
Để bảo vệ mùa màng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly.