Phát huy lợi thế sản phẩm quốc gia
Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Tôm nước lợ - gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng” thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2017. Theo đó, giải pháp để tôm sú phát huy được tiềm năng lợi thế này là hết sức quan trọng.
Nhiều tiềm năng
Xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh hiện có diện tích nuôi tôm sú khoảng 1.300 ha, trong đó nhiều hộ tự học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm sú hữu cơ an toàn với diện tích 5 - 7 ha/hộ. Đầu năm 2016, xã An Thới Đông có hai hộ thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ nuôi tôm công nghiệp sang nuôi tôm công nghiệp trải bạt lưới và nuôi tôm bằng thức ăn hữu cơ với tổng diện tích 12 ha. Đến nay, sản lượng thu hoạch sau chuyển đổi mùa thuận đạt 40 tấn/ha, mùa nghịch đạt 10 tấn/ha. Thu nhập bình quân mỗi năm gần 1 tỷ đồng/ha, cao hơn nhiều so hình thức nuôi tôm trước đây, góp phần nâng cao đời sống người dân. Hiện tại, các xã trong huyện đang triển khai quy hoạch mạng lưới thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản thuận lợi cho việc mở rộng mô hình nuôi tôm sú hữu cơ. Đây sẽ là “lối ra” cho người nuôi tôm sú khi chi phí đầu tư giảm mà lợi nhuận tăng, công lao động giảm hơn so trước.
Theo Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), thời gian qua đã có 2.000 hộ dân và 4 doanh nghiệp liên kết cùng chương trình nuôi tôm sinh thái theo hướng hữu cơ và giúp hộ nuôi tôm thu được lượng tôm nhiều hơn 15% so các hình thức nuôi trước đây. Hiện có một diện tích lớn nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn của Cà Mau được chứng nhận một số tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, EU Organics và các tiêu chuẩn khác. Điều này đã góp phần tăng lợi ích và giá trị cho người sản xuất nói riêng và cho phát triển kinh tế xanh nói chung. Mặt khác, không chỉ những hộ nuôi tôm đang được GIZ triển khai mà được thể hiện tính kinh tế và hiệu quả cho một số công ty tại Cà Mau; điển hình là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Trong năm 2017, De Heus và Minh Phú ký kết thỏa thuận hợp tác “Chiến lược phát triển Chuỗi Sản xuất - Chế biến tôm hữu cơ”; mục tiêu xây dựng một chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm tôm hữu cơ; thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững của người nuôi tôm sinh thái cũng như vì mục tiêu lâu dài bảo vệ môi trường rừng ngập mặn.
Phát huy sản phẩm quốc gia
Mục tiêu của Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Tôm nước lợ - gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng” nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ có khả năng cạnh tranh trên cơ sở áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Cụ thể với tôm sú, đến năm 2020, thúc đẩy tạo vùng nuôi tôm sú hữu cơ ĐBSCL, sản lượng tôm sú hữu cơ đạt trên 1.000 tấn/năm. Nội dung chủ yếu của Đề án thực hiện nghiên cứu xây dựng quy trình chọn giống, sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống chất lượng cao (nâng cao sức sinh sản, sạch, kháng bệnh thường gặp, sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao). Nghiên cứu và phát triển xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm giống; ứng dụng công nghệ và sản xuất trên 5.000 cặp tôm sú bố mẹ. Bên cạnh đó, nghiên cứu thiết kế hệ thống công trình phục vụ nuôi tôm sú hữu cơ phù hợp hệ thống canh tác tại địa phương; nghiên cứu các giải pháp nâng cao tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng tôm sú hữu cơ.
Dự kiến, sản phẩm của Đề án sẽ sản xuất được 5.000 cặp tôm sú bố mẹ. Về thức ăn, sản xuất 1 - 2 loại thức ăn ương nuôi tôm bố mẹ và 1 - 2 loại thức ăn tôm giống tôm sú làm tăng tỷ lệ đẻ và tỷ lệ sống trên 10%; 2 - 3 chế phẩm sinh học dùng xử lý cải tạo môi trường và phòng trị một số bệnh thường gặp trên tôm sú hữu cơ. Hình thành chuỗi liên kết ngành hàng tôm sú hữu cơ an toàn thực phẩm hiệu quả, bền vững.
Mặc dù, tôm sú là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản, nhưng những năm gần đây, nguy cơ dịch bệnh cũng như mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của ngành hàng này. Vì vậy, áp dụng các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, đã đến lúc không thể thả nuôi theo phong trào, mà phải theo quy hoạch về diện tích, sản lượng và chất lượng. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh giám sát thực hiện quy hoạch; xây dựng kế hoạch thời vụ nuôi tôm hợp lý; tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, đề tài, dự án thúc đẩy người nuôi theo hướng có trách nhiệm, dần hướng tới hình thành, nhân rộng nhiều vùng sản xuất thủy sản theo hướng hữu cơ. Việc này không thể thực hiện một sớm một chiều, nhưng nếu các địa phương không quyết tâm, chung tay thì nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung - ngành kinh tế thế mạnh của nông nghiệp, chắc chắn sẽ sớm sa sút do những đòi hỏi về chất lượng của thị trường hiện đã đi trước so với sản xuất.
>> Theo VASEP, sản lượng tôm toàn cầu đạt khoảng trên 5,5 triệu tấn/năm, trong đó, tôm sú chiếm khoảng 1,1 triệu tấn tương ứng 20%. Đáng chú ý, nhiều nước đang giảm mạnh lượng cung tôm sú ra thế giới, như: Indonesia, sản lượng tôm sú giảm từ 40% xuống 20%; Ấn Độ chỉ còn 15%, trong khi, các nước Nam Mỹ hầu như không còn nuôi tôm sú.
Related news
Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, người sản xuất, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang hướng đến việc nâng tầm tôm Việt trên thị trường thế giới.
Tiếp đà tăng trưởng này, năm 2018, ngành thủy sản tự tin sẽ tiếp tục vượt qua những thách thức, tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường
Mỹ đứng thứ 6 về NK mực, bạch tuộc từ Việt Nam, chiếm 1,6% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường.