Phát Hiện Nhiều Thủ Đoạn Buôn Lậu Cá Tầm
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết có rất nhiều thủ đoạn được sử dụng để nhập lậu cá tầm về Việt Nam.
Giá cá tầm nhập lậu tại khu vực biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội được bán với giá 130.000-150.000 đồng/kg (trong khi đó giá cá tầm trong nước có giá thành cao khoảng 200.000 đồng/kg, lại nuôi với số lượng ít).
Do chênh lệch lớn về giá nên các đối tượng bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu thủy sản, trong đó có cá tầm vận chuyển sâu vào trong nước bán kiếm lời.
Thời điểm trước tháng 4/2013, trung bình mỗi ngày có khoảng 5-7 tấn cá tầm được chuyển về Hà Nội tiêu thụ, mà phần lớn là cá tầm nhập lậu. Đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 2 tấn cá tầm được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ nhưng đa số đã được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trang trại nuôi trong nước, chỉ còn một lượng nhỏ cá tầm nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc được đưa vào từ Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Qua khảo sát, có những trang trại nuôi cá tầm diện tích không lớn và cá tầm phải nuôi trong một thời gian nhất định (khoảng trên 1 năm) mới được xuất bán, nhưng 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với số lượng khoảng 70 tấn. Cá tầm được nuôi ở các tỉnh phía Bắc (chủ yếu ở các tính Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Bắc Giang) gần khu vực biên giới với Trung Quốc nên các đối tượng dễ dàng hợp thức hóa cá tầm nhập lậu thành cá tầm nuôi tại các trang trại, gây khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ cá tầm nhập lậu rất đa dạng, như: sử dụng xe tải nhỏ, xe máy, đò, xuồng máy để vận chuyển; lợi dụng đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số để thuê vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ; khi vận chuyển vào nội địa, các đối tượng thường bố trí người cảnh giới giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng để thường xuyên thay đổi lịch trình hoạt động.
Bên cạnh đó, để đưa thủy hải sản và cá tầm nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa, các đối tượng buôn lậu thuê cửu vạn cõng hàng qua biên giới qua đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, sau đó tập kết tại các địa điểm gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, chờ cơ hội thuận lợi rồi dùng xe ô tô tải vận chuyển qua các tuyến đường bộ vào trong nội địa tiêu thụ.
Các đối tượng còn câu kết với các chủ trang trại nuôi cá tầm ở các tỉnh biên giới để hợp thức hóa cá tầm nhập lậu.
Trước đó, C49 đã tổ chức công tác trinh sát, phát hiện vi phạm và phối hợp với các ngành chức năng bắt giữ, xử lý 40 vụ/40 đối tượng vận chuyển, buôn bán thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc đang trên đường vận chuyển vào các tỉnh nội địa tiêu thụ, tịch thu trên 30 tấn thủy sản các loại, trong đó riêng cá tầm là gần 10 tấn, xử phạt gần 200 triệu đồng, bán phát mại nộp ngân sách nhà nước 400 triệu đồng.
C49 đề nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo việc khảo sát, kiểm tra các trang trại nuôi trồng thủy sản để đánh giá thực trạng nuôi trồng thủy sản trong nước, trên cơ sở đó, khi tiến hành cấp giấy xác nhận nguồn gốc hàng hóa, hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản đảm bảo đúng quy đinh, không để đối tượng lợi dụng giấy chứng nhận để hợp thức hóa thủy sản nhập lậu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh của các mặt hàng thủy sản nhập lậu, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác hành vi vi phạm…
Related news
Hiện nay, do nắng nóng kéo dài, một số địa phương lại xuất hiện mưa dông nên nhiều vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn bất ổn. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi diễn biến phức tạp khiến người nuôi không an tâm.
Ngày 22/6, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) và Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU).
Tính đến 2015, trên địa bàn huyện Củ Chi ước tính có hơn 242ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản, trong đó sử dụng nguồn nước kênh Đông là 158ha.
Theo Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Tam Bình (Vĩnh Long) vẫn còn tình trạng người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài quy hoạch với khoảng 11 cơ sở nuôi.
Sáng ngày 18/6/2015, Hiệp hội Thủy sản An Giang phối hợp với Trung tâm giống thủy sản An Giang khai giảng lớp kỹ thật ương và nuôi tôm càng xanh tại xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn. Tham dự có ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, ông Tăng Hoàng Vinh – Phó giám đốc Trung tâm giống thủy sản An Giang, bà Trần Thị Lệ Thanh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Thuận và 25 học viên trong xã.