Phao Cứu Sinh Của Người Nuôi Tôm Long An
Người nuôi tôm khu vực vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành phấn khởi khi được biết kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VIII sắp diễn ra sẽ thông qua tờ trình về chính sách hỗ trợ đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An. Nếu chính sách hỗ trợ này được chấp thuận sẽ giúp người nuôi tôm có thêm điều kiện ổn định sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình.
Người nuôi tôm phấn khởi
Khi biết có chính sách hỗ trợ đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ, ông Nguyễn Thành Tự, ở xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc rất vui mừng. Cuộc sống của gia đình ông Tự nhiều năm qua chủ yếu dựa vào con tôm, tuy nhiên cũng bao phen điêu đứng vì tôm bị bệnh đốm trắng, taura, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính...
Ông Tự kể, từ khi chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm đến nay, chỉ có một, hai năm là có lãi nhiều, đa số là huề vốn hoặc dư chút đỉnh đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Hiện nay, sau khi nghe tỉnh sẽ có chủ trương hỗ trợ người dân trong nuôi tôm nước lợ, ông rất phấn khởi vì đã có thêm cơ hội sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình.
Cùng tâm trạng với ông Nguyễn Thành Tự là ông Nguyễn Văn Rẽ, ngụ xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước - người đầu tiên thành công với con tôm sú ở vùng cù lao này. Lúc mới chuyển từ trồng cây ăn trái sang nuôi tôm, năm nào gia đình ông cũng thu lãi nhiều, thậm chí có năm lãi gần 50 triệu đồng/vụ. Nhờ đó, gia đình có điều kiện xây dựng cơ ngơi khang trang. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nghề nuôi tôm không còn thuận lợi như trước nữa, bởi thường xuyên bị lỗ.
"Chắc có lẽ nuôi lâu nên nguồn nước bị ô nhiễm, vì vậy, tôi đã đi tham quan học tập kinh nghiệm nhiều nơi và được hướng dẫn muốn cải thiện môi trường nuôi tôm nước lợ thì phải đầu tư thêm ao lắng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đầu tư. Do vậy, nghe sắp có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi và người dân nơi đây rất mừng"- ông Nguyễn Văn Rẽ phấn khởi cho biết.
Chủ trương đúng đắn
Toàn tỉnh có khoảng 6.000ha nuôi tôm nước lợ, chẳng ai phủ định rằng thời gian đầu, phần lớn người nuôi tôm đều thu lại lợi nhuận cao, cải thiện được kinh tế gia đình. Tuy nhiên, người nuôi tôm nước lợ hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro về dịch bệnh. Theo thống kê mới đây của ngành Nông nghiệp tỉnh, hằng năm, có khoảng từ 20 - 30% diện tích nuôi tôm nước lợ phải thu hoạch sớm do dịch bệnh, gây thiệt hại từ 40 đến 50 tỉ đồng/năm.
Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất nông hộ với quy mô nhỏ (0,3 - 0,5 ha/hộ) nên người nuôi không có đủ điều kiện đầu tư ao lắng để xử lý nước mà cấp trực tiếp nguồn nước từ các sông, rạch tự nhiên chứa nhiều mầm bệnh, ảnh hưởng đến tôm nuôi. Khi tôm nuôi bị chết, đa số người dân không xử lý nước diệt mầm bệnh ao nuôi mà xả thải trực tiếp ra ngoài các sông, rạch, làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Theo tờ trình về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, đối tượng được áp dụng chương trình này phải là tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ. Để được hỗ trợ, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng ao lắng phải bảo đảm diện tích từ 15% trở lên so với tổng diện tích mặt nước nuôi tôm; thiết kế ao lắng phải đúng yêu cầu kỹ thuật, độ sâu, thuận lợi trong cấp và thoát nước bảo đảm đủ lượng nước cho ao nuôi.
Mức hỗ trợ của chương trình được tính như sau: Trường hợp đầu tư xây dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 40% chi phí nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 70 triệu đồng/ha ao lắng; trường hợp cải tạo trên nền ao đã có sẵn để làm ao lắng sẽ được hỗ trợ 40% chi phí nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/ha ao lắng. Phần riêng chi phí đầu tư xây dựng ao lắng còn lại do tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm tự góp vốn. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ từ năm 2015 đến 2017 khoảng 8 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và sẽ được phân bổ hằng năm theo lộ trình cụ thể.
Để hạn chế dịch bệnh gây thiệt hại và từng bước ổn định trong việc nuôi tôm nước lợ thì người nuôi rất cần sự hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng vào thời điểm hiện nay. Do đó, việc hỗ trợ đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ của tỉnh là chính sách đúng đắn, giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn.
Nguồn bài viết: http://www.longan.gov.vn/tintuc/Pages/201411/20141127080017.aspx
Related news
Những tháng đầu năm 2015 vụ nuôi tôm nước lợ diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn đến sớm hơn so với năm 2014, độ mặn ở nhiều nơi trên 32‰, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm (nhiều thông số môi trường tại các điểm quan trắc đầu nguồn nước cấp đều vượt ngưỡng cho phép đặc biệt như nitrit, COD, Amonia, vibrio…) làm cho dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng… phát triển, gây chết tôm nuôi, giảm sản lượng tôm thu hoạch và gây thiệt hại cho người nuôi.
Việc nuôi tôm cao triều ở Phú Yên trong thời gian qua đã mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình quản lý đất đai, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép, có địa phương không kiên quyết xử lý nên diện tích lấn chiếm ngày càng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp.
Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh liên tục xảy ra, giá tôm giảm mạnh nhiều tháng liền. Trong khi đó, chi phí thức ăn, con giống… nuôi tôm tăng mạnh dẫn đến diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014.
Cư vào mùa này vào thời điểm thủy triều xuống ngư dân lại tìm đến nghề cào chem chép. Một ký chem chép sau khi cào xong, đóng bao bán cho các đầu nậu 1500 đồng/kg. Các đầu nậu cân lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm, cá bóp vì chem chép sữa là thức ăn giàu dinh dưỡng cho các hải đặc sản giá trị như tôm hùm, cá mú, cá bóp...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu doanh nghiệp không tuân thủ trách nhiệm xã hội sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.