Phân tích các yếu tố đầu vào mô hình nuôi tôm thẻ ao đất và ao bạt/bể bạt
Nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách phát triển ngành tôm ngày càng bền vững, các nhà khoa học và doanh nghiệp có thông tin thực tế về nghề nuôi để định hướng cho việc nuôi tôm của mình; đồng thời, giúp bà con nông dân có nhìn nhận tốt hơn để gia tăng tỷ lệ thành công và năng suất nuôi, chúng tôi tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình nuôi tôm ở ĐBSCL hiện nay.
Mô hình nuôi tôm ao đất
Ao đất nên có diện tích nuôi từ 1.500 - 4.000 m2; mật độ nuôi tùy thuộc từng khu vực, từ 30 - 100 con/m2 nhằm đạt lợi nhuận cao nhất và giảm rủi ro theo điều kiện ở từng khu vực và điều kiện trại nuôi. Nước được bơm lọc vào hệ thống ao lắng, xử lý diệt khuẩn nhẹ bằng các hóa chất như BKC, nồng độ 5 - 10 ppm hay iodine 4 - 7 ppm. Nhiều trại nuôi hiện nay lọc qua hệ thống ao lắng có thả cá rô phi nên nồng độ hóa chất xử lý không cần cao nhằm bảo vệ hệ sinh thái trại nuôi và tiết kiệm chi phí hóa chất. Sau khi nước được xử lý diệt khuẩn, tiếp theo là việc cân bằng khoáng chất, nâng độ kiềm cũng như gây màu cho nước ao sử dụng các sản phẩm như Dolomite, CaCO3, KCl, MgSO4, MgCl2... và các dòng men vi sinh Bacillus sp., mật đường... Nếu vận hành thuận lợi tôm phát triển tốt, sau 3 tháng, tôm đạt cỡ trung bình 35 - 55 con/kg sẽ có chi phí nuôi tương ứng dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg hay chi phí trung bình 45 con/kg đạt 60.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tính trên diện rộng, tỷ lệ nuôi thành công trên ao đất hiện nay chỉ khoảng 30%, trong khi khoảng 40% mất trắng và 30% hòa vốn… Nếu thống kê cả tỷ lệ này vào thì chi phí để sản xuất tôm của hệ thống ao đất sẽ khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg. Vì vậy, ngành nuôi tôm chỉ mang lại hiệu quả khi giá bán tôm phải cao hơn giá thành sản xuất của toàn bộ hệ thống là 100.000 đồng/kg tôm nuôi ở cỡ 45 con/kg.Các chi phí đầu vào bình quân cho mô hình nuôi tôm ao đất thuận lợi và tăng trưởng tốt, đạt hiệu quả hiện nay chủ yếu là chi phí thức ăn (62%) và thuốc men, hóa chất xử lý (15%).
Hình 1. Cơ cấu chi phí sản xuất tôm ao đất
Mô hình nuôi tôm ao bạt
Ao bạt diện tích nuôi hiệu quả khoảng 1.200 m2 cho ao bạt đất và 500 m2 cho bể bạt tròn. Mật độ thả nuôi cuối cùng tùy theo độ mặn, kỹ thuật vận hành và điều kiện ao lắng lọc, biến động từ 150 - 300 con/m2. Hiện tại, nuôi hiệu quả trên ao bạt là quá trình nuôi 2 - 3 giai đoạn. Ao dèo tôm ban đầu (còn gọi là ao ương giống lớn) hiệu quả nhất hiện tại là diện tích từ 100 - 250 m2 với mật độ dèo tốt nhất từ 1.500 - 3.500 con/m2, nếu có kỹ thuật tốt mật độ dèo có thể lên đến 4.000 - 6.000 con/m2. Thời gian dèo tốt nhất là từ 15 - 25 ngày tuổi. Trong quá trình dèo nên thay nước từ 10 - 100% nước tùy theo điều kiện môi trường ao nuôi, thời điểm. Nguồn nước sẵn sàng thay cho hệ thống ao dèo và ao nuôi được xử lý bằng hóa chất và có thời gian cách ly hợp lý để nồng độ hóa chất về ngưỡng phù hợp giúp hệ vi sinh ao nuôi phát triển tốt, tránh nhớt bạt và tảo độc phát triển. Hiện tại, chi phí vận hành trên ao bể tròn thấp hơn trên ao bạt đất và nhiều ưu điểm trên ao bể tròn như không cần chà bạt và hệ thống gom thải tốt hơn ao bạt. Trên ao bạt chi phí vận hành khi tôm 3 tháng tuổi đạt cỡ tôm từ 40 - 25 con/kg dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, trung bình khoảng 80.000 đồng/kg, với cơ cấu chi phí đóng góp vào giá thành bình quân như sau:
Hình 2. Cơ cấu chi phí sản xuất tôm ao bạt
Như vậy, rõ ràng việc cơ cấu chi phí vào giá thành sản xuất cho 1 kg tôm khác nhau giữa các mô hình nuôi và hoàn toàn thay đổi tùy thuộc năng suất nuôi và tỷ lệ thành công. Các ao bạt và bể tròn hiện có tỷ lệ nuôi thành công cao (> 70%) nên mặc dù chi phí sản xuất tôm ao bạt 70.000 - 90.000 đồng/kg tùy cỡ tôm đạt 40 - 25 con/kg, nhưng nếu tính cả tỷ lệ thất bại thì bình quân 1 kg tôm sản xuất cho hệ thống ao bạt cũng khoảng 90.000 - 100.000 đồng như ở ao đất, nhưng do ao bạt có sản lượng vượt trội và kích cỡ tôm thu hoạch lớn hơn nên giá bán cao hơn và lợi nhuận tốt hơn nhiều so với ao đất.
Giải pháp giảm giá thành
Nếu căn cứ vào cơ cấu chi phí đầu vào đóng góp cho chi phí giá thành sản xuất thì các nhà hoạch định chính sách rất dễ nhắm vào việc giảm giá thành thức ăn và chi phí thuốc, hóa chất; nhưng thực tế hai nhóm chi phí này thậm chí còn có thể tăng lên rất nhiều nếu kỹ thuật nuôi kém cho năng suất nuôi kém khiến tôm ăn nhiều mà chậm lớn hay do sức khỏe tôm không tốt phải xử lý nhiều hóa chất và thuốc trị bệnh. Bài toán giảm giá thành cho nuôi tôm ao đất vì thế cần tập trung việc gia tăng năng suất ao nuôi và tỷ lệ ao nuôi thành công.
Theo đánh giá của chúng tôi, hệ thống nuôi ao đất chỉ cần điều chỉnh lại cơ cấu chi phí đầu vào bằng cách đầu tư gia tăng chi phí điện nước (gia tăng hệ thống quạt nước để tăng ôxy cho tôm) và chi phí thiết kế hệ thống ao hồ lắng lọc sẽ giúp tôm nuôi khỏe mạnh tăng được tỷ lệ thành công số ao nuôi và năng suất ao nuôi. Từ đó, giảm được các chi phí thuốc men, hóa chất và chi phí thức ăn rất nhiều. Với hệ thống ao bạt, cần tập trung nuôi nhiều giai đoạn (2 - 3 giai đoạn) để tiết kiệm tối đa các chi phi hóa chất, khoáng và men vi sinh vì liều lượng sử dụng trên cùng thể tích nước có tính đến mật độ nuôi nhưng chi phí ôxy hòa tan và nước sẽ giảm đáng kể…
Hình 3: So sánh cơ cấu chi phí ao đất và ao bạt
Từ đó, để giúp người nuôi gia tăng được tỷ lệ thành công và hiệu quả nuôi cũng như sự phát triển bền vững của ngành tôm, Chính phủ và UBND các tỉnh nên nghiên cứu đầu tư hệ thống kênh mương cấp thoát nước riêng biệt cho các vùng nuôi tập trung; vì hiện nay việc xả thải và lấy nước cấp cùng một kênh gây ô nhiễm nguồn nước và làm giảm tỷ lệ thành công của người nuôi. Nhà nước nên tăng cường kiểm soát các trại sản xuất tôm giống nhằm đảm bảo có nhiều tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh vi khuẩn, virus và vi bào tử trùng cung cấp cho người nuôi. Cùng đó, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới sản xuất thức ăn chất lượng cao nhằm nâng cao sức khỏe cho tôm nuôi và có khả năng chống chịu tốt môi trường và dịch bệnh.
Về phía người nuôi, cần thực hiện các giải pháp trong quá trình nuôi như: nên có ao lắng, lấy nước đầu vụ vào ao lắng thô để lắng lọc lại chất lơ lửng, thả một ít cá chẽm ở các ao có độ mặn từ 5‰ trở lên, hoặc thả cá chép ở các khu vực độ mặn dưới 5‰ vì cá chép giúp làm sạch ấu trùng và ký chủ trung gian các loài mang mầm bệnh trong quá trình lấy nước vào qua túi lọc. Các ao lắng dự trữ nước nên thả cá rô phi để cá ăn chất lơ lửng làm sạch nước và giảm khuẩn trong ao. Quá trình lấy nước vào hệ thống ao lắng dự trữ cho cá lọc ít nhất 1 tháng rồi tiến hành bơm nước lọc qua ao nuôi xử lý. Nếu hộ nuôi nào có điều kiện nuôi cá thương phẩm như cá kèo, cá chẽm, cá dứa... thì nên tận dụng nước nuôi cá qua hệ thống lọc lại cá rô phi để phục vụ nuôi tôm rất tốt. Do nước nuôi cá có nhiều dinh dưỡng khoáng chất rất ổn định cho tôm và dinh dưỡng đất. Đây là khâu chuẩn bị quan trọng ban đầu cho hệ thống ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi nên gia tăng số lượng quạt trên một đơn vị năng suất tôm, các đề xuất tối thiểu cho hàm lượng ôxy hòa tan đạt yêu cầu cho tôm ao đất nên 400 kg tôm/HP (TS. Chalor, Thailand) hay đạt tối thiểu 300 kg tôm/HP (Soraphat, Thailand) hoặc tính theo diện tích nuôi ao bạt cần tối thiểu 20 HP/1.000 m2 (TS Nguyễn Duy Hòa). Trong quá trình nuôi người nuôi cần quản lý tốt màu nước ao nuôi bằng các nguồn men vi sinh để làm phong phú hệ vi sinh vật có lợi cho ao nuôi, khống chế Vibrio trong nước ao bằng các giải pháp pH (7,7 - 7,9), kiềm cao (100 - 130 mg/l cho ao đất và 150 - 200 mg/l cho ao bạt), sử dụng thức ăn có bổ sung thực phẩm chức năng, ví dụ thức ăn có axit hữu cơ lên men tự nhiên và các chất tăng cường sức chống chịu cho tôm (nucleotides, carotenoids, peptides…).
TS Nguyễn Duy Hòa. Giám đốc kỹ thuật toàn cầu, ngành hàng Empyreal, Cargill Inc.
KS. Nguyễn Xuân Hoàng. Kỹ sư NTTS, Giám đốc Công ty Tôm giống Hoàng An
Related news
Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP” với quy mô 1ha/2 hộ của Hợp tác xã Thủy sản và Dịch vụ Duyên Hải (ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ).
Việc chẩn đoán nhanh và xác định sự hiện diện của mầm bệnh WSSV sẽ giúp người dân kiểm soát tốt hơn và có những biện pháp ứng phó khi có mầm bệnh xảy ra
Nghiên cứu này của Gamal M. Samadan và cộng sự 2018 nhằm xác định hiệu quả sản xuất tôm thẻ chân trắng với mật độ thả giống khác nhau.