Phân Bón Trung Quốc Có Tràn Ngập?
Tháng 5, phía TQ hết mùa vụ. Để khuyến khích XK, Chính phủ TQ hạ thuế XK phân bón từ 70% xuống 7%. Do đó, các DN phân bón trong nước phải đoàn kết, sẵn sàng tư thế trước làn sóng hàng giá rẻ TQ tràn vào.
+ Nhập nhèm chất lượng, giá tù mù
Tháng 5, phía Trung Quốc (TQ) hết mùa vụ. Để khuyến khích XK, Chính phủ TQ hạ thuế XK phân bón từ 70% xuống 7%. Trong bối cảnh DN SX phân bón trong nước gặp khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây, nếu không kiểm soát tốt chất lượng hàng NK, thị trường phân bón trong nước sẽ bị phá nát.
TỒN KHO LỚN
Mấy ngày hôm nay, ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) như ngồi trên đống lửa trước thông tin phân bón TQ sắp tràn ngập thị trường Việt Nam.
Trước đây, khi nhu cầu còn thiếu vào lúc chính vụ phía TQ áp thuế XK phân bón lên tới 110% để khuyến khích tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, hai năm gần đây, hàng loạt nhà máy ure, DAP ra đời khiến nguồn cung phân bón tại TQ dư thừa rất lớn.
Tổng thư ký FAV Nguyễn Hạc Thúy chia sẻ: Để giảm lượng tồn kho, hiện 35% nhà máy SX phân bón của TQ tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà máy phân bón NPK chất lượng cao, công nghệ nano tại nước này mới ra đời nên sức tiêu thụ phân đơn giảm mạnh khiến lượng tồn kho các mặt hàng DAP, ure TQ hiện khá cao.
Trung tuần tháng 5 chính là thời điểm TQ hết mùa vụ nên thuế XK phân bón chỉ còn 7%. Do đó, các DN phân bón trong nước phải đoàn kết, sẵn sàng tư thế trước làn sóng hàng giá rẻ TQ tràn vào.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đơn vị dẫn đầu cả nước về SX phân bón, tình hình SX và tiêu thụ phân bón của các đơn vị trong Tập đoàn đang vô cùng khó khăn, thậm chí có đơn vị bi đát.
Tính đến cuối tháng 4/2014, tồn kho các mặt hàng phân bón cao nhất từ trước tới nay, xấp xỉ 700.000 tấn.
Trong đó, phân ure tồn 138.000 tấn, tăng gần 900% so với cùng kỳ; phân NPK tồn 274.000 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ 2013. Riêng Nhà máy DAP Đình Vũ tồn kho từ 50.000 tấn giảm còn 20.000 tấn do giảm SX chứ không hẳn là bán được nhiều hơn. Nhà máy Đạm Ninh Bình tồn kho hơn 100.000 tấn từ cuối năm 2013 chuyển sang 2014 nên vẫn dậm chân tại chỗ.
Là DN đang gặp khó khăn nhất thuộc Vinachem hiện nay khi tồn kho hơn 100.000 tấn ure, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương cần kiểm soát thật chặt việc NK ure qua đường tiểu ngạch. Bởi việc không kiểm soát được số lượng NK chắc chắn sẽ khó kiểm soát được chất lượng, từ đó khiến nhà nước bị thất thu thuế, DN, nông dân trong nước gặp thiệt hại khi dùng phải phân kém chất lượng.
Bên cạnh đó, để ổn định thị trường, hỗ trợ các DN trong nước phát triển các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế NK phân bón trong nước đã sản xuất đủ như ure, NPK.
Về nguyên nhân khiến các DN phân bón trong nước gặp khó khăn, ông Bùi Thế Chuyên - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh (Vinachem) cho rằng, do lượng phân bón ure và NPK nhập khẩu cuối năm 2013 và đầu năm 2014 tăng mạnh so với cùng kỳ.
Trong khi, sản lượng ure của 4 nhà máy trong nước là Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc đã dư thừa khoảng trên 300.000 tấn/năm.
Đặc biệt, tình trạng NK trốn thuế, gian lận thương mại vẫn còn diễn ra phổ biến khiến nhà nước không kiểm soát được số lượng và chất lượng phân bón, gây thất thu ngân sách, xâm hại lợi ích người nông dân, thiệt hại cho DN.
Bên cạnh đó, mặt hàng NPK trong nước chưa được kiểm soát tốt, nhiều DN làm NPK thủ công, công nghệ cuốc xẻng vẫn còn đất hoạt động nên gây hại không kém phân bón nhập lậu.
Hơn nữa, than - nguyên liệu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong giá thành phân bón đang được Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bán với giá cao hơn rất nhiều so với giá được tính toán trong dự án đầu tư trình Chính phủ quyết định tháng 12/2007.
Cụ thể, than cám 4a tăng 129%, giá than cám 5 tăng 119%, trong khi giá bán ure chỉ tăng chưa đầy 12% cũng là một trong những nguyên nhân khiến các DN phân bón vốn khó khăn nay càng thêm bi đát.
CẨN TRỌNG PHÂN BÓN TQ GIÁ RẺ
Có một thực tế phải thừa nhận là giá phân bón TQ luôn mềm hơn các mặt hàng trong nước cùng loại nên hàng TQ lúc nào cũng chiếm được thị phần khá lớn tại Việt Nam. Theo chia sẻ của các DN phân bón trong nước, giá phân bón TQ luôn thấp hơn Việt Nam có hai lí do.
Một là do họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ TQ. Hai là họ thường trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng để bán một cách rất tù mù.
Nằm sát sườn TQ, Nhà máy Đạm Hà Bắc gặp không ít khó khăn với mặt hàng ure TQ giá rẻ
Ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV DAP VINACHEM cho biết, một mánh khóe phía TQ thường làm khi bán DAP vào thị trường Việt Nam là trà trộn sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng 60% với 64% để bán với giá 64% khiến nông dân thiệt hại rất lớn.
Bên cạnh đó, các DN phân bón của TQ “đi đêm” rất mạnh tay nên luôn được các DN kinh doanh XNK phân bón trong nước ưu ái.
Ông Bùi Thế Chuyên - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh - Vinachem:
“Ngoài các DN kinh doanh XNK, hiện có cả DN trong nước tự sản xuất được ure cũng NK khẩu đạm TQ về bán kèm sản phẩm chính khiến thị trường bị méo mó. Trong khi nhà nước chi ra hàng nghìn tỉ đồng để đầu tư xây dựng các nhà máy phân bón, mục đích là để cân đối, ổn định cung cầu trong nước. Nếu phân bón nước ngoài tràn vào nước ta quá nhiều và mất kiểm soát cả về số lượng, chất lượng như hiện nay, đến một lúc nào đó cả nông dân và DN sẽ phải gánh chịu những hệ lụy nặng nề”.
Theo số liệu ông Sinh nắm được, tính riêng 4 tháng đầu năm 2014, nước ta đã NK gần 300.000 tấn DAP từ TQ, còn trong năm 2013 là gần 1 triệu tấn.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng DAP của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1 triệu tấn. Ông Sinh lo lắng, sắp tới khi Nhà máy DAP số 2 Lào Cai đi vào hoạt động cộng Nhà máy DAP Đình Vũ công suất hơn 300.000 tấn/năm, thì sẽ "bội thực" DAP. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương nên cấm NK sản phẩm DAP có hàm lượng dinh dưỡng 60%.
Là DN nằm sát sườn thị trường ure khổng lồ TQ, Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hanichemco) phải vận dụng mọi giải pháp, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, đặc biệt chú trọng khâu thị trường mới đủ sức cạnh tranh với mặt hàng ure giá rẻ TQ tràn ngập thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Tổng Giám đốc Hanichemco lí giải, sở dĩ mặt hàng ure TQ luôn rẻ hơn Việt Nam do các nhà máy của họ đã hết khấu hao nhiều năm nay. Bên cạnh đó, phía TQ có chính sách hỗ trợ 50% cước vận tải cho các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, trong khi nước ta bỏ trợ cấp vận tải rất lâu rồi nên giá ure TQ luôn mềm hơn Việt Nam.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một DN SX phân bón trực thuộc Vinachem, ngoài việc được Chính phủ TQ ưu đãi các loại thuế, sản phẩm ure TQ giá rẻ còn do chất lượng rất nhập nhèm, tù mù.
Cách đây không lâu, một đơn vị SX phân bón tại Hà Nội NK lô ure của TQ về làm nguyên liệu NPK khi đem phân tích chỉ đạt trên 29% dinh dưỡng, trong khi ure bình thường phải là 46,3%. Sau bận “chết hụt” đó, DN này chuyển hẳn sang dùng ure SX trong nước, vừa kích kích cầu nội địa lại yên tâm hơn về chất lượng.
Quá trình điều tra, tìm hiểu, các DN ure trong nước phát hiện phía TQ có hàng chục đơn vị SX phân ure, trong đó ure do các DN của Nhà nước TQ sản phẩm chất lượng tương đối ổn định, song ure của các Cty tư nhân TQ làm ra chất lượng bát nháo vô cùng, nếu không thiếu hàm lượng nitơ thì cũng thừa tiêu chuẩn biuret nên được bán với giá siêu rẻ.
Tại nhiều lối mòn tiểu ngạch thuộc tỉnh Lào Cai nước ta, có đối tác TQ chào bán ure giá chưa đến 6.000 đồng/kg. Nếu để các mặt hàng ure chất lượng kém này tuồn vào Việt Nam, hiểm họa sẽ trở nên khôn lường.
Related news
Trong hàng loạt những cây được ông cứu có đại lão cổ thụ trên 300 năm tuổi còn “đẻ” ra hậu duệ, có trung lão cổ thụ ốm thập tử nhất sinh,..
Tính đến hết tháng 2/2014, XK chả cá và surimi sang Nhật Bản đã tăng trưởng trên 60% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái tương ứng 3,6 triệu USD.
Tỉnh Bình Định vừa cấp phép triển khai thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo chuỗi từ khai thác đến thu mua và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cho 5 hộ dân địa phương.
Đây là mục tiêu được đặt ra tại Đề án khung sản phẩm quốc gia "Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu ưu tiên phân bổ vốn cho các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khai thác thủy sản.