Ozone và những ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản
Ozone (O3) là chất có khả năng oxy hóa cực mạnh, hơn Clo nhiều lần, nhưng lại không bền vững nên chỉ có thể sản xuất và dùng ngay tại chỗ. Ozone là chất tinh khiết được tạo ra bởi tia cực tím. Trong tự nhiên phân tử ozone được tạo ra bởi sự kết hợp của oxy trong không khí và tia tử ngoại từ mặt trời hay từ ánh sáng tia chớp. Mỗi phân tử ozone có cấu tạo gồm 3 nguyên tử oxy. Khi phân giải ozone tạo thành một nguyên tử và một phân tử oxi.
Mô hình xử lý nước trong sản xuất giống
Ozone có tác dụng diệt khuẩn trong nước rất hữu hiệu, nếu nước chỉ chứa vi khuẩn thì lượng ozone đưa vào chỉ cần rất nhỏ, 0,5 ppm đã có thể đạt hiệu suất sát khuẩn trên 97%. Người ta đã quan sát thấy rằng lượng ozone dư bằng 0,45 ppm chỉ sau 2 phút siêu vi trùng có thể bị tiêu diệt, trong khi đó phải cần đến 1 ppm chlorine và thời gian tiếp xúc đến 3 giờ mới cho kết quả tương tự. Ngoài ra ozone còn có khả năng oxy hoá các hợp chất hữu cơ gây ra màu, mùi vị trong nước tốt hơn chlorine. Ngoài khả năng diệt khuẩn, ozone còn có khả năng phân huỷ các khí độc hại trong môi trường nước như: NO2-, H2S và kết tủa một số kim loại nặng Fe2+, Mn2+ ...
Ngoài các chức năng trên ozone còn có khả năng làm kết tụ các vật chất lơ lửng trong nước, phân huỷ các hợp chất hữu cơ... Ozone là chất oxy hoá rất mạnh, hoàn toàn có thể thay thế các hoá chất trong xử lý nước.
Trong nuôi thủy sản Ozone được sử dụng như chất đặc biệt trong khâu sau cùng của quá trình xử lý nước nhằm lọai bỏ vi khuẩn mà không cần đến hóa chất khử trùng để diệt khuẩn. Sục ozone trong khoảng thời gian 4 phút với nồng độ 0,4 ppm có thể tiêu diệt vi khuẩn và 99,9% khả năng hoạt động của virus. Sản phẩm của quá trình ozone hoá thường là các chất giàu oxy và giảm phân tử lượng các hoá chất. Phương pháp xử lý nước cho các trại sản xuất giống tôm, cá bằng công nghệ ozone đã được áp dụng nhiều nơi trên thế giới, kết quả ứng dụng đã đem lại năng suất cao và giảm tỷ lệ thất bại. Ở Việt Nam tuy chưa phổ biến nhưng đã có nhiều trại sản xuất giống tự tìm hiểu và áp dụng công nghệ ozone để xử lý nguồn nước đầu vào và công nghệ sinh học trong suốt quá trình sản xuất tôm giống, kết quả thu được cũng khả quan. Hiện nay, việc sử dụng công nghệ ozone trong quá trình ương nuôi là một giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nước, giảm lượng vật chất hữu cơ trong môi trường nước nuôi rất đảm bảo và an toàn.
Ứng dụng ozone trong sản xuất giống thủy sản
Nước biển sau khi qua bể lắng được bơm trực tiếp qua hệ thống ozone trước khi cho vào bể chứa, không cần phải qua giai đoạn xử lý bằng hoá chất.
Công dụng của hệ thống
– Nước biển sau khi qua hệ thống ozone sẽ được tiệt khuẩn, không để lại bất cứ dư lượng hóa chất nào
– Ozone sẽ phân hủy các chất độc như NH3, H2S, kim loại nặng có trong nước biển
– Không làm thay đổi tính chất nước biển
– Không phải tốn thời gian xử lý hóa chất
– Dễ dàng nâng cấp, di dời hệ thống
– Ngăn ngừa rủi ro tôm bị sốc nước do dư lượng hóa chất
– Tăng nồng độ oxi hòa tan trong nước, kích thích con giống tăng trưởng.
Ứng dụng ozone trong xử lý nước ao nuôi
Nước dưới ao nuôi được bơm qua hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất, sau đó được bơm qua hệ thống ozone để xử lý trước khi trả lại ao nuôi.
Công dụng của hệ thống
– Diệt khuẩn trong nước
– Phân hủy độc tố trong nước (NH3, H2S) và trong ao
– Tăng lượng oxi hòa tan trong nước và trong ao.
– Hạn chế tối đa việc thay nước
Hiệu quả mang lại
– Tăng sức đề kháng, hạn chế được bệnh cho vật nuôi
– Tiết kiệm, không phải sử dụng hóa chất xử lý
– Tôm phát triển đồng đều, màu sắc tự nhiên.
– Giữ môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm trong quá trình nuôi
– Tránh rủi ro trong việc thay nước.
Ưu điểm của quá trình khử trùng bằng ozone là thời gian tác dụng nhanh, hiệu quả khử trùng cao với các loài vi khuẩn, virut, ozone là nguồn nguyên liệu dễ sản xuất. Khử trùng bằng công nghệ ozone là phương pháp khá tiên tiến và ngày càng được ứng dụng khá rộng rãi./.
Related news
Thời gian cải tạo ao, phơi đáy dài ngày hơn theo thông thường, người nuôi chỉ diệt tạp trong ao chứa mà không diệt tạp trong ao nuôi
Cá chày mắt đỏ (Squaliobarbus curriculus) hay còn gọi cá rói, là loài cá nước ngọt, thịt chắc, thơm ngon. Cá sinh trưởng nhanh và nuôi được ở ao, hồ, lồng, bè…
Hiện nay công nghệ Biofloc được coi là hướng đi mới và là giải pháp để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp.