Ông Nguyễn Văn Chót: Dựng nên cơ nghiệp bền vững nhờ bưởi da xanh
Nói đến những nông dân có nhiều kinh nghiệm làm ăn, kịp thời chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị ở ven thành phố Mỹ Tho, mọi người hay nhắc đến ông Nguyễn Văn Chót, ngụ ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho. Ông có vườn chuyên canh trồng bưởi da xanh rộng 4.500 m2 nay được khoảng 6 năm tuổi, cành lá sum suê, xanh tốt và trái sai, cho thu hoạch gần như quanh năm.
Ông Chót chăm sóc vườn bưởi da xanh.
Ông Chót kể, khu vườn này trước kia vốn là đất ruộng, trồng lúa năng suất cao. Tuy nhiên, do miệt này có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên đất sản xuất nông nghiệp ngày càng nhỏ hẹp. Lúa trồng năng suất bấp bênh dẫn đến thu nhập kém, cuộc sống quanh năm khó khăn, vất vả và thiếu thốn. Nhận thấy không thể bám trụ mãi vào cây lúa truyền thống, đồng thời hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ven theo hướng định hình nền nông nghiệp đô thị hiệu quả, trong đó lập vườn cây ăn trái chuyên canh là một trong những nội dung chính nên ông đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để chuyển từ trồng lúa sang lập vườn trồng chuyên canh bưởi da xanh.
Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, bưởi da xanh thích hợp với đặc thù thổ nhưỡng, điều kiện và trình độ sản xuất của nông dân địa phương. Ưu điểm của giống cây đặc sản này là cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt, được thị trường rất ưa chuộng và là cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh mà tỉnh Tiền Giang đang khuyến khích phát triển.
Ông Chót cho biết, trung bình mỗi công đất (1.000 m2) ông trồng khoảng 50 gốc bưởi da xanh. Với 4.500 m2, ông trồng khoảng 220 gốc. Bưởi da xanh có thể trồng bằng gốc ghép hoặc nhánh chiết. Nếu cây chiết cành thì sau 2 năm tuổi bắt đầu cho trái bói, những năm về sau năng suất ổn định. Còn trong trường hợp trồng bằng gốc ghép thì đến 3 năm mới cho trái bói.
Để vườn bưởi luôn xanh tốt, sung mãn và cho năng suất cao, phẩm chất trái tốt, ông Chót đặc biệt quan tâm đầu tư để hoàn thiện mạng lưới ao mương, hệ thống tưới tiêu cho cây, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh khoa học. Đặc biệt là sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học để bón và phun xịt phòng trừ sâu bệnh cho cây. Ưu điểm của phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học là giúp cây kéo dài tuổi thọ, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng.
Nhiều năm nay, cây bưởi da xanh đã khẳng định được giá trị kinh tế trên thị trường. Giá bưởi thương phẩm luôn giữ ở mức cao, thấp nhất 30.000 đồng/kg, còn bình thường từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, thời điểm lễ, Tết có khi tăng lên 55.000 đến 60.000 đồng/kg. Không những thế, bưởi da xanh còn có ưu điểm là cho thu hoạch rải vụ quanh năm, trung bình mỗi tháng một đợt. Đơn cử như vườn bưởi của ông Chót, tháng thấp nhất (rơi vào các tháng mùa khô) cũng thu hoạch bán 500 kg, còn các tháng cao điểm (thường từ tháng 7 kéo dài đến cuối năm) đạt bình quân 1,5 đến 2 tấn/tháng. Tính chung, mỗi năm, vườn bưởi gia đình ông thu được khoảng 12 tấn bưởi da xanh, bán giá khoảng 40.000 đồng/kg, thu về gần nửa tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong đánh giá cao mô hình trồng bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Chót. Theo gương ông Chót, nông dân địa phương đã tích cực cải tạo đất đai, chuyển đổi sang lập vườn trồng bưởi da xanh, hình thành vùng chuyên canh lớn, giá trị kinh tế cao. Hiện nay, diện tích cây bưởi da xanh ở xã Mỹ Phong đã mở rộng trên 320 ha. Địa phương cũng đã thành lập Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh với qui mô trên 30 tổ viên, diện tích canh tác trên 30 ha, trong đó có 10 ha sản xuất theo qui trình VietGAP. Trong tương lai, Tổ hợp tác bưởi da xanh Mỹ Phong sẽ chuyển toàn bộ diện tích sang canh tác theo qui trình VietGAP an toàn và truy xuất được nguồn gốc, tiến tới liên kết theo mô hình chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và tính bền vững của trái bưởi da xanh.
Từ khi chuyển đổi sang lập vườn trồng bưởi da xanh chuyên canh, gia đình ông Chót đã tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, trở thành triệu phú vùng ven thành phố Mỹ Tho.
Không chỉ sản xuất - kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Văn Chót còn là một người hết lòng vì cộng đồng và chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong các năm qua, hưởng ứng chủ trương của chính quyền địa phương, ông đã đóng góp hàng chục triệu đồng ủng hộ các hộ nghèo, gia đình chính sách neo đơn, góp phần hoàn thiện mạng lưới kênh mương nội đồng và phát triển giao thông nông thôn theo chuẩn nông thôn mới.
Nhờ nỗ lực chung của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của người dân trong xã, Mỹ Phong đã được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới trong năm 2015. Điều này cho thấy, kinh tế phát triển, hộ dân khá, giàu chính là một trong những yếu tố then chốt để chương trình xây dựng nông thôn mới thành công.
Related news
Là nông dân đầu tiên chăn nuôi loại gà “tiến vua” ở đất Đồng Xoài, ông Vinh được những người bạn chăn nuôi gọi vui là “vua gà Đông Tảo”.
Một trong những điển hình làm giàu bền vững từ vườn chuyên canh thanh long ruột đỏ ở Tiền Giang là ông Phạm Văn Tư, ngụ xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo.
Đây là vụ thứ ba bà Nguyễn Thị Thơ ở xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) sử dụng sáng chế sinh học có tên BIO EM 5 in 1 - dinh dưỡng cây trồng