Home / Gia súc-Gia cầm / Nuôi vịt

Nuôi vịt siêu nạc Grimaud trên cạn mang lại hiệu quả cao

Nuôi vịt siêu nạc Grimaud trên cạn mang lại hiệu quả cao
Author: Kiều Tước Nguyên
Publish date: Tuesday. July 3rd, 2018

Đây là giống vịt siêu nạc, thịt dày và thơm ngon, thời gian nuôi gần 2 tháng là xuất chuồng, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trên cạn.

Nghề chăn nuôi vịt tại huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đã có chuyển biến mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi thả đồng, tự phát, nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y được thay thế bằng nuôi tập trung, kiểm soát và quản lý tốt dịch bệnh.

Vịt siêu nạc Grimaud chất lượng thịt thơm ngon  

Một trong số người chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế phải kể đến ông Trần Công Phú ở xã Thạnh Nhựt. Ông nuôi giống vịt Grimaud có nguồn gốc từ Pháp do Tập đoàn Grimaud lai tạo. Đây là giống vịt siêu nạc, thịt dày và thơm ngon, thời gian nuôi gần 2 tháng là xuất chuồng, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trên cạn.

Khác hẳn với nuôi vịt chăn thả dưới nước, nuôi vịt Grimaud trên cạn chi phí đầu tư chuồng trại thấp, chỉ cần khu vực nuôi khô, thoáng mát và một nơi tránh mưa nắng. Khu vực nuôi được bố trí các dụng cụ chứa nước uống, máng thức ăn đặt trong nhà. Nền chuồng được trải một lớp cát lấp cao khoảng 10cm; với nền cát mỗi tuần tiến hành cào mỏng lớp phân trên nền một lần.

Ông Trần Công  Phú cho biết, nuôi loài vịt này rất hiệu quả, không những đạt năng suất cao hơn giống vịt siêu nạc khác mà còn rút ngắn được thời gian nuôi. Sau 45 - 50 ngày nuôi, đàn vịt của gia đình ông đạt trọng lượng từ 3,2 - 3,5kg/con, trong một năm ông có thể nuôi được 6 lứa. Sản phẩm được Công ty Vicomax Việt Nam bao tiêu sản phẩm, lứa đầu giá vịt 36.000 đồng/kg ông thu lợi nhuận 28,6 triệu đồng/1.000 con vịt.

Theo ông Phú, giống vịt Grimaud tăng trọng rất nhanh, thời gian nuôi ngắn hơn so với các giống vịt khác được nuôi cùng thời điểm, khả năng thích nghi tốt, tỉ lệ hao hụt thấp (2 - 3%), vịt đồng đều, dễ bán. Đây là dòng vịt siêu nạc nên tỉ lệ mỡ, tỷ lệ hao hụt sau giết mổ thấp hơn so với các loại vịt khác, chất lượng thịt vịt thơm ngon đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Phú cũng cho biết thêm, những ngày tuổi đầu cơ thể vịt rất mẫn cảm với thay đổi thời tiết vì vậy phải đảm bảo duy trì nhiệt độ úm phù hợp. Để giảm tỷ lệ hao hụt đàn khi đưa vịt từ chuồng úm ra sàn nuôi cần chú ý tránh không để chuột, chó, mèo tấn công; tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ cho đàn vịt. Khả năng tăng trọng của vịt Grimaud nhanh nhất ở giai đoạn từ 15 - 40 ngày tuổi. Sau 40 ngày tốc độ tăng trọng sẽ chậm lại. Do đó cần điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nói về nuôi vịt siêu nạc Grimaud của Pháp, kỹ sư Nguyễn Văn Bương (Cty TNHH Guyomarc’h Việt Nam) cho biết: Vịt Grimaud được du nhập vào Việt Nam từ năm 2010. Để nuôi có hiệu quả cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ lúc vịt 1 - 50 ngày tuổi (xuất chuồng). Úm vịt cũng phải trên sàn (sàn cách mặt đất khoảng 30cm), úm bằng đèn hồng ngoại, điều chỉnh bóng đèn lên xuống sao cho vịt đừng bị quá nóng hay quá lạnh.

Ví dụ úm 1.000 con thì chia làm 4 ngăn, mỗi ngăn khoảng 3 bóng đèn để úm 250 con. Thấy vịt co cụm lại là nhiệt độ lạnh, vịt tản ra xa bóng đèn là quá nóng, vịt rải đều trong ngăn là nhiệt độ phù hợp. Nếu không có sàn thì khu vực úm phải đảm bảo sạch sẽ, không bị mưa tạt gió lùa; khu vực úm phải khô ráo, không bị ẩm ướt.

Vịt con mới mua về nên cho nhịn đói, sau 4 giờ mới cho ăn. Nếu vịt chưa khô lông thì cho nhịn đói đến 6 giờ. Trong thời gian nhịn đói nên cho vịt uống nước (hơn nữa cho uống nước lúc này nhằm trị chứng khô chân cho vịt). Trong 1 - 3 ngày đầu, cho vịt uống thêm kháng sinh phòng bệnh đường ruột như nhóm: Oxytetracylilin hoặc Ampicillin và các Vitamin B.complex.

Vịt nuôi đến 45 - 50 ngày tuổi có con nặng nhất tới hơn 3,5kg. Do đó, nên nuôi với mật độ 4 - 5 con/m2. Nhìn chung, từ 1 - 50 ngày tuổi, ta thường xuyên ngừa bệnh cho vịt. Cụ thể như: 1 ngày tuổi chích ngừa viêm gan; 14 ngày tuổi chích ngừa dịch tả; 18 ngày tuổi chích ngừa H5N1, tụ huyết trùng, thương hàn, trụi lông.

“Nuôi vịt Grimaud trên cạn dễ nhiễm bệnh, đến đợt nuôi thứ 3, thứ 4 vịt sẽ bị bệnh bại huyết. Do đó, muốn nuôi dài lâu, liên tục thì phải úm trên sàn, nuôi trên sàn (cách mặt đất khoảng 30cm), không nuôi theo thời giá. Phải trữ nước ngọt để nuôi. Dưới sàn nên tráng bê tông hoặc lót ni lông dày để dễ dàng vệ sinh chuồng trại. Không nên nuôi dưới nước vì khoảng 1kg trở lên là nó bị chìm. Nên xây hầm biogas, lấy khí gas làm chất đốt phục vụ sinh hoạt cho gia đình, tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền", kỹ sư Bương khuyến cáo.

Mô hình nuôi vịt siêu nạc Grimaud trên cạn được đánh giá là thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay và góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi trường. Mô hình trên sẽ được các địa phương ở Tiền Giang nhân rộng trong thời gian tới.


Related news

Một số bệnh ngỗng thường mắc và cách phòng trị Một số bệnh ngỗng thường mắc và cách phòng trị

Một số bệnh ngỗng thường mắc và cách phòng trị: Bệnh tụ huyết trùng, Bệnh cúc khuẩn, Bệnh không tiêu, Bệnh cắn lông, rỉa lông, Bệnh dịch tả vịt lây sang ngỗng

Monday. June 4th, 2018
Bệnh nhiễm trùng huyết ở vịt Bệnh nhiễm trùng huyết ở vịt

Bệnh nhiễm trùng huyết ở vịt ( Riemerellosis) hay còn gọi là bệnh bại huyết là tình trạng vi trùng xâm nhập vào máu, gây rối loạn đông máu, rối loạn tuần hoàn

Tuesday. June 19th, 2018
Kinh nghiệm nuôi vịt đẻ Kinh nghiệm nuôi vịt đẻ

Mô hình nuôi vịt đẻ do Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ năm 2015.

Friday. June 22nd, 2018