Nuôi Vẹm Xanh, Lợi Ích Nhiều Mặt
Những năm gần đây, môi trường nuôi trồng thủy sản ở nhiều đầm, vịnh, vùng cửa sông được cảnh báo có nguy cơ bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát. Vấn đề bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản trong các đầm, vịnh, vùng cửa sông đang trở nên cấp thiết, được các cấp, các ngành và ngư dân quan tâm.
Thời gian qua, nhiều ngư dân ở Phú Yên đã được tập huấn kỹ thuật nuôi các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nhất là kỹ thuật nuôi vẹm xanh. Ngoài ra, một số ngư dân và cán bộ kỹ thuật thủy sản ở Phú Yên còn được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi vẹm xanh ở đầm Nha Phu (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Nhiều hộ được hỗ trợ vẹm giống để nuôi. Tiêu biểu có hộ ông Ngô Xuân Yêm ở xã An Hải (huyện Tuy An) triển khai mô hình nuôi vẹm xanh trên 100 m2 đất bãi ở đầm Ô Loan, với 27.000 con, cỡ 1,5 - 2,5 cm/con.
Kết thúc mô hình, ngoài số tiền thu được từ bán vẹm thương phẩm, một nguồn vẹm giống được sinh sản và phát tán khắp trong đầm, trở thành nguồn lợi tự nhiên. Ngoài ra, môi trường xung quanh khu vực nuôi vẹm được cải thiện đáng kể, một số hồ nuôi tôm sú khu vực này ít xảy ra dịch bệnh và thu được kết quả khá hơn so với các năm trước. Từ mô hình này, nhiều ngư dân và cán bộ trong tỉnh đã đến tham quan học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật nuôi vẹm xanh.
Nuôi vẹm xanh chỉ tốn tiền mua giống, cọc, lưới để buộc giống và công chăm sóc, không cần chi phí thức ăn, kỹ thuật nuôi lại đơn giản, nên dễ thực hiện. Từ lợi ích về kinh tế và môi trường sinh thái mà vẹm xanh mang lại, đầu năm 2005, huyện Tuy An đã hỗ trợ kinh phí cho ngư dân mua 1.200 kg vẹm giống về thả nuôi ở vùng gần cửa đầm Ô Loan.
Vẹm xanh được bà con thả nuôi đã phát triển tốt, giúp họ có thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Ngư dân sống gần khu vực đầm Ô Loan cho biết: Ngay sau khi mở rộng quy mô nuôi vẹm xanh, rong câu trong đầm Ô Loan lại xuất hiện nhiều hơn các năm trước, có ngày bà con vớt trên 2 tấn rong tươi, là nguồn thu nhập đáng kể, là tín hiệu cho thấy môi trường nuôi trồng thủy sản ở đầm Ô Loan bước đầu được phục hồi.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Chính, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang: Ở TX Cam Ranh (Khánh Hòa) đã có nhiều hộ ngư dân kết hợp nuôi vẹm xanh trong ao nuôi tôm sú, vừa hạn chế được việc sử dụng hóa chất, vừa tạo sự an toàn cho môi trường trong ao nuôi tôm, nhờ đó tôm phát triển tốt. Đã có nhiều ngư dân ở các tỉnh duyên hải miền Trung làm theo mô hình này.
Nuôi vẹm xanh không những chỉ có lợi ích kinh tế thuần túy, mà còn có tác dụng cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản thông qua cơ chế lọc sinh học của đối tượng nuôi này, góp phần tạo sự cân bằng môi trường sinh thái trong các đầm, vịnh, vùng cửa sông, đồng thời giúp các đối tượng thủy sản khác như tôm sú, tôm hùm, cá mú… phát triển bền vững, các địa phương cần triển khai nhân rộng.
Related news
Việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học (chế phẩm Balasa N01) trong chăn nuôi mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với chăn nuôi thông thường. Tuy nhiên, việc ứng dụng đệm lót sinh học vẫn cần những cải tiến mới và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp để mô hình này có thể nhân rộng trong cả nước.
Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.
Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...
Khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giá bán các loại trái cây chủ lực tại vườn đồng loạt giảm, bình quân giảm từ 2.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, tùy theo từng loại trái. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn.
Trong những năm qua, việc áp dụng các giống mới vào sản xuất đã giúp cho năng suất lúa của nông dân không ngừng tăng cao. Nhưng hiện nay, ở một xã trên địa bàn, không ít hộ vẫn sử dụng lúa thương phẩm để làm giống. Cách làm này không chỉ khiến cho năng suất lúa thấp mà cây lúa dễ bị nhiễm bệnh, chi phí đầu tư cao...