Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên cả nước tại Quảng Nam
Công ty cổ phần QNTEK đã triển khai thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại vùng đất cát xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên cả nước
Từ tháng 10/2018, Công ty cổ phần QNTEK đã mạnh dạng đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại vùng đất cát xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, với qui mô ban đầu 6,5ha.
Ông Trần Bá Cương John, Giám đốc kỹ thuật của Công ty cổ phần QNTEK, cho biết: Dự án nuôi tôm này theo qui trình sạch, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Nuôi tôm ứng dụng công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen, giữ oxy hòa tan trong nước ≥ 6ppm; sử dụng các khoáng vi sinh dược liệu như: Đinh lăng, tỏi, ổi, an xoa,… (có rất nhiều trên địa bàn tỉnh Quảng Nam). Chỉ sử dụng các men vi sinh có sẵn trong môi trường, không sử dụng men vi sinh bổ sung để phân hủy hữu cơ. Nuôi với mật độ ≥ 350 con/m2; xử lý nước thải tuần hoàn bằng công nghệ bọt khí Micro-Nano Ozone; hạn chế tối đa mật độ tảo trong ao nuôi.
Vụ đông xuân 2018 – 2019, doanh nghiệp đã thả nuôi tôm trên qui mô 6,5ha, hiện tôm đã 84 ngày tuổi, đã đủ tiêu chuẩn thu hoạch. Với qui trình nuôi tôm sạch, công nghệ tiên tiến này, tôm thương phẩm sẽ bán giá cao hơn thị trường khoảng 20-30 ngàn đồng/kg.
“Xác lập quy trình nuôi tôm sạch, không sử dụng kháng sinh, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Có thể phổ biến, hướng dẫn quy mô nuôi tập trung để phát triển ngành nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Để nuôi tôm theo qui trình này cần đầu tư hạ tầng và trang thiết bị máy móc… khoảng 5 tỷ đồng/ha” - ông Trần Bá Cương JOHN nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần QNTEK chia sẽ: Những năm tới, doanh nghiệp sẽ phát triển diện tích nuôi tôm theo qui trình sạch, công nghệ tiên tiến này lên quy mô 100ha, để có thể triển khai mang tính công nghiệp. Khi phát triển sẽ có chiến lược về thị trường tiêu thụ, xây dựng nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm…
Ngày 14/2 (Mùng 10 Tết), Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu đã tham quan khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần QNTEKtại vùng đất cát xã Bình Hải, huyện Thăng Bình.
Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam tham quan khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại vùng đất cát xã Bình Hải
Trao đổi với báo chí, ông Thanh cho biết: Hiện nay, tại Quảng Nam, các mô hình nuôi tôm trên cát do người dân tự nuôi, nuôi bằng cách lót bạt ở khu vực trên cát và khu vực vùng triều ở ven sông Trường Giang.
Nhìn chung, nuôi tôm ở Quảng Nam trong thời gian vừa qua và cho đến tận bay giờ theo hướng quảng canh. Nuôi theo kỹ thuật rất là thô sơ. Đặc biệt, khâu lấy nước và xả thải ra môi trường vẫn chưa làm tốt, chính vì vậy làm gây ô nhiễm phần nào đến khu vực ven biển của Thăng Bình đến Núi Thành.
Riêng đối với mô hình này, lần đầu tiên doanh nghiệp nghiên cứu và nuôi theo công nghệ rất là tiên tiến. Tôi đã có đi một số địa phương khác trên cả nước, thì so sách với mô hình này có nhiều cải tiến, ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn, đặc biệt là vấn đề trong xử lý môi trường. Do đó, đây là mô hình Quảng Nam rất khuyến khích.
Từ mô hình nuôi đầu tiên này, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp cùng với các hộ nuôi tôm trên cát (trong vùng có qui hoạch nuôi tôm) của huyện Thăng Bình và Núi Thành hợp tác với nhau, để cùng nhau đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn và quản lý khai thác để vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa không bấp bênh với vấn đề thời tiết, thị trường… nhằm bảo vệ môi trường và phát triển du lịch vùng đô thị ở phía Đông của tỉnh…
Related news
Mô hình nuôi cá tập trung ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch, dịch vụ giúp người dân có thu gấp đôi, gấp 3 so với trước kia.
Biofloc là tập hợp các loại vi sinh vật khác nhau, chủ yếu là vi khuẩn, kết lại thành dạng hạt bông xốp với trung tâm là hạt chất rắn lơ lửng
Hiện e-AQUA đã được các doanh nghiệp, cơ sở tôm giống, tôm thịt tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, TP.HCM áp dụng thành công