Nuôi tôm trong hồ lót bạt lãi lớn
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đánh giá: “Ưu điểm của mô hình này là môi trường nuôi được kiểm soát tốt, che lưới lan hạn chế tối đa tia bức xạ từ mặt trời, ổn định nhiệt độ nước ao nuôi...
Thu hoạch tôm trong mô hình nuôi hai giai đoạn trong hồ lót bạt
Tại Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống Thủy sản Sáu Biển, (ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn trong hồ lót bạt, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Tham dự có lãnh đạo Sở NN-PTNT, chính quyền các huyện vùng U Minh Thượng và đông đảo nông dân nuôi tôm trong khu vực.
Mô hình được thực hiện trên hệ thống hồ nuôi nổi sử dụng bạt nhựa HDPE, gồm: 1 hồ ương dung tích 100 m3 và 3 hồ nuôi 500 m3/hồ, được che lưới lan 100%. Giai đoạn 1, tôm được ương vèo từ 20-25 ngày, mật độ 4.500 con/m3, sau đó xả theo đường ống qua hồ lớn. Giai đoạn 2 mật độ thả nuôi 300 con/m3, với thời gian nuôi khoảng 50-70 tôm đạt kích cỡ thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đánh giá: “Ưu điểm của mô hình này là môi trường nuôi được kiểm soát tốt, che lưới lan hạn chế tối đa tia bức xạ từ mặt trời, ổn định nhiệt độ nước ao nuôi dao động không quá 2 độ C giữa ngày và đêm. Chất thải từ phân tôm, vỏ tôm lột, thức ăn thừa… được kiểm soát bằng hệ thống xi phông. Nước ao nuôi thay ra được xử lý và tái sử dụng lại khoảng 70%/vụ”.
Sản lượng thu hoạch đạt khoảng 2,6 - 3 tấn/hồ nuôi, cỡ tôm 40-50 con/kg, giá bán hiện nay từ 100 - 115 ngàn đồng/kg, lãi khoảng 50 – 80 triệu đồng/hồ sau khi đã trừ chi phí đầu tư. Tính ra mỗi ha nuôi đạt năng suất 60 tấn tôm thương phẩm/vụ nuôi, lợi nhuận thu được hơn 1 tỷ đồng. Với quy trình này mỗi năm nuôi được 3 vụ/năm và rất hiệu quả nếu kết hợp với môi trường nuôi quảng canh tôm – lúa (sử dụng vuông nuôi làm hệ thống ao lắng).
Các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao hiệu quả của mô hình, cả về mặt hiệu quả kinh tế cũng như môi trường. Tuy nhiên, việc nhận rộng cũng gặp một số khó khăn do hộ nông dân hạn chế về nguồn vốn (đầu tư ban đầu khoảng 130 triệu đồng/hồ nuôi), cần có hệ thống lưới điện 3 pha ổn định để chạy quạt, máy bơm, giao thông thuận tiện để vận chuyển thiết bị, thức ăn, tôm thương phẩm. Người nuôi cũng cần được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ trước khi bắt tay thực hiện.
Related news
Giá cá bớp thương phẩm tăng cao đã giúp nhiều hộ dân nuôi cá bớp ở huyện đảo Lý Sơn có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống.
Mạnh dạn thay đổi cách nuôi, hiện nay, một số hộ dân tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, Cà Mau đã thành công khi thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong mùa khô.
Mô hình nuôi cá chuối hoa. Đây là mô hình nuôi mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hứa hẹn tiềm năng kinh tế có giá trị cao.