Home / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi tôm trên cát trúng lớn

Nuôi tôm trên cát trúng lớn
Author: Việt Nguyễn
Publish date: Saturday. January 5th, 2019

Các nông hộ nuôi tôm lót bạt trên cát bước vào thu hoạch vụ 3 với niềm vui lớn vì được lãi cao.

Nông hộ thu hoạch tôm thẻ chân trắng được nuôi bằng hình thức lót bạt trên cát trong vụ 3 này. Ảnh: Quang Việt

Nông hộ thu lãi lớn

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đang bước vào kỳ thu hoạch thứ 3. Ông Nguyễn Thanh Hùng ở thôn Đồng Trì, xã Bình Hải (Thăng Bình) rất phấn khởi vì thu được lãi lớn. Đầu tháng 10, gia đình ông đầu tư nuôi 30 vạn con giống tôm thẻ chân trắng trên 3 ao nuôi có tổng diện tích 6.000m2. Sau 3 tháng thả nuôi, tôm phát triển tốt, ông Hùng thu được 2,5 tấn tôm, bán được 400 triệu đồng, lãi hơn 250 triệu đồng. “Đây là vụ nuôi tôm thẻ chân trắng trúng nhất của gia đình tôi. Sợ tôm sinh trưởng chậm trong điều kiện thời tiết không thuận lợi nên tôi nuôi với mật độ tương đối thưa. Sang vụ mới năm 2019, tôi nuôi tôm với mật độ dày hơn nên kỳ vọng sẽ thu được năng suất, sản lượng vượt trội, lãi càng lớn” - ông Hùng nói.

Nông hộ nuôi tôm bằng hình thức lót bạt trên cát ở huyện Núi Thành cũng đang bước vào vụ thu hoạch tôm thứ 3. Ông Nguyễn Hào ở thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa chia sẻ, nuôi tôm trên cát quanh năm và có được niềm vui lớn nhờ được mùa lại được giá. Ở vụ nuôi tôm vừa qua, gia đình ông Hào đầu tư nuôi 50 vạn giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1ha. Nhờ thường xuyên chăm sóc tôm kỹ càng, ông Hào không phải xử lý những tình huống tôm bị bệnh, bị sốc môi trường. Thu được 5 tấn tôm thương phẩm sau 3 tháng nuôi, ông Hào bán được hơn 700 triệu đồng, lãi xấp xỉ 500 triệu đồng. “Tôm thẻ chân trắng rất nhạy cảm nên tôi phải xử lý kỹ nguồn nước. Tôi chọn mua tôm giống Việt Úc được kiểm dịch tốt dù giá cao hơn mặt bằng chung. Tôi luôn bổ sung vitamin, kháng chất, men vi sinh giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, miễn dịch với biến động môi trường, đặc biệt là rét lạnh kéo dài xem kẽ mưa lớn” - ông Hào nói.

Khuyến khích mô hình nuôi chất lượng

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nuôi tôm trên cát có nhiều ưu điểm hơn nuôi tôm ở vùng triều nhờ hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, nguồn nước biển đảm bảo chất lượng, hộ nuôi đầu tư lớn, có trách nhiệm bảo vệ môi trường chung nên tôm nuôi sinh trưởng trong điều kiện thuận lợi, lớn nhanh, đạt năng suất, sản lượng cao. Thời điểm này, nguồn cung ít, giá tôm thương phẩm đạt cao. “Thương lái rất khó ép giá đối với sản phẩm tôm nuôi bằng hình thức lót bạt trên cát nhờ nông hộ áp dụng quy trình kỹ thuật tốt, không sử dụng kháng sinh, tôm chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều nông hộ bán tôm thương phẩm với giá từ 150 nghìn đồng/kg trở lên nên giá trị kinh tế thu được rất lớn” - bà Tâm nói.

Chi cục Thủy sản Quảng Nam khuyến cáo, sau khi thu hoạch tôm nuôi vụ 3, nông hộ nên phơi ao một thời gian để ổn định lại các yếu tố môi trường. Quá trình cải tạo ao nuôi cần đồng bộ các bước, tẩy rửa sạch các yếu tố mầm bệnh bám vào bạt quanh ao nuôi tôm. Các bờ ao cũng cần gia cố kỹ càng, khống chế xâm nhập của các yếu tố gây hại từ bên ngoài. Ngành thủy sản khuyến khích nông hộ nuôi tôm cần tiếp tục sử dụng men vi sinh, nói không với kháng sinh, hóa chất để tôm nuôi sinh trưởng tốt, chất lượng đảm bảo. “Qua khảo sát để đúc rút kinh nghiệm, chúng tôi khuyến cáo nông hộ nên nuôi tôm qua 2 giai đoạn. Sau khi mua tôm giống từ các công ty uy tín và được kiểm dịch kỹ càng, nông hộ nên bố trí vào ao ương nuôi độ 1 tháng với chế độ dinh dưỡng, chăm sóc đặc biệt để tôm nâng cao sức đề kháng, quen với môi trường mới. Sau đó, chuyển tôm qua giai đoạn 2, nuôi thương phẩm, mật độ dày mỏng tùy theo diện tích ao nuôi, chế độ cung cấp, xử lý nguồn nước cũng như dinh dưỡng, chăm sóc của từng hộ” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành khuyến khích nuôi tôm trên cát bởi nông hộ hay các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm bài bản, xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài, áp dụng công nghệ cao, đặc biệt là nuôi công nghiệp theo hướng hàng hóa phục vụ xuất khẩu. “Quảng Nam chưa phải là “thủ phủ” của ngành tôm cả nước nhưng thời gian qua đã tiến bộ vượt bậc. Điểm nhấn là kiểm soát toàn bộ hệ thống nuôi tôm với cách sắp xếp, bố trí hợp lý, gọn gàng, liên hoàn từ nguồn nước, xử lý ao nuôi, ao lắng, thức ăn, bổ sung khoáng chất, vi sinh cho đến trữ nước, ao chứa chất thải, xử lý chất thải. Các cách thức nuôi tôm tiến bộ, thu lãi lớn sẽ được khuyến khích nhân rộng  cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư trong thời gian đến” - ông Ngô Tấn nói.


Related news

Khả năng mở rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính VietGAP Khả năng mở rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính VietGAP

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân các địa phương tại Thanh Hóa.

Friday. January 4th, 2019
Kỳ tích mới của cá tra Việt Nam Kỳ tích mới của cá tra Việt Nam

2018 được nhận định là một năm thành công của ngành hàng cá tra, không chỉ giá cá tra nguyên liệu lập kỷ lục mà xuất khẩu cũng ghi dấu ấn đậm nét

Friday. January 4th, 2019
Thử nghiệm thiết bị tạo ôxy mới trong nuôi tôm Thử nghiệm thiết bị tạo ôxy mới trong nuôi tôm

Thử nghiệm thiết bị Aquablaster trong nuôi trồng thủy sản. Đây là thiết bị mới dùng để tạo ôxy và phân giải các chất hữu cơ có hại dưới đáy ao.

Saturday. January 5th, 2019