Nuôi tôm theo quy trình VietGAP ao sạch túi đầy
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm thì việc tuân thủ một quy trình sản xuất sạch, an toàn là điều cần thiết và phải được nhân rộng.
Thu lãi khủng
Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng được giao thực hiện mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP” với quy mô 2ha, mật độ 80 con/m2, được thực hiện tại 5 hộ tại các quận, huyện Dương Kinh, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.
Kết quả, sau hơn 3 tháng nuôi, cỡ thu hoạch trung bình 20,4g/con; tỷ lệ sống trung bình 68,2%; năng suất bình quân 10,9 tấn/ha, sản lượng 21.844kg/2ha; lãi ròng khoảng 800 triệu đồng/ha.
Tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Xuân Song (Nghi Xuân-Hà Tĩnh).
Theo đánh giá, các hộ tham gia thực hiện mô hình đều tuân thủ quy phạm VietGAP.
Địa điểm triển khai nằm trong vùng quy hoạch, các chủ hộ đã tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; đều có biển báo, đánh dấu mô hình; hồ sơ ghi chép về mua các sản phẩm để thực hiện mô hình, nhật ký ghi chép tất cả các bước kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Tại Thanh Hóa, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP cũng thu được kết quả khả quan.
Sau hơn 5 tháng nuôi, cỡ thu hoạch đạt trung bình 20,4g/con; tỷ lệ sống trung bình 68,2%; sản lượng 21.844kg/2ha; năng suất 10,9 tấn/ha; lãi ròng 750 triệu đồng/ha.
Triển khai dự án khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cũng chọn được 5 hộ tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP.
Các hộ tham gia thực hiện mô hình có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng và vốn đối ứng, tự nguyện làm đơn đăng ký tham gia dự án và thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật của mô hình.
Trung tâm đã mời doanh nghiệp tham gia liên kết hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm với nông dân trong mô hình và đã được Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng thủy sản Minh Phú thỏa thuận với nông dân bao tiêu sản phẩm với giá thu mua ổn định.
Anh Trần Bạc Su, ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu, cho biết, anh có 0,4ha tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP, bắt đầu thả giống từ ngày 20/6/2015, thu hoạch (29/8/2015) đạt sản lượng 6,3 tấn với giá bán bình quân 115.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi 232 triệu đồng.
Tương tự, anh Huỳnh Khánh Lượng, xã Trung Bình (Trần Đề) cũng đạt lợi nhuận 176 triệu đồng/0,4ha nuôi tôm theo VietGAP.
“Điều quan trọng là áp dụng mô hình này, chúng tôi giảm được áp lực dịch bệnh do ô nhiễm môi trường, tôm phát triển ổn định và đặc biệt là chất lượng đảm bảo”, anh Lượng nói.
Trên đây là 3 trong số 6 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế) thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP được triển khai trong khuôn khổ dự án khuyến nông Trung ương “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP”.
Theo ông Lê Ngọc Quân (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), quy mô dự án có 9 mô hình, mỗi mô hình rộng 2ha.
Hộ tham gia mô hình bắt buộc phải có ao chứa, ao lắng, ao xử lý bùn.
Địa điểm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch.
100% số hộ xây dựng mô hình được mời tham gia đầy đủ các cuộc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về VietGAP.
100% con giống thả nuôi được kiểm dịch có kích cỡ đồng đều, tôm khỏe, sạch bệnh, không có bệnh phát sáng, bệnh Taura (TSV), MBV, WSSV, YHV, HPV.
Mẫu tôm đã được qua xét nghiệm và được cơ quan chức năng kiểm dịch, công nhận chất lượng, mật độ thả 80 con/m2.
Sau khi thu hoạch, hầu hết các mô hình đều cho năng suất cao, lợi nhuận khá.
Mô hình tại Quảng Ninh, tôm đạt kích cỡ 50-80 con/kg, tỷ lệ sống 70%, năng suất 10 tấn/ha, giá bán 130.000 - 150.0000 đồng/kg.
Mô hình tại Nghệ An, năng suất đạt 10 tấn/ha, cỡ tôm 75-80 con/kg, giá bán bình quân 115.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi ròng gần 300 triệu đồng/hộ.
“Cái được lớn nhất của mô hình là phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất (do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn); kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa; tiết kiệm được lượng điện sử dụng.
Khoảng cách cho hai vụ nuôi được rút ngắn 30 ngày, trong khi đó, nếu không nuôi theo quy phạm VietGAP thì khoảng cách là 40-50 ngày.
Sản phẩm nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ tiêu thụ, cỡ thu hoạch lớn hơn, giá thành cao hơn.
Tỷ lệ sống lớn hơn, năng suất và sản lượng cao hơn so với đại trà”, ông Quân nói.
Một điều đáng ghi nhận là, sau khi được tập huấn, các hộ đều nhận thức rõ những yếu tố từ vùng nuôi, ao nuôi của mình có thể ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài nếu không được xử lý và kiểm soát tốt theo VietGAP, do đó đã có ý thức bảo vệ môi trường như: Thu gom các chất thải sinh hoạt, không xả nước thải sinh hoạt ra môi trường; nước thải qua khu vực riêng của cơ sở, được lưu lại để xử lý trước khi thải ra kênh thoát chung; kiểm soát địch hại có hiệu quả thông qua việc làm lưới rào ngăn cua, còng, ngăn chim, có biện pháp bảo vệ động vật trong Sách Đỏ; sự gắn kết cộng đồng giữa các hộ nuôi liền kề ngày càng bền chặt thông qua trao đổi kỹ thuật, không xả chất thải ra môi trường ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.
Cũng theo ông Quân, sau khi đánh giá nội bộ, các hộ dân được tư vấn mời tổ chức đánh giá độc lập được Tổng cục Thủy sản chỉ định đến đánh giá, trên cơ sở đó cấp giấy chứng nuôi tôm theo VietGAP.
Kết quả, đã có 1 hộ và 1 hợp tác xã nuôi trồng được cấp giấy chứng nhận VietGAP gồm: Hợp tác xã nuôi trồng và chế biến xuất khẩu Xuân Thành ở xóm 3, xã Xuân Phổ (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) và cơ sở của ông Đỗ Văn Vịnh ở thôn 7, xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo - TP.Hải Phòng).
Hỗ trợ nông dân trong cấp giấy chứng nhận
Dù hiệu quả đã được khẳng định nhưng trong quá trình triển khai mô hình, các địa phương gặp không ít khó khăn.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa cho biết, cản trở lớn nhất trong việc nhân rộng mô hình nuôi tôm VietGAP là do quy hoạch vùng nuôi chưa tập trung và đồng bộ; cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu; sản phẩm khi nuôi VietGAP và sản phẩm nuôi không áp dụng VietGAP không có sự chênh lệch rõ ràng về chất lượng cũng như giá trị sản phẩm; đa số các hộ dân nuôi nhỏ lẻ đều không muốn áp dụng VietGAP; các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí không thực hiện được vì khi thực hiện cần phải có kinh phí và có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng…
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có nguồn kinh phí hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở, hộ nuôi nếu được ban đánh giá các tỉnh đánh giá đạt các chỉ tiêu theo tiêu chí VietGAP.
Cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi nhỏ lẻ do có tới 29,5% số hộ không áp dụng được vì hệ thống ao chứa, ao cấp không đảm bảo theo tiêu chí VietGAP.
Hệ thống cán bộ khuyến nông các cấp cần nâng cao trình độ về kỹ thuật cũng như quy phạm VietGAP do có tới 26,5% hộ dân được hỏi không áp dụng được do hệ thống ghi chép sổ sách quá khó.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An kiến nghị, cần tiếp tục triển khai mô hình để khẳng định thêm kết quả, từ đó làm cơ sở để nhân rộng nhằm đa dạng hóa hình thức nuôi, là hướng đi đầy triển vọng cho các vùng nuôi tôm hiện nay.
Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện trong việc cho thuê đất, mặt nước để nuôi tôm.
Cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm để áp dụng hình thức nuôi tôm an toàn sinh học, góp phần đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để sản phẩm tôm VietGAP có giá bán cao, ổn định nhằm khuyến khích nông dân áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi tôm.
Ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, để mô hình có sức lan tỏa, Bộ Nông nghiệp và PTNT nên tiếp tục cấp vốn thông qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để triển khai xây dựng mô hình; ban hành hướng dẫn áp dụng VietGAP cho nuôi tôm nước lợ…
Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc thực hiện nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP là hướng đúng đắn để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển bền vững.
Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ xem xét, tiếp tục thực hiện các dự án lớn hơn và cho nhiều đối tượng hơn để có tác dụng định hướng, hỗ trợ cho nông ngư dân các địa phương nhanh chóng tiếp cận và thực hiện các mô hình này.
100% mô hình thuộc dự án thu được kết quả khả quan với năng suất trên 10 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt tới 80%, cỡ thu hoạch trung bình 53 con/kg.
Lợi nhuận tính trên quy mô 1ha đạt trung bình gần 700 triệu đồng, tăng hơn so với mô hình không nuôi theo VietGAP là 35%.
Related news
Ông cũng cho biết thêm, có người còn gọi là khoai Từ, nhưng bà con ở đây gọi là khoai lùn Thái. Nó ăn ngon hơn rất nhiều so với khoai lùn thông thường. Đây là loại cây có củ lùn hình tròn, cuống dài kết thành từng chùm, ruột màu trắng trong, phần nhân màu trắng đục chứa nhiều tinh bột.
“Khi hoa được 1 tháng là bắt đầu cho chúng “ăn” điện. Thời gian ấy nhìn các vườn hoa trông như một thành phố sáng rực đèn điện. Khi hoa đến 2 tháng tuổi là cắt, không dùng điện để hãm chúng nữa để chúng phát triển tự do, lấy sức đơm búp, để hoa nở đúng dịp tết”, chị Đào giải thích thêm.
Lý giải việc cam đầu mùa được giá, ông Hoàng Văn Khủ (bản Pá Han, xã Phù Lưu) cho biết, vì năm nay có tháng nhuận nên cam chín sớm, bắt đầu bán từ tháng 9. Trong khi đó, năm ngoái cam bắt đầu có từ tháng 10. Ông Khủ hạch toán, với sản lượng trên 40 tấn, chắc vườn cam của gia đình ông sẽ thu về được trên 300 triệu đồng.
Định hướng đến năm 2030, khi VN trở thành một nước công nghiệp phát triển, nhu cầu sữa sẽ tương đương với các nước phát triển hiện nay, khoảng 70 lít/người/năm. Khi đó, nếu tạm tính dân số 100 triệu người, nếu VN tự SX sữa đáp ứng được 60-70% nhu cầu trong nước đã là rất thành công.
Thêm vào đó, hai trận bão số 4 và số 5 liên tiếp vừa qua, tại một số nơi, đặc biệt là Gia Lai, mưa do ảnh hưởng của bão đã kích hoa của vụ sau ra sớm, đây là đợt hoa “lãng phí” không sinh trái sau này, khiến sản lượng vụ này giảm và khả năng niên vụ tới 2015/16 mất mùa càng lớn.