Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao
Sở NN-PTNT TP.HCM vừa tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng” thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn TP.
Khu nuôi tôm trong nhà kính của ông Nguyễn Hoài Nam
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, tôm thẻ chân trắng (TTCT) hiện được nuôi ở 4 xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) và xã Hiệp Phước (Nhà Bè). Để tăng năng suất, sản lượng, tăng số vụ tôm nuôi, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh… nhiều DN và nông dân đã áp dụng mô hình nuôi TTCT công nghệ cao như dùng máy cho ăn tự động, hệ thống cung cấp oxy tự động và hệ thống vệ sinh đất ao nuôi đã đảm bảo môi trường, giảm thiểu dịch bệnh...
Ông Nguyễn Hoài Nam ở xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo quy trình 2 giai đoạn trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP. Với diện tích ao chứa là 3.000m2, diện tích ao dự trữ 3.000m2, bể ương (200m2) hình tròn bằng bê tông có lót bạt trong nhà kính theo quy trình BioFloc, thời gian ương từ PL 12 đến tôm 30 ngày tuổi.
Ông Nam cho biết, giai đoạn 1 vệ sinh hệ thống nuôi loại bỏ chất thải hữu cơ, nước bẩn; lọc nước, xử lý nước để loại bỏ clo, diệt khuẩn; nuôi cấy vi sinh tạo floc cung cấp vi sinh, tăng sức đề kháng cho tôm; ương tôm từ 25 - 30 ngày.
Giai đoạn 2, áp dụng quy trình tuần hoàn nước khép kín, tôm 30 - 60 ngày tuổi nuôi ở ao có diện tích 1.000m2, mật độ thả nuôi 200 - 250con/m2. Sau 80 ngày nuôi tôm đạt 40 con/kg, năng suất 5,5 tấn/ao/vụ, 3 vụ/năm, tổng sản lượng 2 ao đạt 33 tấn/năm.
“Tổng chi phí năm 2017 là 2,31 tỷ đồng, sản lượng thu hoạch 33 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg, tổng thu là 4,62 tỷ đồng, lợi nhuận 2,31 tỷ. Áp dụng mô hình này đã đem lại hiệu quả cao mang tính bền vững. Tôm thu hoạch đạt tiêu chuẩn sạch, được các công ty chế biến thủy sản đánh giá cao về chất lượng”, ông Nam hào hứng.
Ông Trịnh Đức Huấn có 20 năm nuôi tôm tại xã Lý Nhơn (Cần Giờ) cho biết, hiện ông nuôi tôm đáy bạt, che lưới khu vực nuôi, áp dụng quy trình VietGAP. Diện tích nuôi là 3ha, năng suất mỗi năm đạt 140 tấn cung cấp tôm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tại hội thảo, ông Huấn đề xuất với các cơ quan chức năng nên khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển sang mô hình nuôi tôm sạch, thành lập hội nuôi. Đối với những hộ nuôi không đảm bảo thì phải bị xử lý...
Trước những tâm tư của người dân, bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM cho biết, để có được con tôm sạch thành phẩm được quyết định bởi nhiều yếu tố. Trước tiên, con giống sạch. Thứ hai, quá trình xử lý nước, sử dụng công nghệ hiện đại đều phải sạch. Thứ ba, sử dụng thức ăn nuôi tôm sạch. Cuối cùng là khâu thu hoạch, đưa ra thị trường và chế biến cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.
Theo bà Thu, chi phí đầu tư nuôi tôm sạch đảm bảo ATTP sẽ cao hơn so với nuôi thông thường, nhưng giá bán sẽ cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng nên người nuôi tôm sẽ đảm bảo được nguồn thu nhập.
Ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT đề nghị lãnh đạo huyện Cần Giờ, Nhà Bè cần thông tin rộng rãi đến người nông dân về các chính sách hỗ trợ của TP trong vay vốn đầu tư thực hiện ứng dụng nuôi tôm CNC cũng như giới thiệu các công nghệ nuôi hiện đại. Tập hợp các hộ nuôi tôm hình thành tổ hợp tác nhỏ, HTX SX theo tiêu chuẩn VietGAP. Đấu mối với các DN thu mua xuất khẩu...
UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch nuôi TTCT trên địa bàn TP đến năm 2025, trong đó diện tích nuôi TTCT ở huyện Cần Giờ 2.400ha; Nhà Bè 120ha, sản lượng ước đạt 1.620 tấn/năm.
Related news
7 giờ sáng, biển mũi La Gàn (xã Bình Thạnh, Tuy Phong) đã rộn tiếng cười nói của các ngư dân săn tôm hùm giống
Hơn 3 năm nay, người dân thôn Thái Cẩm tận dụng mặt nước sông nuôi cá lồng bè, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau phát triển mô hình kinh tế này.
Nhờ nhạy bén, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, gia đình ông Trần Đức Sao vươn lên làm giàu ngay trên vùng đất đầm trũng trước kia.