Nuôi Tôm Sú Thu Nữa Tỷ Đồng Trên Năm
Nhiều đêm không ngủ được, anh Ê cứ trằn trọc, đắn đo suy nghĩ, có nên nuôi tôm sú hay không? Cuối cùng, anh cũng đi đến thành công, thu lợi nhuận về nửa tỷ đồng/năm nhờ nuôi tôm sú công nghiệp.
Năm 1989, anh Võ Văn Ê được Nhà nước cấp 4.200m2 đất. Theo truyền thống của gia đình, anh Ê tập trung trồng lúa và hoa màu. Mỗi năm, anh trồng một vụ lúa và hai vụ màu. Năm 1993, anh nâng lên được 2 vụ lúa, nhưng lợi nhuận chỉ đủ nuôi sống gia đình (4 nhân khẩu). Đến 4 năm sau, dự án nuôi tôm lúa của xã được huyện, tỉnh và Trung ương phê duyệt. Anh Ê mừng lắm, nhưng không có tiền để nuôi tôm sú công nghiệp. Thế là, anh chọn con đường nuôi tôm sú quảng canh trong ruộng lúa. Anh Ê cho biết: “Năm 2001, tôi phải khăn gói sang huyện Thạnh Phú, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm sú trong ruộng lúa. Sau đó, về áp dụng mỗi năm tôi thu lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng”. Anh Ê, càng kể việc nuôi tôm sú, anh càng phấn khởi: “Đến năm 2003, gia đình tôi tích lũy gần 100 triệu đồng nhờ nuôi tôm sú quảng canh”.
Nhưng 3 năm trời, chỉ thu về gần 100 triệu đồng thì hãy còn ít quá. Anh Ê, bàn với gia đình chuyển sang nuôi tôm sú công nghiệp. Từ việc nuôi tôm sú quảng canh, chuyển sang nuôi tôm sú công nghiệp, là thêm sự đắn đo suy nghĩ nghiều đêm cho anh và gia đình. Anh Ê lại tiếp tục khăn gói sang Thạnh Phú, Bình Đại để học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm sú công nghiệp. Anh thường dự các lớp tập huấn khuyến ngư do Phòng thủy sản huyện Ba Tri mở để tích lũy kiến thức nuôi tôm sú công nghiệp. Năm 2003, anh nhất định vay thêm vốn của ngân hàng, cùng với vốn tích lũy của gia đình, anh thuê và mua đất thêm lên đến 1,5ha để nuôi tôm sú công nghiệp. Kết quả thật đáng mừng, từ 2003 đến 2008, anh Ê nuôi tôm sú công nghiệp đạt năng suất bình quân 7 tấn/ha. Mỗi năm, trừ đi các khoản chi phí anh Ê thu lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng.
Anh Ê kể tiếp: “Thấy các ao tôm bỏ không đến 4 tháng (sau thu hoạch), tôi thả nuôi cua biển, cá rô phi, kiếm thêm khoảng 30 triệu đồng”.
Từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cuối năm 2009, anh Ê thuê thêm đất liền ranh để mở rộng vuông tôm, diện tích tăng lên 2,7ha.
Vụ tôm sú năm 2010, anh Võ Văn Ê thu hoạch được 12,5 tấn, sau khi trừ chi phí anh còn lợi nhuận 500 triệu đồng. “Cầm 500 triệu đồng tiền lời từ nuôi tôm sú, tôi mừng đến rơi nước mắt. Số tiền này, hơn 7 năm về trước có nằm mơ tôi cũng không thấy”-anh Ê xúc động nói.
Khi được hỏi bí quyết để nuôi thành công tôm sú công nghiệp trong nhiều năm liền, anh Ê tươi cười không dấu, theo tôi thì con giống và nguồn nước là 2 yếu tố quan trọng nhất. Tôm sú giống phải đảm bảo chất lượng, nguồn nước nuôi phải an toàn (không bị nhiễm bệnh). Theo kinh nghiệm, trước hết phải chuẩn bị ao lắng. Nước dẫn vào ao lắng phải qua túi lọc, trữ lắng từ 7 đến 10 ngày, sát trùng, diệt mầm bệnh theo quy trình sử dụng clorin. Ao nuôi phải được cải tạo bằng cách tháo cạn nước, vét bỏ lớp bùn và bã hữu cơ ở đáy ao sang khu vực xử lý. Sát trùng đáy ao bằng vôi với liều lượng thích hợp tùy theo độ pH trong đất và phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần. Sau đó, lấy nước đã xử lý từ ao lắng cho vào ao nuôi (cũng phải qua túi lọc), mực nước nuôi từ 0,8 đến 1,2m. Trước khi thả tôm để nuôi (cách đó 7 ngày) nên sử dụng phân DAP, bột dinh dưỡng hòa vào nước, bón vào ao để tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Khi các chỉ tiêu độ pH, độ trong, màu nước… đạt yêu cầu thì tiến hành thả tôm vào ao nuôi. Tôm post thả nuôi nên chọn loại P115-P120. Trước khi thả nuôi, phải thuần hóa tôm giống khoảng 3 giờ để tôm thích nghi với môi trường nước trong ao nuôi. Sau khi thả tôm xong, cần theo dõi hằng ngày để tính tỉ lệ sống, qua đó điều chỉnh số lượng thức ăn khi nuôi. Nên thả tôm vào lúc thời tiết mát, tốt nhất là từ 5 đến 7 giờ sáng hoặc 4 đến 6 giờ chiều. Không nên thả tôm lúc trời sắp mưa hoặc đang mưa to. Nên thả nuôi với mật độ từ 25 đến 35 con/m2 (vì tôm chẹt vẫn bán được giá, với lại số lượng tôm này rất ít). Trong thời gian nuôi thì nhà cung cấp thức ăn cho tôm, phải cung cấp bảng hướng dẫn cho người nuôi như: Số lần cho ăn trong ngày, tỉ lệ thức ăn theo các bữa trong ngày, lượng thức ăn theo tuổi và trọng lượng của tôm, tỉ lệ thức ăn cho vào sàng ăn, thời gian kiểm tra sàng sau khi ăn…Có thể sử dụng thêm các thức ăn tăng cường sinh trưởng cho tôm. Ngoài ra cũng nên chú ý, tránh cho tôm ăn trong khu vực dơ của ao, khi tôm lột vỏ nhiều, tôm yếu hoặc nước trong ao bẩn nên giảm lượng thức ăn. Thường xuyên kiểm tra, quan sát tôm, nhất là vào ban đêm. Kiểm tra độ pH 2 lần/ngày vào lúc sáng và chiều. Kiểm tra độ trong của nước, đo hàm lượng oxy hòa tan, đo độ mặn, đo độ kiềm hàng ngày. Sử dụng thêm các sản phẩm sinh học để làm sạch nước và đáy ao trong suốt quá trình nuôi. Trọng lượng lý tưởng để thu hoạch tôm khoảng 25g/con.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Trọng Thủy, anh Võ Văn Ê ở ấp An Quới (Vĩnh An-Ba Tri), là người nhiều năm liền trúng tôm sú, góp phần giữ vững 90 ha mặt nước nuôi tôm sú công nghiệp trong xã. Trong 6 năm qua, anh Ê luôn làm tốt công tác từ thiện, giúp 15 hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 120 triệu đồng. Từ năm 2003 đến nay, anh Ê đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện”.
Bài, ảnh: Thanh Hiền
Related news
Giới thiệu mô hình nuôi tôm sú bền vững không lạm dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm; gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp
Cần kiểm soát các chỉ số của môi trường nước đặc biệt là lượng oxy hòa tan, độ mặn, độ Ph và theo dõi, chăm sóc tôm nuôi kĩ hơn so với thời điểm nuôi
Kỹ thuật quy trình nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp, quy trình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và các bước để nuôi tôm sú không thể thiếu
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với nhiều ưu điểm vượt trội đang ngày càng “thịnh hành” ở nhiều tỉnh, thành nuôi tôm trọng điểm.
Bệnh còi ở tôm sú do virus MBV (Monodon Baculovirus) gây ra. Khi mới nhiễm virus MBV, tôm có dấu hiệu bệnh không rõ ràng