Nuôi tôm nhiều giai đoạn trong nhà kính tại Hà Tĩnh
Để khắc chế dịch bệnh gây hại trong quá trình nuôi trồng, Cty TNHH Growbest Hà Tĩnh chuyển từ nuôi tôm ngoài trời sang mô hình nuôi trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao.
Mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn trong nhà kính đang mang lại hiệu quả cao kinh tế cao cho Cty Growbest Hà Tĩnh.
Nuôi tôm là “nuôi” nước và “nuôi” giống
Với tham vọng “đãi cát thành vàng”, năm 2015 Cty TNHH Growbest Hà Tĩnh (viết tắt là Cty Growbest) mạnh tay đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm thẻ chân trắng ở 2 xã Kỳ Phương, Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Thời điểm đó, hơn 100 cán bộ, kỹ sư công nhân Cty hừng hực niềm tin về những vụ tôm bội thu. Niềm tin ấy được đền đáp ở vụ nuôi đầu tiên với những hồ tôm không dịch bệnh, phát triển đều răm rắp. Đùng một cái, năm 2016 sự cố Cty Formosa Hà Tĩnh xả thải, nguồn nước ô nhiễm trầm trọng khiến toàn bộ diện tích thất thu.
“Năm 2016 chúng tôi thả giống 6 lần thì “khai tử” cả 6, đến vụ sản xuất năm 2017 tôm gần thu hoạch thì gặp tiếp cơn bão số 10 lịch sử, toàn bộ bị cuốn sạch sành sanh. Tính sơ sơ trong 2 năm đó, Cty mất trắng hàng chục tỷ đồng”, Giám đốc Cty Growbest Vũ Văn Tuấn nhớ lại.
Hàng chục đầm tôm bắt đầu bỏ hoang chờ thời cơ khiến ai nhìn vào cũng xót xa. Riêng những kỹ sư, công nhân của Cty, dù là người mạnh cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm cũng lắc đầu ngao ngán trước những biến đổi khí hậu bất thường; môi trường nước biển quá ô nhiễm ở Hà Tĩnh.
Hiện Cty đang kết hợp mô hình nuôi tôm trong nhà kính và ngoài trời.
Không cam tâm từ bỏ những đồng tiền đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được, Ban lãnh đạo Cty Growbest Việt Nam và Growbest Hà Tĩnh quyết định thay đổi công nghệ nuôi tôm từ ngoài trời vào trong nhà kính, ứng dụng, tích hợp một số công nghệ nuôi tôm hiện đại trên thế giới như công nghệ nuôi nhiều giai đoạn; tuần hoàn không thay nước; sử dụng công nghệ sinh học…
Ông Vũ Văn Tuấn chia sẻ, Cty Growbest xác định nuôi tôm là “nuôi” nước và “nuôi” giống. Trước đây, toàn bộ diện tích 36 ha Cty thả giống hết nhưng bây giờ để đảm bảo điều kiện nước đầu vào sạch hoàn toàn Cty phải hi sinh một phần diện tích nuôi dành cho việc xử lý nước. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý đáy và hạ pH nước (vi sinh Lacto bacilluslactic); xử lý khí độc và làm trong nước (vi sinh hiếu khí Bacillus polymixa).
Tôm nuôi trong nhà kính có thể tăng khả năng tăng vụ và nuôi trái vụ.
Còn việc “nuôi” giống, Cty tập trung chăm sóc trong nhà kính qua nhiều giai đoạn. Cụ thể, giống tôm sau khi nhập về sẽ được ương gièo 12 ngày trong diện tích 45m2, sau đó chuyển sang hồ lớn hơn (diện tích 180m2) nuôi tiếp12 ngày rồi tiếp tục chuyển sang hồ thứ 3 với diện tích khoảng 750m2. Tại hồ này, nếu thời tiết ấm, Cty tiếp tục nuôi ương gièo với mật độ 1.000 con/m2, khi trọng lượng tôm đạt 300 - 500 con/m2 tiến hành đưa ra nuôi thương phẩm ngoài trời. Trường hợp thời tiết lạnh hoặc có biến động về nguồn nước, Cty tổ chức nuôi thương phẩm ngay trong nhà kính với mật độ 400 con/m2.
“Việc “nuôi” nước và “nuôi” giống bằng công nghệ nhiều giai đoạn trong nhà kính sẽ tạo ra môi trường sống thân thiện; tăng sức đề kháng cho con tôm khắc chế lại dịch bệnh. Đồng thời, tiết kiệm chi phí sản xuất như điện, thức ăn, chi phí xử lý nước…”, ông Tuấn nói.
Được biết, Cty Growbest Hà Tĩnh bắt đầu đưa công nghệ nuôi trong nhà kính vào vận hành từ đầu năm 2019 trên diện tích 3,5ha; tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng.
Tăng số vụ nuôi lên gấp đôi
Ngoài những ưu thế vượt trội trên, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm của Cty Growbest còn tăng khả năng tăng vụ lên gấp 2 – 3 lần so với sản xuất thông thường. Cụ thể, trước 2018 bình quân mỗi năm doanh nghiệp nuôi được 1,5 vụ (1 vụ nuôi hết diện tích, 1 vụ nuôi 50% diện tích) nhưng năm 2019 Cty đã thu hoạch trọn vẹn 3 vụ, còn khoảng 30% diện tích đang “chín bói” vụ 4.
“Đến thời điểm này chúng tôi đã xuất bán hơn 800 tấn tôm, còn khoảng 280 tấn nữa dự kiến cuối tháng 12 này sẽ thu hoạch”, ông Vũ Văn Tuấn thông tin.
“Lâu nay tôm của Cty Growbest sản xuất ra đều được thương lái đến tận nơi thu mua, một phần đưa vào nhà máy chế biến, một phần xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, những con tôm Cty làm ra đã đồng nhất về trọng lượng và chất lượng nên rất cần có sự hỗ trợ của các Bộ ngành Trung ương trong việc xúc tiến thương mại, đưa con tôm sang Trung Quốc chính ngạch, góp phần ổn định giá cả”, ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh.
Giám đốc Cty Growbest Hà Tĩnh chia sẻ thêm, nếu so sánh về hiệu quả kinh tế thì nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi tôm thông thường vì rủi ro trong sản xuất rất thấp.
Tuy nhiên, hạn chế của nó là nguồn vốn đầu tư công nghệ lớn nên không phải ai cũng đủ tiềm lực, niềm đam mê để đầu tư.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trong bối cảnh nghề nuôi tôm trên địa bàn đang gặp vô vàn khó khăn, hầu hết diện tích chưa thể thả nuôi thì thắng lợi những vụ tôm vừa qua của Cty Growbest đã góp phần giúp người nuôi trồng ở Hà Tĩnh nhìn lại nguyên nhân thất bại của mình.
Đồng thời rút kinh nghiệm, thay đổi tư duy nuôi tôm “chộp giật” sang nuôi an toàn, bền vững.
Với những gì Cty Growbest đã và đang làm được, có lẽ Hà Tĩnh đã không sai khi “chọn mặt gửi vàng”, giao những bãi cát trắng ở thị xã Kỳ Anh cho doanh nghiệp phát triển thành những bãi cát tiền tỷ.
Related news
Ngành nuôi tôm nước ta đang sôi động với rất nhiều quy trình kỹ thuật đã đặt ra vấn đề nhận diện công nghệ cao để phát triển bền vững nâng cao giá trị tôm Việt.
Tận dụng thế mạnh của làng nghề truyền thống, anh Võ Minh Tùng ở ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ đã lập Dự án khởi nghiệp với mô hình lai tạo, sản xuất và bán cá lóc
Ở Lâm Đồng, nghề nuôi cá nước lạnh phát triển tốt và mang lại lợi nhuận cao cho nhiều nông hộ, doanh nghiệp.