Home / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Nuôi tôm hai giai đoạn

Nuôi tôm hai giai đoạn
Author: Ts Trần Hữu Lộc
Publish date: Wednesday. December 26th, 2018

LTS: Tại hội thảo khoa học VietShrimp 2018, TS Trần Hữu Lộc (ảnh) - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã có bài trình bày về “Phương pháp phòng ngừa bệnh trên tôm nuôi”. Chuyên san Con Tôm giới thiệu tới bạn đọc tóm tắt nội dung trên.

Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn vào sản xuất Ảnh: Thanh Ngân

Quy trình cho kết quả về sinh trưởng tốt, không sử dụng hóa chất, kháng sinh nên sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, có thể rút ngắn thời gian nuôi giai đoạn 2 từ đó giúp giảm rủi ro, giảm giá thành.

Quy trình ương dèo

Chuẩn bị ao/bể: Có thể sử dụng ao dèo/ương hoặc bể nổi (60 - 300 m3).

Thời gian chuẩn bị: ít nhất 07 ngày trước khi xuống giống. Dèo trong thời gian khoảng 20 - 25 ngày.

Hệ thống khí đảm bảo và rải đều trong bể, bể phải được xịt rửa sạch sẽ, diệt trùng.

Nước cấp vào bể dèo phải được qua hệ thống lắng lọc kỹ, đã được diệt khuẩn bằng Chlorine với nồng độ 30 - 40 ppm. Kiểm tra nước cấp vào không nhiễm mầm bệnh: EMS/AHPND.

Kiểm tra tất cả các chỉ tiêu môi trường để điều chỉnh cho phù hợp.

Gây vi sinh liên tục 5 - 7 ngày. Bể nên được che mát.

Mật độ thả: 1.000 - 3.000 tôm post/m2 (PL10 - PL12).

Chăm sóc, quản lý: Thức ăn dèo tôm chất lượng cao. Cho ăn 6 - 10 lần/ngày, với lượng ăn khoảng 30% trọng lượng thân. Tăng lượng ăn cho tôm tùy vào sức ăn thực tế của tôm.

Giai đoạn 1 (3 ngày đầu): Dùng thức ăn chất lượng cao PL#2 Skretting.

Giai đoạn 2 (5 - 10 ngày tiếp theo): Có thể dùng thức ăn PL#3 & PL#4 – Skretting.

Giai đoạn 3 (7 - 10 ngày cuối): Thức ăn số 1 - 2. Nên sử dụng thức ăn có chất ngừa bệnh.

Giai đoạn tôm đã ăn được thức ăn số 2, người nuôi có thể trộn 2 - 5g vi sinh đường ruột/kg thức ăn.

Khi chuyển đổi thức ăn sang số lớn hơn, người nuôi cần chuyển từ từ, các ngày đầu tiên nên chuyển khoảng 60 - 70% rồi sau đó mới chuyển hẳn 100%. Với mục đích cân bằng kích cỡ tôm.

Định kỳ bổ sung vitamin, khoáng và vi sinh đường ruột bằng cách trộn vào thức ăn (ở số 1 - 2).

Hàng ngày kiểm tra hàm lượng ôxy hòa tan (DO), pH, độ trong, độ kiềm để điều chỉnh cho phù hợp. Định kỳ 3 ngày/lần tiến hành đo các chỉ tiêu NH3/NH4, NO2, NO3. Đo độ đục bằng nón Imhoff, nên duy trì Floc ở mức 1 - 2 mg/L, hay độ trong khoảng 25 cm.

Xử lý vi sinh mỗi ngày để tăng cường mật độ vi sinh có lợi trong ao nuôi, đảm bảo hệ vi sinh trong ao nuôi đủ để ức chế các loài vi sinh vật gây hại cho tôm và xử lý được chất thải trong bể, tránh khí độc (NH3, NO2,…) tăng cao.

Duy trì độ kiềm (kH): 100 - 150 mg/l, pH trong khoảng 7,9 - 8,2. Thường xuyên bổ sung khoáng (Stomi, Azomite, CalMag…) cho bể nuôi với lượng 1 - 2 kg/60 m3 tùy vào tình trạng tôm trong bể, giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

Không để tảo lên quá xanh (có thể cắt tảo bằng cách xử lý vi sinh buổi tối…) hoặc nước quá dơ phải tiến hành xi phông, thay nước.

Cần chuẩn bị nước vào bể lắng, sát khuẩn và xử lý các chỉ tiêu ổn định để sẵn sàng cấp vào bể khi cần thiết, mỗi lần thay khoảng 20% lượng nước bể nuôi. Thay vào thời điểm trời mát.

Thu hoạch: Sau 18 - 25 ngày tôm đạt 0,8 - 1 g thì có thể chuyển sang ao nuôi. Lưu ý cần vận chuyển tôm lúc trời mát, đảm bảo tôm cứng vỏ.

Giai đoạn nuôi thương phẩm

Ở giai đoạn này, quy trình chuẩn bị ao cần được tiến hành sạch, diệt khuẩn kỹ, cấy vi sinh 5 - 7 ngày. Lấy mẫu kiểm tra mật độ vi sinh, Vibrio, và kiểm tra PCR với EMS, EHP, và đốm trắng.

Thời gian nuôi: Khoảng 45 - 80 ngày.

Mật độ: 50 - 200 con/m2.

Quản lý: Giữ ổn định môi trường bằng vi sinh. Hàng ngày thay nước với lượng 5 - 15% tùy điều kiện từng mô hình

Quản lý chất lượng nước: Trong quá trình nuôi, luôn đảm bảo các yếu tố nằm trong ngưỡng thích hợp, cụ thể:

 - Ôxy hoà tan: > 5 mg/L, NH4+/NH3 : < 1 mg/L, Nitrite tổng số: < 0,1 mg/L

- Độ kiềm: 120 - 200 mg/L, pH: 7,8 - 8,2 (dao động pH sáng chiều không quá 0,5)

- Chỉ số K (Kali), Na (Natri), Ca (Can-xi), Mg (Ma-giê) đảm bảo cân bằng ion ở các độ mặn khác nhau.

Quy trình ủ và xử lý vi sinh

Chuẩn bị: 100 lít nước ngọt đã diệt khuẩn, 200 g khoáng ủ vi sinh (khoáng hữu cơ). Đảm bảo đủ lượng đệm pH, 0,25 - 0,5 kg cám gạo (khuấy trong nước sôi), 0,5 - 1 kg mật đường (đun sôi để nguội). Khoảng 100 - 150 g men vi sinh xử lý nước loại tốt.

Sục khí liên tục trong vòng 16 - 24 tiếng.

Yêu cầu: Vi sinh tốt, pH không được giảm quá 5,5, không nhiễm chủng vi khuẩn Vibrio, mật số vi sinh đạt 108.

Xử lý vi sinh: Được tiến hành trước khi thả tôm: liên tục trong 5 ngày. Trong quá trình nuôi, tiến hành xử lý hằng ngày.

Liều lượng: 50 - 100 L/ao có diện tích 2.000 m3 nước (ao nuôi); 0,5 - 1 L/m3 (bể dèo).

Khuyến cáo: Người nuôi cần sử dụng các vi sinh chất lượng tốt, có mật độ tổng số > 109 CFU/g. Một số dòng vi sinh tham khảo như: Aquafarm (BiOWiSH); Aquastar Pond (Biomin); Lalsea Biorem (Lallemand); EcoMarine (Virbac).

Đo Floc đảm bảo ngưỡng 2 < FVI < 3 ml/L. Nếu FVI > 3: cần giảm xuống còn 0,25 kg mật đường + 0,25 kg cám gạo/100 lít nước ủ.


Related news

Mối đe doạ mới về vi rút tôm ở Trung Quốc khi sản lượng giảm Mối đe doạ mới về vi rút tôm ở Trung Quốc khi sản lượng giảm

Các vấn đề với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) - thường được gọi là hội chứng tử vong sớm, hoặc EMS - và các bệnh khác đang được thêm vào bởi sự xuất hiện

Tuesday. December 18th, 2018
Phòng trị bệnh do Vibrio trên tôm Phòng trị bệnh do Vibrio trên tôm

Để có một vụ tôm thắng lợi thì ngoài yếu tố con giống, thời vụ... thì các biện pháp kỹ thuật để phòng trị bệnh cho tôm là vô cùng quan trọng.

Tuesday. December 18th, 2018
6 yếu tố trong cải tạo ao nuôi tôm 6 yếu tố trong cải tạo ao nuôi tôm

Trước mỗi vụ nuôi cần chuẩn bị ao theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh các thiệt hại không đáng có xảy ra.

Tuesday. December 25th, 2018