Nuôi Tôm Công Nghiệp Khép Kín Cách Làm Mới, Hiệu Quả Cao

Xã Hòa Thắng (Bắc Bình, Bình Thuận) bắt đầu nuôi tôm công nghiệp từ năm 2009, anh Trương Văn Tri là một trong những người tiên phong nuôi tôm công nghiệp ở vùng này. Năm 2012, dịch bệnh tôm nuôi hoành hành, anh Tri không thụ động ngồi chờ mà chịu khó đi tham quan học hỏi ở các công ty nuôi khác trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh, để tìm những giải pháp, quy trình, công nghệ mới về ứng dụng nhằm phục hồi sản xuất đã mang lại kết quả khả quan.
Trong năm 2013, sau khi thành công vụ đầu thu hoạch 4 ao, diện tích 1,5 ha, sản lượng 10 tấn/ha, anh Tri tiếp tục đầu tư tiếp vụ 2 trên hai khu sản xuất của mình tại thôn Hồng Thắng, xã Hòa Thắng. Với 8 ao tôm diện tích 5 ha, sau 83 ngày tuổi tôm đạt 60 con/kg, được 30 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg. Tổng hai vụ nuôi diện tích 5 ha, anh thu hoạch gần 50 tấn tôm thẻ chân trắng, bình quân năng suất trên 10 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư anh thu lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Thành công đó trước tiên phải nói đến quy trình công nghệ khép kín, trước hết là thiết kế ao vèo khoảng 800 m2, lót bạt đáy HDPE chống rò rỉ, phía trên có lưới lan che kín, chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giữ nhiệt độ trong ao ổn định, cũng như hạn chế được những cơn mưa đầu mùa (thường rất bất lợi với ao nuôi tôm). Tôm giống được nuôi trong ao vèo khoảng từ 25 - 30 ngày tuổi, mật độ 600 - 800 con/m2.
Trong thời gian này tôm con được chăm sóc kỹ lưỡng gần giống như môi trường trong trại sản xuất tôm giống, khi tôm mạnh khỏe, tăng trưởng ổn định sẽ được thả ra ao nuôi lớn; cách làm này giúp chủ động trong công tác chuẩn bị ao nuôi lớn được kỹ càng hơn, đảm bảo tôm có điều kiện thích ứng tốt nhất với môi trường ngoài.
Ao nuôi tôm thịt cũng được thiết kế kỹ lưỡng hơn so với trước, không chỉ xử lý nước, môi trường bảo đảm các tiêu chuẩn quy định mà còn trải bạt từ đáy lên cao hơn bờ ao khoảng 50 cm để ngăn không cho cua, còng hay các con vật gây hại vào đầm. Phía trên còn che lưới rào, ngăn chim cò xuống đầm. Việc làm này giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan gián tiếp từ các loài chim và các con vật khác từ bên ngoài. Điều quan trọng là trong ao vèo cũng như ao nuôi đều có hệ thống ô-xy đáy chạy suốt trong quá trình thả tôm nuôi, bảo đảm lượng ô-xy cho tôm nuôi mật độ cao.
Theo anh Nguyễn Xuân Bắc, người theo dõi kỹ thuật thì nuôi theo quy trình mới này mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có tốn kém hơn, một ao vèo 800 m2 khép kín khoảng 60 triệu đồng, nhưng cái lợi thì lớn hơn rất nhiều. Đó là ít thức ăn; giảm được hiện tượng tôm chết sớm, tôm vượt qua giai đoạn 25 - 32 ngày tuổi thì khả năng vụ nuôi thắng lợi rất cao, bởi lúc thả ra đầm lớn con tôm đã đủ sức khỏe sống với môi trường tự nhiên; mặt khác tôm đủ lớn nên khâu kiểm soát thức ăn được chính xác và chặt chẽ hơn. Ngoài ra, nếu thấy chất lượng tôm giống phát triển không tốt thì người nuôi có thể hủy bỏ tại ao vèo, chi phí không nhiều, đặc biệt là không ảnh hưởng đến môi trường của ao nuôi.
Thành công từ quy trình nuôi tôm công nghiệp khép kín bằng nhà lưới của anh Trương Văn Tri không chỉ mở ra cách làm mới bài bản, an toàn, cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao mà nó còn khẳng định một điều, trong điều kiện môi trường, thời tiết, nguồn nước dịch bệnh dễ gây hại cho tôm nuôi như hiện nay, muốn thành công người nuôi tôm công nghiệp cần cải tiến, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Tuy nhiên, hiện quy trình chưa được triển khai nhân rộng nhiều trên địa bàn thôn Hồng Thắng. Cái khó hiện nay là nguồn vốn đầu tư trong các hộ nuôi tôm công nghiệp cạn kiệt do đã trải qua nhiều vụ nuôi thất bát. Muốn đầu tư tái sản xuất theo quy trình mới họ cần có số vốn nhất định.
Để sớm khôi phục sản xuất, rất cần chính sách hỗ trợ tài chính tích cực của Nhà nước và các ngành chức năng, đồng thời tăng cường tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến, nguồn điện 3 pha dùng để vận hành hệ thống máy sục khí đáy, kịp thời giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất.
Trên địa bàn xã Hòa Thắng có hơn 19 ha nuôi tôm công nghiệp trên cát. Năm 2012, dịch bệnh hoành hành khiến diện tích thả nuôi bị thu hẹp. Theo khảo sát, hiện tại toàn xã có khoảng 61% đầm tôm công nghiệp đang thả nuôi, số còn lại phải “treo ao” vì thiếu vốn.
Related news

Nhiều diêm dân trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện nay việc tiêu thụ muối trải bạt vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ít có thương lái thu mua, giá muối trải bạt không chênh lệch nhiều so với muối thường. Giá muối trải bạt thời điểm này là 900 đồng/kg, muối thô chỉ còn 750 đồng/kg, giảm gần 500 đồng so với niên vụ trước.

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Ngoài các khâu làm đất, vận chuyển đã được cơ giới hóa 100%, các khâu tưới nước, làm khô, xay xát và bảo quản… cũng có mức độ cơ giới hóa tăng mạnh so với những năm trước. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp chỉ mới tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi.

Về nuôi tôm, diện tích thả nuôi cả nước trong tháng 2 ước đạt 142.688 ha (tôm sú 138.872 ha, tôm thẻ chân trắng 3.816 ha), sản lượng thu hoạch 7.771 tấn (tôm sú 3.642 tấn, tôm thẻ chân trắng 4.128 tấn). Diện tích nuôi cá tra (tính cả diện tích chuyển từ năm 2014 sang) đạt 1.818 ha, sản lượng 108.047 tấn, tuy nhiên, giá cá tra đã sụt giảm trong tháng, trung bình 76 đồng/kg.

Nằm trong các hoạt động Lễ hội kỷ niệm 279 năm Tao đàn Chiêu Anh Các và Ngày thơ Việt Nam, ngày 5/3 (tức ngày Rằm tháng Giêng), UBND thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tổ chức thả hơn 530.000 con giống xuống đầm Đông Hồ - Hà Tiên nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và thả 8 cá thể đồi mồi về với biển.

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, đầm, chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi thả thủy sản mới.