Nuôi tôm công nghệ 234
Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao về kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều giải pháp quan trọng đang được các doanh nghiệp thực hiện ở ĐBSCL. Trong đó có công nghệ 234 của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, trong suốt quá trình nghiên cứu và phát triển các vùng nuôi tôm nguyên liệu nhằm tăng cường và phát triển thế mạnh cho ngành tôm Việt Nam nói chung, cũng như hoàn thiện chuỗi giá trị tôm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn đã tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng rất nhiều mô hình nuôi tôm.
Từ các kết quả nghiên cứu, Minh Phú đã nhận thấy mô hình nuôi tôm theo công nghệ 234 là mô hình tối ưu nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Và quan trọng hơn, đây là mô hình phát triển hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở ĐBSCL.
Trong công nghệ 234, 2 có nghĩa là nuôi 2 giai đoạn, 3 là thu tỉa 3 lần và 4 là là 4 sạch. Cụ thể, về nuôi 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 là dèo tôm trong ao dèo tròn đường kính 17,2m trong thời gian 25-30 ngày. Giai đoạn 2 là nuôi tôm trong ao nuôi tròn đường kính 32m trong thời gian 70-80 ngày.
Về thu tỉa 3 lần, thu tỉa lần 1 khi tôm nuôi được 60-65 ngày tuổi, thu tỉa 50% lượng tôm nuôi trong ao, trọng lượng bình quân đạt 60-70 con/kg. Thu tỉa lần 2 khi tôm nuôi được 80-85 ngày tuổi, thu tỉa 50% lượng tôm còn lại trong ao, trọng lượng bình quân 40 con/kg. Thu tỉa lần 3 là thu hết lượng tôm còn lại trong ao, khi tôm nuôi được 110-115 ngày tuổi, trọng lượng đạt bình quân 20 con/kg.
Về 4 sạch, gồm: Con giống sạch bệnh; nguồn nước nuôi sạch; sạch kháng sinh (tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tôm bán được giá tốt hơn, phát triển ổn định và bền vững); sạch môi trường.
Trong đó, sạch môi trường cụ thể như sau: Nước nuôi tôm được lấy từ nước biển có độ mặn từ 25‰ trở lên, nước nuôi tôm được tái sử dụng qua hệ thống lọc tự nhiên kết hợp với máy lọc màng, bùn thải xiphong từ đáy ao được xử lý biogas và bùn thải cuối cùng được sử dụng nuôi ruồi lính đen để làm thức ăn cho tôm hoặc để sản xuất bột đạm làm thức ăn cho tôm và gia súc.
Quy mô cho 1 modul hoàn chỉnh nuôi theo công nghệ 234 của Minh Phú là 8 ha, bao gồm 20 ao nuôi tròn nổi đường kính 32m (tương đương 1.000m3 mỗi ao) và 10 ao dèo tròn nổi đường kính 17,2m, cùng các công trình phụ trợ. Bình quân hiệu suất 2,5 ao nuôi/ha. Chu kỳ nuôi bình quân 4 vụ/năm.
Với công nghệ 234, chi phí đầu tư bình quân 860 triệu đ/ao (con giống 45 triệu đồng, thức ăn 324 triệu đồng, thuốc 140 triệu đồng, điện 33 triệu đồng, lương 52 triệu đồng, khấu hao 200 triệu đồng …). Tính trên ha (2,5 ao)/vụ, tổng chi phí là 2,075 tỷ đồng. Tính trên ha/năm (4 vụ), tổng chi phí là 8,3 tỷ đồng.
Tổng doanh thu/ao tính cho từng loại tôm từ 3 lần thu tỉa như sau: loại 60-70 con/kg từ thu tỉa lần 1 là 129.000.000 đồng; loại 40 con/kg từ thu tỉa lần 2 là 262.500.000 đồng; loại 20 con/kg từ thu tỉa lần 3 là 640.000.000 đồng. Tính cho 1 ha (2,5 ao)/vụ, có tổng doanh thu 2.578.750 đồng. Tính trên ha/năm (4 vụ), tổng doanh thu là 10.315.000.000 đồng. Như vậy, sau khi trừ đi chi phí, mỗi ha nuôi trong 1 năm, cho lợi nhuận 2.014.996.000 đồng.
Ông Quang cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện mô hình 234, tỷ lệ thành công của Minh Phú là trên 90%. Do đó, Minh Phú tin rằng đây là mô hình tối ưu nhất, là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất và thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với điều kiện nước biển dâng ở ĐBSCL.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang mở rộng quy mô nuôi tôm theo công nghệ 234 bằng cách đẩy mạnh liên kết với nông dân. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư tương đối lớn đối với quy mô nông hộ, cần có sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, bố trí các nguồn vay vốn ưu đãi cho người nuôi tôm...
Related news
Tháng 6/2019, chính phủ Ấn Độ đã thành lập Bộ Thủy sản sau khi tách riêng lĩnh vực này từ Bộ Nông nghiệp với các lĩnh vực ban đầu là chăn nuôi, sữa và thủy sản.
Gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác IUU nên được coi là động lực giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam tái cơ cấu
Nhằm chuyển dịch khai thác thủy sản theo hướng tăng khai thác xa bờ, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực tiến tới giảm nghề lưới kéo xuống còn 25%.