Nuôi tôm 2 giai đoạn vượt qua nắng hạn kéo dài
Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh trồng lúa quản lý cộng đồng, giúp con tôm phát triển tốt cả trong điều kiện nắng hạn, mặn tăng cao.
Nông dân dùng chài bắt để kiểm tra sự phát triển của tôm nuôi giai đoạn 2 trong vuông. Ảnh: Trung Chánh.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá về mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh trồng lúa quản lý cộng đồng, thuộc “Chương trình nuôi thủy sản kết hợp năm 2020”. Mô hình được thực hiện tại ấp Trung Hòa, xã Đông Hòa, huyện An Minh, quy mô 50 ha, có 50 hộ nông dân tham gia, thời gian thực hiện 12 tháng (tháng 1-8 nuôi tôm, tháng 9-12/2020 trồng lúa).
Tôm giống được ương vèo trong ao lót bạt từ 15-20 ngày, sau đó mới thả ra vuông nuôi diện rộng.
Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 60% chi phí tôm giống, thức ăn, bạt lót ao vèo tôm giống, máy sục khí…, còn lại nông dân đầu tư đối ứng.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, tôm giống khi mua về được ương trong ao vèo nổi trong khoảng 15-20 ngày (giai đoạn 1), có che lưới lan ở trên nên hạn chế được tác động bất lợi của môi trường. Sau đó, mới thả ra nuôi trong vuông lớn (giai đoạn 2).
Nhờ được ương trong ao vèo, tôm đạt cỡ lớn mới thả ra vuông nuôi, thích ứng tốt với môi trường, giảm hao hụt con giống.
Theo đánh giá, quá trình ương giai đoạn 1 chuyển qua giai đoạn 2, tỷ lệ tôm con sống đạt trên 80,5%, kích cỡ trung bình khoảng 15 ngàn con/kg. Nhờ tôm giống đã được ương vèo lớn, thích nghi tốt với môi trường nước nên khi thả ra nuôi trên diện rộng ít bị hao hụt. Điều đáng mừng là thời gian qua nắng nóng gay gắt, độ mặn tăng cao nhưng trong sốt quá trình nuôi vẫn đến thời điểm này không xảy ra dịch bệnh.
Anh Huỳnh Văn Mung, hộ nông dân có 3 ha đất tham gia dự án cho biết: “Gia đình đã thực hiện theo mô hình tôm - lúa gần 20 năm qua. Mấy năm rồi cũng đã làm ao đất để ương vèo tôm giống nhưng vẫn chưa chủ động được các yếu tố môi trường.
Còn với dự án này, tôm giống được vèo trên ao nổi lót bạt, có máy sục khí, cho ăn thức ăn công nghiệp, mình chủ động được hết. Tôm con không chỉ phát triển nhanh mà nông dân còn kiểm soát được số lượng đầu con khi thả nuôi diện ruộng”.
Từ tôm giống post 12 (tôm giống mua của Công ty Việt - Úc), anh Mung ương vèo trong ao lót bạt 15-20 ngày, đạt cỡ post 25-30.
Sau đó, tiếp tục thả ra ao vèo đất thêm khoảng 10 ngày nữa, tôm đạt trọng lượng 4.000 con/kg, mới thả ra vuông nuôi diện ruộng. Với cách làm này, tôm giống rất ít bị hao hụt ở giai đoạn đầu và thích nghi tốt khi nuôi thương phẩm.
Theo anh Mung, mấy tháng rồi nắng nóng, độ mặn cao nên tôm bị chậm lớn. Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay, trời đã có những cơn mưa lớn, tôm đã phát triển nhanh trở lại.
Anh Mung vừa tiến hành thu hoạch bớt tôm sú cỡ 30 con/kg, bán giá 150 ngàn đồng/kg, thu được trên 40 triệu đồng. Hiện anh đã ương vèo thêm đợt tôm giống mới, để khi thu hoạch xong sẽ thả nuôi lứa tôm thương phẩm tiếp theo.
Nuôi tôm 2 giai đoạn, giúp tôm vượt qua nắng hạn gay gắt, thích ứng tốt điều kiện biến đổi khí hậu.
Trong số 50 hộ gia đình tham gia dự án, đến nay hầu hết đã ương vèo tôm giống giai đoạn 1 thành công, chuyển sang nuôi giai đoạn 2, tôm đang phát triển tốt. Những hộ làm hiệu quả, có thể tận dụng ao lót bạt tiếp tục ương vèo tôm giống để cung cấp tôm ký (tôm giống bán ký) cho các hộ dân ở ngoài vùng dự án, tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu như nắng hạn kéo dài, mặn tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng, đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi tôm nước lợ.
Vì vậy, mô hình nuôi tôm - lúa quản lý cộng đồng đã được trung tâm triển khai nhiều năm qua ở những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh đạt kết quả tốt. Mô hình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi hậu và trình diễn kỹ thuật ương vèo tôm giống, kỹ thuật nuôi mới đến với cộng đồng người dân nuôi tôm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đánh giá cao hiệu quả của mô hình, đã giúp con tôm vượt qua được những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất của cao điểm mùa nắng nóng năm nay, tôm đang phát triển rất tốt.
Bà con nông dân kiến nghị chính quyền địa phương cần tạo mối liên kết “4 nhà”, kêu gọi doanh nghiệp liên kết ký hợp đồng bao tiêu tôm, lúa thương phẩm trong vùng dự án. Dự kiến, sau khi kết thúc vụ nuôi tôm, nông dân sẽ sản xuất lại vụ lúa (theo hướng hữu cơ), với tổng diện tích trong mô hình là 169 ha…
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, đến nay nông dân trong tỉnh đã thả nuôi được gần 126.500/130.700 ha kế hoạch vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nuôi thâm canh công nghiệp 1.755 ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, nuôi quảng canh cải tiến gần 27.500 ha, tôm - lúa 97.500 ha.
Trong đó, mô hình nuôi tôm - lúa chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng. Riêng huyện An Minh chiếm khoảng gần 1/2 diện tích thả nuôi theo mô hình này. Từ đầu năm đến nay, sản lượng tôm thu hoạch của tỉnh đạt hơn 37.500 tấn, đáp ứng tốt nhu cầu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến của các doanh nghiệp.
Related news
Tỉnh Kiên Giang có vùng biển Tây rộng 63 ngàn km2, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, bờ biển dài khoảng 200 km với nhiều vịnh, rất thuận lợi
Amoniac trong nuôi trồng thủy sản là một vấn đề lớn, liên quan đến môi trường và sức khỏe cá. Thứ nhất, amoniac là chất thải nitơ chính của quá trình dị hóa
Trong tổng chi phí thức ăn chăn nuôi, protein chiếm tỷ lệ cao nhất. Tuy nhiên, có thể giảm được chi phí này qua đánh giá các công thức nhằm tiết kiệm tối đa