Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi hàng chục ngàn con gà Ai Cập, lãi 500 triệu đồng/năm

Nuôi hàng chục ngàn con gà Ai Cập, lãi 500 triệu đồng/năm
Author: Mai Chiến
Publish date: Saturday. August 26th, 2017

Là một trong những người làm giàu từ nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, ông Triệu Văn Tấn (SN 1960, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) được nhiều người dân trong vùng nể phục, noi theo.

Mỗi ngày gia đình ông Tấn thu về 6 nghìn quả trứng

Tiếp chúng tôi, ông Tấn cho biết: Năm 1986, ông ra quân, trở về quê hương giúp gia đình việc đồng áng. Cuối năm 2009, ông được nhận làm công nhân trang trại nuôi gà của Cty TNHH Japfa Việt Nam, ông vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm từ mọi người. Sau khi nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh cho gà, ông xin nghỉ ở Cty và tách ra nuôi độc lập.

Khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại. Ông Tấn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây chuồng nuôi gà trên tổng diện tích hơn 2.500m2 với quy mô mỗi lứa từ 8.000 - 10.000 con.

Thời gian đầu, khi mới mở trang trại ông gặp rất nhiều khó khăn về giống, nguồn vốn, kinh nghiệm còn ít ỏi… Nhưng với bản lĩnh, ý chí của người lính cụ Hồ, ông đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, tìm tòi để hướng đi đúng đắn của mình thành công hơn.

“Thời gian đầu khi mới mở trang trại, tôi mất ngủ nhiều đêm liền, suy nghĩ nhiều hơn, khiến sức khỏe suy giảm. Bà xã tôi cũng mất ăn, mất ngủ vì tôi”, ông Tấn nhớ lại.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trang trại nuôi gà, ông Tấn giới thiệu, trang trại được chia làm 2 dãy chuồng: 1 dãy nuôi gà thịt với quy mô nuôi 8 - 10 nghìn con và dãy còn lại nuôi 3 nghìn con gà siêu đẻ. Hiện trang trại gà của ông phát triển lên 8 nghìn con gà thịt/lứa và 12 nghìn con gà đẻ.

Theo ông Tấn, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch về 6 nghìn quả trứng, được bán với giá 2 nghìn đồng/quả, còn gà thịt một năm ông xuất chuồng 5 lứa, mỗi lứa khoảng 5 tấn gà (750 triệu đồng/lứa). Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 500 triệu đồng.

Hỏi về việc chăn nuôi lớn như vậy, ông có gặp rủi ro gì không, ông Tấn chia sẻ, trước khi nhập giống về phải cho uống vacxin đầy đủ, tiêm đúng liều để gà có sức đề kháng ngay từ nhỏ, vì vậy đàn gà của ông lớn nhanh như thổi, ít mắc bệnh.

Ngoài ra, giống được ông chọn từ những Cty có uy tín. Đối với gà thịt, ông chọn các giống gà Phổ Yên, Hòa Bình, Tam Đảo, Lương Mỹ, Japfa, CP; còn gà đẻ ông chọn giống gà Ai Cập, tỷ lệ đẻ bình quân chỉ đạt 50 - 60% nhưng trứng rất dễ bán.

Là người có gần 10 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gà Ai Cập, theo ông Tấn, chuồng gà phải được xây cao, thoáng mát, đảm bảo mát mẻ khi nóng nắng, ấm áp về mùa đông. Nền chuồng phải được đổ bê tông, dưới nền rải trấu cho đỡ mùi hôi, đồng thời làm sàn cho gà đứng. Toàn bộ hệ thống nước uống cho gà phải được lắp tự động, máng cám luôn được đảm bảo vệ sinh.

Giống gà Ai Cập mà ông Tấn đang nuôi

Với thời tiết nóng như hiện nay, để chống nắng cho đàn gà, ông Tấn phải sử dụng quạt thông gió, hệ thống làm ẩm, xung quanh tường quây bạt để chống nắng, trên mái lắp đặt giàn phun nước tự động.

Bên cạnh đó, ông còn chú trọng từ thức ăn chăn nuôi đến vệ sinh, xử lý chuồng trại sau mỗi lứa nuôi. Trong quá trình nuôi, gà còn được bổ sung thức ăn đủ chất bao gồm đạm, tinh bột, chất béo, khoáng, vitamin, chất xơ và một số chất khác… nhằm tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng.

Đặc biệt, đến giai đoạn gà sắp đẻ trứng, phải đẩy mạnh đến chế độ ăn uống, đồng thời ngừng tiêm hoặc uống vắc xin trước 1 tháng để đảm bảo sức khỏe trong thời kỳ sinh sản.

Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong và ngoài chuồng trại được thực hiện định kỳ nên từ nhiều năm nay trang trại gà của gia đình ông luôn được đảm bảo an toàn về dịch bệnh và hiệu quả ngày càng cao.

Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, ông còn tạo điều kiện giúp 3 công nhân làm việc liên tục với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

“So với chăn nuôi các con vật khác thì nuôi gà Ai Cập có thu nhập cao hơn, nhưng giá cả cũng bấp bênh. Có thời điểm lợi nhuận rất cao, nhưng cũng có những thời điểm giá xuống dốc… vì vậy người chăn nuôi phải có chí mới đứng vững được”, ông Tấn chia sẻ thêm.


Related news

Tỷ phú mít ở Cư Elang: Trồng mít mà chăm bẵm hơn cả trồng cà phê! Tỷ phú mít ở Cư Elang: Trồng mít mà chăm bẵm hơn cả trồng cà phê!

Giữa vùng đất pha cát cằn cỗi, vườn mít bạt ngàn của ông Nguyễn Đình Thìn (45 tuổi, trú thôn Ea Rớt, xã Cư Elang, huyện Ea Kar) vẫn xanh mướt mát.

Wednesday. August 23rd, 2017
Những ngư dân 'gác chèo' nuôi thỏ thu hơn 1 tỷ đồng/năm Những ngư dân 'gác chèo' nuôi thỏ thu hơn 1 tỷ đồng/năm

Với mô hình nuôi thỏ trên diện tích gần 1.000m2, mỗi năm hợp tác xã nuôi thỏ của những ngư dân thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thu về hơn 1 tỷ

Thursday. August 24th, 2017
Lão nông xuất khẩu 200.000 trứng tí hon, lãi 12 triệu đồng mỗi ngày Lão nông xuất khẩu 200.000 trứng tí hon, lãi 12 triệu đồng mỗi ngày

5 năm nay, nhờ xuất khẩu trứng cút sạch đóng hộp sang thị trường Nhật Bản, ông Hai Hồ (Trần Nguyễn Hồ ở Châu Thành, Tiền Giang) đã trở thành tỷ phú.

Friday. August 25th, 2017