Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi gia súc ở vùng hạn Ninh Thuận

Nuôi gia súc ở vùng hạn Ninh Thuận
Publish date: Tuesday. June 2nd, 2015

Tổng đàn bò trên địa bàn huyện Ninh Sơn hiện có gần 14 nghìn con. Tháng 10-2014, Phòng Nông nghiệp huyện triển khai mô hình “Ủ chua thức ăn trong chăn nuôi bò”, hướng dẫn nông dân tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, như: rơm, thân cây mỳ, cây bắp… để chế biến nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao cho gia súc. Phương pháp này không chỉ áp dụng trong mùa nắng hạn mà còn bảo đảm thức ăn cho gia súc quanh năm.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ninh Sơn Nguyễn Thị Bình, mô hình “Ủ chua thức ăn” được đánh giá cao, vừa giảm công lao động, chi phí, lại phù hợp với điều kiện của địa phương. Ban đầu, có tám hộ dân ở thị trấn Tân Sơn và xã Hòa Sơn nuôi 23 con bò tham gia mô hình. Mỗi hộ được huyện hỗ trợ 50% nguồn thức ăn ban đầu và một máy băm cỏ trị giá 6,8 triệu đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ 70%, các hộ đối ứng 30%. Thấy được hiệu quả mang lại, đến nay, đã có hàng trăm hộ ở bốn xã đăng ký tham gia.

Ông Phạm Văn Hùng, ở xã Hòa Sơn cho biết cách làm, sau khi thu gom và đưa các phần phụ phẩm nông nghiệp dư thừa vào máy băm nhỏ thành đoạn dài từ 5 - 7 cm, mang phơi khô khoảng một ngày rồi làm theo công thức, cứ 100 kg phụ phẩm, trộn với 5 kg cám gạo, 0,5 kg muối hạt, 1 kg đường mật. Tiếp đó, cho vào mỗi chiếc bao nilon khoảng 20 kg và buộc kín để tránh không khí luồn vào làm hỏng. Ủ hơn bảy ngày là cho bò ăn được. Mỗi ngày, một con bò trưởng thành có thể ăn từ 10 - 15 kg thức ăn ủ, kết hợp với ăn cỏ.

“Chi phí cho mỗi lần ủ khoảng 100 nghìn đồng. Sau khi ủ, thức ăn có thể cất giữ được sáu tháng, rất thuận lợi trong việc vỗ béo bò theo hình thức bán công nghiệp, nhờ thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, đàn bò tăng trọng nhanh hơn 30% so với cách nuôi bình thường”, ông Hùng cho biết thêm.

Tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, từ cuối năm 2014 đến nay, ông Hùng Do đã bỏ ra tám triệu đồng mua ống nhựa, máy bơm nước giếng tưới cho hơn ba sào bắp trồng xen kẽ cây đậu xanh để lấy thân và lá làm thức ăn cho đàn gia súc. Nhờ đó, gia đình ông vẫn chủ động nguồn thức ăn cho 250 con cừu và sáu con bò trong những tháng mùa khô vừa qua.

Hiện, nông dân tỉnh Ninh Thuận đã bước vào thu hoạch lúa vụ đông-xuân. Ngay trên các thửa ruộng vừa gặt xong, bà con tất bật thu gom rơm về làm thức ăn cho gia súc. Chị Đổng Thị Vang ở xã Phước Hậu chia sẻ: “Trước đây, sau khi gặt xong, chỉ gom ít rơm về cho bò ăn dặm, nay tui tận thu rơm trên một ha được khoảng ba xe máy cày, đủ cho mười con bò ăn đến hết mùa khô”.

Vào thời điểm này, có thể nói, mỗi xe rơm là một “xe vàng” đối với các hộ chăn nuôi gia súc nơi đây. Anh Trần Lê Nghĩa, ở thôn Khánh Nhơn 2 (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) bộc bạch: “Tôi mới mua năm xe máy cày rơm, nhưng chỉ để dành khi thật cần thiết. Trước mắt, tôi chia đàn bò, cừu thành những nhóm nhỏ. Những con khỏe mạnh lùa đến những cánh đồng vừa thu hoạch xong để kiếm thức ăn, nước uống; những con ốm yếu thì nhốt tại chuồng cho ăn cỏ voi. Riêng bò, cừu con thì cho uống thêm mật mía, thức ăn tinh bột”.

Với cách chăm sóc này, mặc dù nắng hạn kéo dài, nhưng người chăn nuôi vẫn chủ động được nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Những hộ không có điều kiện mua nhiều rơm để tích trữ thì trồng bắp, bo bo để sau khi thu hoạch, lấy thân cây làm thức ăn cho gia súc. Tại các xã thuộc vùng “tâm hạn” ở các huyện Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc… đã chuyển một số vùng đất trồng hành, tỏi sang trồng cỏ voi và cây đậu các loại để làm thức ăn cho gia súc.

Vào mùa thu hoạch vụ lúa đông-xuân, giá rơm đã giảm từ một triệu đồng xuống còn 500.000 đồng/xe máy cày, nhiều chủ trang trại tranh thủ mua rơm về chất đống để dành cho gia súc ăn và đợi vài tháng nữa đến mùa mưa, xem như cơn “bĩ cực” đã qua.

Tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, mô hình “Nuôi bò vỗ béo” đang mang hiệu quả khá ấn tượng. Năm 2012, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ninh Thuận phối hợp với xã triển khai mô hình “Nuôi bò vỗ béo” tại thôn Trà Nô cho 40 hộ dân. Mỗi hộ được vay 12 triệu đồng để mua bò, sau 18 tháng sẽ thu hồi lại gốc ban đầu để tiếp tục cho các hộ khác vay theo hình thức xoay vòng.

Sau gần ba năm triển khai, trung bình mỗi cặp bò con mua ban đầu có giá từ 10 - 12 triệu đồng, giờ bán với giá 50 - 55 triệu đồng. Anh Mang Hào, tâm sự: “Tôi vay 12 triệu đồng mua hai con bò con để vỗ béo, được cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc nên bò mau lớn lắm. Tôi vừa bán bò được 50 triệu đồng, đã trả lại vốn cho chương trình, còn lãi 30 triệu đồng, tôi mua lại bốn con để tiếp tục vỗ béo”.

Phó Chủ tịch xã Phước Hà Kiều Thanh Nhõa, đánh giá: “Có 30/40 hộ tham gia mô hình “Nuôi bò vỗ béo” đã thoát nghèo, hiện tại, xã đang triển khai nhân rộng ra các thôn khác, giúp cho bà con vươn lên thoát nghèo”.

“Ninh Thuận hiện có 325 nghìn con gia súc có sừng, trong đó, có 125 nghìn con bò, số còn lại là dê, cừu. Thời gian qua, ngoài việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân trong tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình hay, tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào để làm thức ăn cho gia súc, mang lại hiệu quả rất thiết thực. Ngành đang tiếp tục nhân rộng các mô hình hay để giúp nông dân vươn lên làm giàu”. (Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận)


Related news

Nuôi tôm hướng đến đa dạng sản phẩm xuất khẩu Nuôi tôm hướng đến đa dạng sản phẩm xuất khẩu

Tôm là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Những năm vừa qua, mô hình lúa – tôm (Thoại Sơn - An Giang) từng bước mang lại hiệu quả cho nông dân.

Saturday. November 14th, 2015
Tập huấn kỹ thuật nuôi cua biển lột, cua gạch trong lồng Tập huấn kỹ thuật nuôi cua biển lột, cua gạch trong lồng

Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh vừa phối hợp với Hội nông dân xã Hoàng Tân tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi cua biển lột và cua gạch trong lồng cho 50 bà con nông dân trên địa bàn xã.

Saturday. November 14th, 2015
Tìm giải pháp quản lý chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi tôm công nghiệp Tìm giải pháp quản lý chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi tôm công nghiệp

Ngày 10/11, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước (Cà Mau) tổ chức hội thảo chuyên đề một số giải pháp quản lý chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi tôm. Trên 100 nông dân nuôi tôm công nghiệp trong huyện tham dự.

Saturday. November 14th, 2015
Hiệu quả mô hình chăn nuôi tổng hợp Hiệu quả mô hình chăn nuôi tổng hợp

Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm: Thỏ, cá, chim bồ câu, lợn và dê nên nhiều năm nay gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, khu Đầu, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đạt hiệu quả kinh tế cao.

Saturday. November 14th, 2015
Vịt trời mang lãi Vịt trời mang lãi

Mô hình nuôi vịt trời lấy thịt và trứng tuy còn mới mẻ nhưng đã mang lại thu nhập khá, ổn định cho bà con nông dân một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Saturday. November 14th, 2015