Nuôi Ếch Vụ Nghịch Thu Nhập Cao
Ếch Thái Lan dễ nuôi, nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước của ao, hồ hoặc những khoảng đất trống trong vườn để đầu tư nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do giá cả thức ăn ngày càng tăng cao, trong khi giá ếch thương phẩm bán vào vụ thuận không cao nên nông dân thu lãi ít, thậm chí thua lỗ. Điều này đã làm cho nhiều hộ nông dân từ bỏ việc nuôi ếch.
Hiện nay, ở tỉnh Bến Tre có nhiều nông dân nuôi ếch Thái Lan công nghiệp thu lãi rất cao nhờ bà con nuôi bán vào vụ nghịch. Ông Nguyễn Văn Thoảng ở ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách là một điển hình. Năm 2005 khi phong trào nuôi ếch Thái Lan công nghiệp phát triển đại trà, ông Thoảng đầu tư nuôi 1.000 con ếch. Lúc đó, ông làm vèo dưới ao trong mương vườn để nuôi. Sau thời gian khoảng 4 tháng nuôi, khi chọn để lại 18 ếch nái nhân giống ếch con nuôi những năm tiếp theo ông thu hoạch ếch thịt bán lời khoảng 1 triệu đồng.
Nhận thấy việc nuôi ếch có hiệu quả, đặc biệt là thu được lãi cao nếu nuôi bán thịt vào mùa nghịch từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Ông Thoảng đốn bỏ 1.000 m2 vườn cây ăn trái xung quanh nhà để nâng quy mô nuôi ếch thịt bán vào mùa nghịch. Cuối năm 2008, ông Thoảng đầu tư nuôi 10.000 con ếch thịt, sau 5 tháng nuôi thu trên 1 tấn ếch thương phẩm, lãi trên 50 triệu đồng. Năm 2009, ông tiếp tục mở rộng với 15 vèo, nuôi 30.000 ếch thịt, đến tháng 2 năm 2010 ông thu trên 3 tấn ếch thịt, giá bán 70.000 đồng/kg, thu lãi gần 150 triệu đồng.
Năm 2011, nuôi 40.000 con ếch thịt, ông thu trên 4 tấn ếch thương phẩm, giá bán 80.000 đồng/kg, trừ các chi phí ông thu lãi trên 200 triệu đồng. Cũng nuôi với số lượng trên, đầu năm 2012 giá ếch thịt tăng lên 90.000 đồng/kg, ông thu lãi trên 250 triệu đồng. Vụ nuôi này ông Thoảng đầu tư tăng quy mô nuôi 50 vèo, số lượng 80.000 con. Theo tính toán của ông Thoảng, đợt ếch này khi thu hoạch trừ đi tỷ lệ hao hụt khoảng 30% ông sẽ thu trên 8 tấn ếch thương phẩm. Về đầu ra cho sản phẩm, khi ếch thu hoạch ông điện thoại cho các thương lái ở chợ đầu mối Bình Điền TP Hồ Chí Minh xuống tận nhà mua.
Ông Thoảng cho biết: "Nuôi mùa nghịch, ếch lâu lớn hơn mùa thuận khoảng 1,5 tháng nên chi phí tăng lên khá cao. Bình quân 1 kg ếch thương phẩm, tốn chi phí khoảng 30.000 đồng. Ếch nuôi mùa nghịch tương đối khó, nhưng nếu nắm vững các khâu cần thiết sẽ dễ thành công. Người nuôi cần quan tâm chọn con giống khỏe mạnh, không bị bệnh tật. Ếch nuôi cho ăn ngày 2 lần, sáng sớm và chiều tối, trước khi cho ăn cần thay nước. Thức ăn cần đảm bảo độ đạm và cần bổ sung thêm lượng vitamin C để tăng sức đề kháng bệnh tật cho ếch, ếch lớn cần tăng cường cho ếch thuốc ngừa bệnh gan".
Bên cạnh nuôi ếch thương phẩm, năm 2011 ông Thoảng còn ươm giống cung cấp trên 20.000 con ếch giống; năm 2012 cung cấp 50.000 con cho khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá bán 1.000 đồng/con. Ngoài ra, ông còn tận dụng chất thải là thức ăn dư thừa của ếch, ếch con chết làm thức ăn nuôi cá trê, mỗi năm bán cá thu thêm gần 20 triệu đồng.
Từ mô hình nuôi ếch Thái Lan công nghiệp vụ nghịch thành công của ông Thoảng, hiện tại Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bến Tre chọn đầu tư thực hiện điểm trình diễn 3.000 con ếch thương phẩm vụ nghịch tại nhà ông để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình cho nông dân trong tỉnh học hỏi, áp dụng.
Related news
Do ảnh hưởng của mưa dầm trong những ngày qua, đã làm cho nhiều diện tích lúa Hè thu đang chín của nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bị đổ ngã, từ đó dẫn đến tiến độ thu hoạch chậm, năng suất giảm do bị thất thoát, đặc biệt nhiều diện tích không thể thu hoạch bằng máy mà chuyển sang cắt tay nên đẩy chi phí tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Út, nông dân ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát), canh tác 5 sào mì, ngao ngán: Vụ mì năm ngoái, giá mì tươi tăng liên tục, vào chính vụ thương lái mua tại ruộng lên đến 1.800đ/kg, thu hoạch đến đâu thương lái đến tận ruộng mua ngay đến đó. Còn vụ này, giá mì tươi giảm mạnh, đầu vụ giá từ 1.400 - 1.500đ/kg, còn bây giờ rớt xuống 1.200 - 1.300đ/kg. Với mức giá này, nông dân trồng mì chỉ từ huề vốn đến thua lỗ chứ không có lãi.
Từ những nghiên cứu, ứng dụng các TBKHKT đến trồng thực nghiệm để tìm ra những giống mới năng suất, chất lượng, qua đó, giới thiệu các giống mới đến với nông dân, giúp họ có thêm nhiều mùa vàng bội thu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho gia đình và địa phương.
Để nông dân làm quen dần với việc SX và ngày càng có nhiều sản phẩm rau an toàn, Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị, hỗ trợ xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam) triển khai dự án xây dựng mô hình nhóm nông dân SX rau hữu cơ, với diện tích 6.300 m2. Sau một thời gian đã đem lại hiệu quả rõ rệt....
Năm 2014, huyện Mường Khương có kế hoạch trồng mới 218 ha chè tập trung, trong đó chè Ô long là 30 ha. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với UBND các xã tổ chức rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch trồng chè theo khung thời vụ.