Nuôi cua biển khó đầu ra
Sự lựa chọn phù hợp
Tại vùng nuôi cua ở khu vực Hói Mạ, xã An Hòa, nhiều hộ dân đang tập trung nhân lực vệ sinh ao đầm để chuẩn bị cho vụ nuôi cua tiếp theo. Đang chỉ đạo công nhân xử lý ao đầm, anh Nguyễn Xuân Hương ở thôn Tân Thắng cho biết: Sau bao năm nuôi tôm thẻ chân trắng đều thất bại thì việc chọn và đưa giống cua biển vào nuôi đã cho thấy hiệu quả cao. Tháng 8/2015, Trạm Khuyến nông huyện chọn hộ anh Hương làm thí điểm mô hình nuôi cua biển thương phẩm. Với diện tích 4.000m2 ao hồ, anh được hỗ trợ 100% giá giống, sau 4 tháng nuôi và chăm sóc, đạt bình quân 2 - 3 con/kg.
“Nuôi cua biển không khó, lợi nhuận không cao bằng nuôi tôm nhưng an toàn, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 60%. Vụ nuôi vừa rồi, gia đình thu hoạch khoảng gần 1 tấn cua thương phẩm, sau khi trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng/ao”. Anh Hương phấn khởi nói.
Xã An Hòa có 10 ha trước trước đây nuôi tôm chuyển sang nuôi cua biển thương phẩm. Ông Nguyễn Anh Hùng - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Cua biển không chỉ dễ nuôi mà còn thích hợp tốt với các điều kiện ao hồ, và có thể nuôi với nhiều hình thức khác nhau. Tại một số vùng nuôi khó có điều kiện và khả năng phát triển nuôi tôm bền vững thì nuôi cua thương phẩm là sự lựa chọn phù hợp. Hiệu quả kinh tế đã cho thấy, mô hình này hiệu quả hơn so với các đối tượng là cá vực, cá chẽm, cá mú, rong câu... rất nhiều. Thời gian tới, trạm sẽ khảo sát thêm các vùng nuôi tôm không có hiệu quả để khuyến khích bà con chuyển sang nuôi cua”.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Nghề nuôi cua biển đang là một hướng đi mới, có hiệu quả cho người nông dân ở Quỳnh Lưu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo nhiều nông dân nuôi cua biển, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Hiện việc tiêu thụ sản phẩm cua biển chỉ dừng lại ở việc bán hàng hải sản nhỏ lẻ với khối lượng ít, chứ chưa thể bán đại trà và theo hình thức xuất khẩu như tôm, nên người dân chỉ biết thu hoạch và bán ở mức cầm chừng.
Cua biển sinh trưởng tốt có thể đạt 3 con/kg.
Một khó khăn khác khi tăng quy mô sản xuất nuôi cua là vấn đề thức ăn. Khi sản xuất với quy mô nhỏ, việc sử dụng các loài tôm, cá tạp rẻ tiền, các loài nhuyễn thể, các loại bột ngũ cốc chế biến cho cua ăn là điều dễ thực hiện. Tuy nhiên, khi tăng quy mô sản xuất, nguồn thức ăn được chế biến theo phương thức công nghiệp (giống như thức ăn cho tôm) là điều rất cần thiết. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, nguồn thức ăn này vẫn chưa có trên thị trường. Vì cua là giống rất háo ăn nên khi nguồn thức ăn không được đáp ứng, cua có thể ăn thịt lẫn nhau, sẽ gây hao hụt.
Khó khăn nữa là hầu hết những hộ nuôi cua đều tự tìm hiểu khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào quá trình nuôi chứ phiá cơ quan chức năng chưa tập huấn nghiệp vụ. Do đó, hiệu quả kinh tế sẽ có phần hạn chế, khả năng dịch bệnh phát sinh cao.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trên địa bàn hiện này có khoảng gần 15 ha diện tích nuôi cua tập trung ở các xã Quỳnh Lương, Sơn Hải, An Hòa... Cua biển là đối tượng được người dân nuôi để thay cho tôm thẻ chân trắng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với huyện hỗ trợ, xây dựng mô hình nuôi cua bền vững, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Liên kết với cơ sở sản xuất giống ở xã Quỳnh Lương để đảm bảo cua giống có thương hiệu, chất lượng tốt để giúp người nông dân phát triển nghề nuôi cua biển một cách bền vững.
Để nuôi cua đạt hiệu quả cao, phải cải tạo ao đầm đúng quy trình kỹ thuật, con giống đảm bảo có chất lượng tốt, cỡ cua giống thả ban đầu phải ≥2cm/con, mật độ thả phù hợp nhất là 1 con/m2. Thức ăn hàng ngày của cua chủ yếu là cá tạp, và thức ăn phải hoàn toàn tươi sống. Môi trường ao nuôi phải trong sạch, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước, thường xuyên vệ sinh đáy ao để loại bỏ thức ăn thừa thối rữa, thay nước theo thuỷ triều để đảm bảo môi trường ao nuôi trong sạch và kích thích cua bắt mồi, lột xác, giúp cua sinh trưởng và phát triển nhanh.
Related news
Tôm khô Vinh Kim là đặc sản nổi tiếng chỉ có ở vùng đất Vinh Kim, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Tôm khô Vinh Kim được chế biến từ con tép bạc đất bắt trên sông nên thịt chắc, vị ngọt đậm đà. Tuy nhiên, nghề sản xuất tôm khô nơi đây đang thu hẹp dần bởi nguồn nguyên liệu khan hiếm.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, sâu trên diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực cho sản xuất, người nuôi cần thực hiện các giải pháp kỹ thuật như sau:
Nằm ven sông Đuống, xã Song Giang (Gia Bình, Bắc Ninh) có điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Tuy mới được triển khai từ năm 2014, nhưng đến nay mô hình đã và đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân nơi đây, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vươn lên làm giầu trên mảnh đất quê hương.