Home / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Nuôi cá tra hiệu quả

Nuôi cá tra hiệu quả
Publish date: Thursday. May 14th, 2015

Lên kế hoạch nuôi

Người nuôi cần lên kế hoạch, chủ động về con giống, thức ăn và đại lý cung cấp thuốc, hóa chất xử lý môi trường; có thể liên hệ ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thu mua sản phẩm đầu ra hoặc liên kết nuôi gia công cho doanh nghiệp, nhà máy chế biến… 

Cải tạo đầm nuôi

Trước khi thả cá, ao nuôi phải được cải tạo đúng quy trình kỹ thuật, như: có diện tích tối thiểu 500 m2 trở lên, bờ ao được đầm nén chắc chắn tránh rò rỉ nước. Ao nên gần đường ô tô hoặc gần sông, kênh, rạch để thuận tiện vận chuyển thức ăn, con giống và cá thương phẩm.

Ao phải có hệ thống cống cấp, thoát nước riêng biệt, kích cỡ cống to nhỏ tùy thuộc diện tích ao. Vị trí ao nên gần nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, để có thể chủ động cấp nước cho ao trong thời gian nuôi.

Đối với ao mới đào: Cần cải tạo phần đáy cho bằng phẳng. Ao ở vùng xì phèn pH thấp có thể bón tăng lượng vôi với lượng 12 - 15 kg/100 m2, vôi được rải đều xuống đáy, tháo nước vào ao  5 - 7 cm, bừa kỹ cho vôi lẫn vào bùn đáy, ngâm ao 4 - 5 ngày kiểm tra pH đạt 7 - 7,5.

Đối với ao cũ: Tháo hoặc tát cạn ao, diệt tạp, dọn sạch đáy ao và bờ ao. Sên vét đáy ao, lấp hết hang hốc và tu sửa lại bờ ao. Dùng vôi bột rải khắp đáy và bờ ao 7 - 10 kg/100 m2 và phơi đáy 2 - 3 ngày.

Lấy nước: Nguồn nước sạch ít bị ô nhiễm, nước được lấy qua cống có chắn lưới lọc để ngăn cá dữ và địch hại. Lấy nước vào 50 - 70 cm thì tạm dừng 3 - 5 ngày, sau đó mới lấy đủ nước (1,5 - 2,5 m).

Thả giống chất lượng

Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại giống cá chất lượng kém do bị thoái hóa, cá bố mẹ bị ép đẻ non. Do vậy người nuôi nên chọn cá giống từ cơ sở có uy tín và đã qua kiểm dịch. Đồng thời, cần trao đổi trực tiếp với người cung cấp giống về  nguồn gốc đàn cá, tình hình dịch bệnh, thuốc hóa chất đã sử dụng. Từ đó có thể đánh giá được đàn cá giống chất lượng tốt hay không và có hướng phòng trị bệnh cho cá về sau.

Giống mua về phải khỏe mạnh, đều cỡ, không bị xây xát, nhiều nhớt, bơi lội nhanh và có cỡ 10 - 12 cm/con. Có thể mua giống nhỏ về ương nuôi một thời gian, khi cá đạt cỡ thả nuôi mới chuyển ra ao nuôi thương phẩm. Tránh hiện tượng cá còi do cạnh tranh thức ăn, khi mua giống cần chọn cá kích cỡ đồng đều.

Cần căn cứ vào chất lượng nước, diện tích, độ sâu ao cùng với kinh nghiệm nuôi cá mà có thể thả nuôi ở các mật độ khác nhau 15 - 60 con/m2, thực tế đã có hộ nuôi cá với mật độ tới 80 - 100 con/m2. Tuy nhiên, để hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng thịt và giảm tỷ lệ hao hụt, nên thả cá ở mật độ vừa phải (20 - 40 con/m2).

Khi mua giống về, nên thả cá vào buổi sáng hoặc chiều mát, trước khi thả có thể chuyển cá vào bể, sục khí và thay nước cho cá khỏe lại, dùng muối ăn (1 kg/m3) nước, tắm cho cá 15 - 20 phút. Nếu cá vận chuyển về mà thả luôn thì cần đặt bao cá xuống ao ngâm 7 - 10 phút cho cân bằng nhiệt độ giữa túi và nước ao, sau đó mở túi cho nước ao chảy từ từ vào túi, dốc đáy túi nhẹ nhàng cho cá ra ao, khi thả cá không nên khuấy đục nơi thả vì có thể làm chết những con cá bị yếu khi vận chuyển.

Thức ăn phù hợp

Có thể  dùng nguyên liệu có sẵn và phối trộn để làm thức ăn tự chế, đảm bảo hàm lượng đạm 15 - 20% theo bảng 1.

Nguyên liệu được xay nhuyễn, trộn đều cùng chất kết dính (bột gòn) sau đó rải từ từ cho cá ăn từng ít một cho đến khi hết thức ăn. Cho cá ăn 2 lần, sáng và chiều tối, với lượng 5 - 7% trọng lượng thân. Cần kiểm tra sức ăn của cá để có sự điều chỉnh phù hợp, tránh thức ăn thừa gây ô nhiễm.

Thức ăn công nghiệp hiện nay được sử dụng phổ biến với ưu điểm có đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho cá, thao tác cho ăn dễ dàng và giảm được mức độ ô nhiễm môi trường ao nuôi. Nên dùng thức ăn của những hãng có uy tín, dùng thức ăn đúng đối tượng và chủng loại phù hợp từng giai đoạn phát triển của cá. Cho ăn theo tỉ lệ thích hợp cỡ cá và số lượng cá trong ao nuôi.

Dùng thuốc, hóa chất hiệu quả

Sau 1 tháng nuôi, nên dùng chế phẩm sinh học để làm giảm khí độc NH3, H2S, NO2… trong nước ao; khi tảo phát triển quá mạnh nên dùng hóa chất như BKC, ôxy già hoặc thay nước; cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng về liều lượng và thời điểm dùng để đạt hiệu quả cao. Định kỳ trộn vitamin hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng và khả năng tiêu hóa của cá.

Nếu ao nước bị đục có thể bón Zeolite định kỳ xử lý các chất mùn bã hữu cơ, huyền phù lơ lửng trong nước.

Trong quá trình nuôi, tránh gây sốc cho cá bằng cách ổn định nhiệt độ nước, luôn giữ độ sâu nước 1 m trở lên. Kiểm tra pH thường xuyên, ổn định pH trong 7 - 7,5 bằng cách bón vôi nông nghiệp hoặc mật đường xuống ao khi pH xuống thấp hoặc tăng cao.

Đối với cá nuôi hiện nay, ngoài những bệnh bên ngoài mà cá thường mắc phải như ký sinh trùng, nấm còn có những loại bệnh do vi khuẩn và virus gây ra. Để phòng trị có hiệu quả những loại bệnh này, người nuôi cần quan sát hằng ngày các hoạt động bắt mồi của cá, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh. Khi cá bị bệnh, cần giảm 50% lượng thức ăn hằng ngày, quan sát các biểu hiện khác thường của cá. Bắt cá bệnh lên quan sát bên ngoài và bên trong nội tạng cá để có những nhận định về bệnh, đồng thời mang mẫu cá bệnh đến tham khảo cán bộ có chuyên môn, từ đó xác định được loại bệnh và đề ra biện pháp chữa trị hợp lý.

Thay nước định kỳ

Để kích thích cá ăn mồi tốt, chất lượng thịt đạt tiêu chuẩn, sau khi nuôi 1 tháng nên thay nước 1 lần/tuần (thay 20% nước ao), từ tháng nuôi thứ 3 đến tháng thứ 6 thay nước 2 - 4 lần/tuần (thay 30%). Cuối vụ nuôi, nước ao bẩn, người nuôi cần thay nước hằng ngày, lượng nước thay 50%.

Thu hoạch đúng thời điểm

Thời gian nuôi 9 - 10 tháng, cá đạt cỡ 0,7 - 1,2 kg/con thì thu hoạch, có thể căn cứ vào tình hình thị trường để thu hoạch có hiệu quả nhất, tránh hiện tượng cá chưa đạt hoặc quá cỡ làm giảm giá bán và tốn thức ăn. Sau vụ thu hoạch phải tháo cạn ao và cải tạo, chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo.

Tags: nuoi ca tra hieu qua, ca tra, nuoi ca, nuoi trong thuy san


Related news