Nuôi cá tại lòng hồ thủy điện, thu về 5 tỷ đồng mỗi năm
Với 40 lồng cá các loại, mỗi năm, trang trại nuôi trồng thủy sản tại lòng hồ thủy điện của gia đình chị Linh, anh Đức xuất bán khoảng 100 tấn cá thương phẩm, thu về khoảng 5 tỷ đồng.
Môi trường nước sạch, bao quanh bởi rừng nguyên sinh thuận lợi để nuôi cá tại lòng hồ thủy điện Na Hang. Ảnh: Vi Anh Đức.
Vợ chồng anh Vi Anh Đức và chị Trương Thị Hoài Linh - chủ cơ sở nuôi cá lồng Nhật Nam tại lòng hồ thủy điện Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) vốn là nhân viên nhà nước.
Năm 2013, tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện. Nhận thấy các hộ nuôi trong vùng chỉ mới phát triển ở quy mô nhỏ lẻ; trong khi nguồn nước ở khu vực được bao bọc xung quanh bởi rừng nguyên sinh, không có dấu hiệu ô nhiễm, có thể tận dụng để phát triển nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, vợ chồng anh Đức quyết định bắt tay vào làm nghề.
Được sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ thủy sản tỉnh Tuyên Quang và huyện Na Hang; mặt khác, bản thân cũng chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá hiệu quả ở phía Nam nên khi áp dụng làm nghề, vợ chồng anh không gặp quá nhiều khó khăn. Có thời điểm, muốn nuôi cá quả và cá chép, anh Đức còn sang tận Trung Quốc để tìm hiểu về kỹ thuật và phương pháp nuôi của một số cơ sở bên đây. Khi trở về, anh chắt lọc và điều chỉnh sao cho phù hợp với trang trại của mình.
Mô hình nuôi cá tại lòng hồ đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ để đầu tư con giống cũng như thức ăn chăn nuôi và hệ thống lồng cá. Do vậy, ngoài số tiền được người thân, bạn bè hỗ trợ, vợ chồng anh phải vay thêm ngân hàng.
Sau khi gây dựng được cơ sở vật chất ban đầu, vợ chồng anh đầu tư 20 lồng cá các loại với thể tích mỗi lồng là 108m3. Trong đó, cá lăng chiếm số lượng nhiều nhất, tiếp đó là cá quả, cá chép, rô phi…
Lồng cá nuôi tại lòng hồ Na Hang của gia đình anh Đức. Ảnh: Vi Anh Đức.
Do thời gian từ khi thả giống tới kỳ thu hoạch của các loại cá không giống nhau nên trang trại tiến hành cho nuôi gối. Thông thường, sau khoảng 2 năm, cá lăng sẽ đạt trọng lượng 2,5-3kg; cá quả đạt trọng lượng một kg trở lên sau một năm và cá rô phi mất 7-8 tháng để có trọng lượng tương tự... Do được sinh trưởng trong môi trường nước sạch, ăn thức ăn tự nhiên là các loại cá con như cá tạp, cá mương… mà cá nuôi của gia đình cho chất thịt dai, ngọt, khác hẳn cá nuôi công nghiệp.
Tháng 7/2016, cơ sở của vợ chồng anh Đức được tỉnh hỗ trợ nuôi cá quả tại lòng hồ theo mô hình hữu cơ. Theo chị Linh, việc này không quá khó do các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, nguồn thức ăn… đã được cơ sở đáp ứng từ những ngày đầu gây dựng mô hình.
Công nhân cho cá ăn. Ảnh: Vi Anh Đức.
Từ 20 lồng cá ở giai đoạn khởi đầu, đến nay, vợ chồng anh Đức đã phát triển tới 40 lồng cá. Sản lượng hàng năm của cơ sở đạt khoảng 100 tấn các loại, trong đó, chủ lực là cá lăng và cá quả; mang lại tổng doanh thu khoảng 5 tỷ đồng.
Năm 2016, với tiền đề là trang trại nuôi trồng thủy sản, vợ chồng anh Đức và chị Linh thành lập Công ty TNHH MTV thủy sản Nhật Nam để tiện cho việc giao dịch, xuất bán cá thương phẩm. Hiện nay, ngoài Tuyên Quang, sản phẩm cá lòng hồ do cơ sở nuôi trồng còn xuất hiện ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Related news
Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm thị xã Điện Bàn đã triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông kết hợp cá trê vàng trong ao với 2 hộ thí điểm, thu hơn 50 triệu đồng
Nuôi lươn thâm canh không bùn khắc phục được những hạn chế của mô hình nuôi lươn truyền thống. Khả năng thâm canh cao đáp ứng yêu cầu của nhà nông khi thả nuôi.
Từ hiệu quả mô hình nuôi tôm xen cua, cá an toàn sinh học, Bình Định tiếp tục hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình, nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả