Nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết: Hướng làm giàu mới
Sau 8 tháng triển khai, hiện mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm do Chi cục Thủy sản Hà Nội thí điểm triển khai tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì đã cho thu hoạch với năng suất, hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu mới cho địa phương.
Mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi ở Ba Vì cho hiệu quả kinh tế cao.
Phát huy lợi thế
Xã Cổ Đô là một địa phương có truyền thống và tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ngành thủy sản của địa phương vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu thị trường tiêu thụ, giá bán nguyên liệu thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao... Để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của địa phương, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết tại xã Cổ Đô. Mô hình được triển khai từ tháng 5/2018, gồm có 7 hộ thuộc HTX Tân Đô, với tổng diện tích là 5ha. Các hộ ngoài được hỗ trợ một phần về con giống và chế phẩm sinh học, thuốc thú y cho cá còn được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản một cách bài bản.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lập tham gia vào mô hình với diện tích ao nuôi là 0,6ha. Sau khi thu hoạch, ông nhẩm tính, thu nhập tăng hơn khoảng 20% so với năm trước. Ông Lập chia sẻ, những năm về trước, việc nuôi thủy sản của gia đình chỉ dừng lại ở hình thức bán thâm canh, quảng canh và chủ yếu nuôi các giống cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… nên năng suất, hiệu quả không cao. Sau khi tham gia mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết, gia đình ông được cán bộ của Chi cục Thủy sản hướng dẫn kỹ thuật. “Nhờ chăm sóc bài bản, đúng kỹ thuật nên cá có trọng lượng khá đồng đều, trung bình từ 0,5 – 0,7 kg/con, tổng sản lượng ước đạt trên 9 tấn. Với giá bán bình quân 30.000 – 32.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng gần 90 triệu đồng” – ông Lập phấn khởi cho biết.
Thay đổi tư duy sản xuất
Kết quả đánh giá thực tế các mô hình tại Cổ Đô cho thấy, nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết có tỷ lệ sống cao đạt trên 80%, năng suất đạt trên 15 tấn/ha, tăng 30 - 40% so với các năm trước. Thông qua mô hình giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức được lợi ích thiết thực của việc sản xuất an toàn.
Giám đốc HTX Tân Đô Nguyễn Văn Hải đánh giá: Rô phi là loại cá có sức sống tốt, lớn nhanh, tỷ lệ sống cao và rất phù hợp với điều kiện vùng nuôi xã Cổ Đô. Nhờ được tập huấn bài bản, cá ít bị dịch bệnh, thời gian nuôi được rút ngắn và giảm mức đầu tư, chi phí. Song điều quan trọng hơn cả là người nông dân từ bỏ thói quen sử dụng thuốc thú y bừa bãi cho thủy sản, không sử dụng các chất kháng sinh, tạo ra sản phẩm đảm bảo ATTP phục vụ tiêu dùng. Qua đó, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, giúp ổn định đầu ra. Mô hình đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển về nuôi trồng thủy sản của địa phương, các hộ tham gia mô hình được kết nối với DN bao tiêu sản phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết ở Cổ Đô không những mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân, còn có ý nghĩa về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Trong đó, yếu tố quan trọng là đảm bảo VSATTP, thể hiện trách nhiệm của người sản xuất trong việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch, nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng.
Related news
Mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa hiện nay được đánh giá là hình thức canh tác thông minh tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đem lại lợi nhuận trăm triệu đồng
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chiềng Bằng và các xã dọc sông Đà huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã đầu tư nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả cao.
Bằng cách cho cá ăn đậu tằm, Ông Nguyễn Trọng Phúc ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành nuôi thành công cá chép, cá trắm giòn.