Nuôi cá nóc hổ bằng nguồn nước nóng tự nhiên tại Nhật Bản
Mô hình nuôi cá nóc hổ không độc trong nhà bằng nguồn nước nóng tự nhiên xuất hiện tại Nhật Bản cách đây 2 năm. Nhưng tới nay, những thành công từ mô hình này mới được ghi nhận.
Sinh kế mới
Tại vùng núi thuộc quận Tochigi, phía Bắc thủ đô Tokyo, cá nóc hổ được nuôi trong nhà bằng nguồn nước có độ mặn thấp lấy về từ suối nước nóng tại địa phương. Yumesozo, công ty nuôi cá nóc hổ tại đây đã bán ra thị trường 24 tấn cá mỗi năm cho hơn 150 nhà hàng trong vùng.
Yumesozo cũng là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên nuôi cá nóc hổ thành công tại vùng nông thôn Nasu-karasuyama. Công nghệ nuôi cá nóc hổ (Takifugu rubripes) trong nước suối nóng đã mang lại sức sống mới cho làng quê này. Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng khắp nơi ở Nhật Bản.
Cá nóc hổ nuôi tại trang trại Yumesozo
Ông Katsuaki Noguchi, Giám đốc công ty Yumesozo chia sẻ: người dân ở Nasu-karasuyama bỏ quê ra thành phố kiếm sống nên cư dân trong vùng rất thưa thớt. Cộng vào đó, dân số Nhật Bản đang ngày càng già đi cũng là mối đe dọa lớn tới nguồn lực lao động. Tôi sinh ra, lớn lên ở Nasu-karasuyama và vẫn luôn canh cánh trong lòng hoài bão phát triển kinh tế cho vùng quê của mình.
Khi còn điều hành công ty tư vấn môi trường do chính ông lập ra, Noguchi đã bắt đầu nghiên cứu về suối nước nóng chloride thuộc quận Tochigi như một tiềm năng phát triển kinh tế vùng Nasu-karasuyama. Ông phát hiện ra rặng núi Yamizo-Sanchi bao quanh ngôi làng Nasu-karasuyama chứa một nguồn nước mặn ngầm khổng lồ ở độ sâu 500 m dưới mặt đất. Khi nghiên cứu về các thành phần của nguồn nước này, ông phát hiện nhiều khoáng chất như na-tri, ka-li và không lẫn sulfur hoặc các độc tố khác.
Noguchi khẳng định có thể sử dụng nguồn nước này để nuôi cá. Lượng muối trong nước dao động 0,9 - 1,2%, chỉ bằng 1/3 nước biển thông thường. Ông đã thành lập công ty Yumesozo và bắt đầu hàng loạt thử nghiệm nuôi cá bò, cá tráp, cá bơn và cá nóc hổ. Các loại cá này đều phát triển tốt nhưng sau khi so sánh lợi nhuận và giá trị loài, ông nhận thấy cá nóc hổ là sự lựa chọn tối ưu.
Nuôi cá biển trên cạn
Noguchi rất kinh ngạc khi cá nóc hổ lớn như thổi trong nước suối nóng. Ngay lập tức, ông liên hệ với giáo sư Toyoji Kaneko, chuyên gia sinh lý học các loài cá - người từng có nhiều năm nghiên cứu về điều hòa áp suất thẩm thấu của cá tại Đại học Nông nghiệp và khoa học Tokyo. Cả hai đã bắt tay vào thiết kế mô hình nuôi cá biển trên cạn trong môi trường mặn thấp.
Môi trường sống tự nhiên của cá nóc hổ là nước mặn có nồng độ muối khoảng 3,5%. Cá nóc hổ sẽ điều chỉnh giảm nồng độ muối xuống khoảng 0,9% bằng cách hấp thụ nước qua mang. Kaneko giải thích, vì nồng độ muối của nước suối nóng ở Nasu-karasuyama chỉ khoảng 0,9% nên cá nóc không cần tốn năng lượng để điều chỉnh nồng độ muối trong cơ thể chúng. Nhờ dưỡng chất trong nước suối, cá nóc lớn nhanh hơn và to hơn so với cá nóc nuôi trên biển. Ngoài ra, nước suối nóng ít rủi ro mầm bệnh nên cá nóc hổ khó mắc bệnh hoặc ốm yếu; đồng thời loại trừ nguy cơ cá chậm lớn vào mùa đông.
Nhiệt độ của nước trong bể nuôi luôn được duy trì 22°C hoặc 72ºF, Noguchi cho biết. Nước suối nóng được dẫn qua thiết bị trao đổi nhiệt trước khi đưa vào bể nuôi. Chúng tôi trao đổi nước nuôi cá theo định kỳ 1 năm 2 lần vì nuôi khép kín và không xả thải. Sử dụng địa nhiệt để nuôi cá vừa tiết kiệm chi phí, lại là cách thức bền vững để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, ông Noguchi cho biết.
Bể nuôi cá nóc của Yumesozo bằng nước suối nóng trong nhà kính phủ bạt nhựa
Cá nóc hổ là món ăn thượng hạng tại Nhật Bản dù thường chứa độc tố tetrodotoxin gây chết người. Điều này đòi hỏi con cá phải được chế biến dưới tay của những đầu bếp có trình độ và giấy phép. Nhưng thực khách hoàn toàn yên tâm thưởng thức cá nóc hổ của công ty Yumesozo vì chúng không chứa bất kỳ độc tố nào. Một hàm lượng lớn độc tố này tích tụ trong các cơ quan của cá nóc như gan hoặc trứng. Nhưng độc tố lại không tích tụ trong những con cá nóc hổ nuôi trong nước suối nóng. Tuy nhiên, nhà cung cấp vẫn cẩn thận loại bỏ gan và trứng cá khi cung cấp cho các nhà hàng trong vùng.
Tiềm năng phát triển
Noguchi cũng thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để nâng cao chất lượng thịt cá nóc hổ vốn rất dễ bị nhạt và nhiều nước vì lượng muối trong nước suối nóng thấp. Để khắc phục nhược điểm này, ông chuyển cá vào nuôi trong nước mặn nhân tạo vài ngày trước khi thu hoạch và giết mổ cá bằng cách rút cạn máu cá từ bộ phận trên mang và đuôi. Ông phát hiện ra, đưa axit amin vào mô cơ của cá nuôi trong nước suối nóng ít mặn sẽ giúp chúng vượt qua được những thay đổi đột ngột từ áp lực áp suất thẩm thấu gây ra bởi sự gia tăng của nồng độ muối. Điều này giúp thịt cá dai ngon hơn.
Hiện, công ty Yumesozo đang tập trung đẩy mạnh nuôi cá nóc hổ. Đến nay, các công ty ký kết hợp đồng nhượng quyền với Yumesozo đã phủ sóng khắp 18 tỉnh thuộc Nhật Bản. Mô hình nuôi cá trong nhà được cải tiến liên tục. Thực tế, một trại nuôi cá nóc hổ trên biển phải mất một năm rưỡi mới cho thu hoạch, nhưng nuôi cá nóc hổ trong nhà chỉ mất 1 năm là đã đạt cỡ thương phẩm. Noguchi chia sẻ: “Chúng tôi có thể đảm bảo nâng cao sản lượng 75 - 80% nhờ khử trùng ozone”.
Nuôi cá trong nhà có lợi thế tránh được thảm họa thiên nhiên như sóng thần, và ít chịu tác động môi trường, theo Kaneko. Mô hình này dễ kiểm soát chất lượng nước, giúp những vùng đất không tiếp giáp biển có thể phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Nuôi cá nước mặn trên cạn sẽ trở thành một xu hướng quan trọng và có tiềm năng phát triển rộng lớn hơn trong tương lai, trong đó có cả xu hướng nuôi cá biển trong nhà bằng nước suối nóng.
Theo ông Katsuaki Noguchi, Giám đốc công ty Yumesozo, thách thức lớn nhất của các mô hình nuôi cá trong nhà hiện nay là chi phí điện năng cần sử dụng để tuần hoàn nước. Thêm vào đó là chi phí nhiên liệu và cấp nhiệt, nhưng nếu sử dụng nước suối nóng để nuôi cá thì các nhược điểm này đều được khắc phục.
Related news
Để chủ động phòng, chống hiệu quả bệnh do vi bào tử trùng (EHP) gây ra và các bệnh nguy hiểm khác trên tôm nước lợ
Cá bè quỵt (cá khế vây vàng, cá bè cụp, cá vẩu…) có tên khoa học là Caranx ignobilis (Forsskal, 1775), là đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao
Công nghệ RAS nuôi tôm công nghiệp trên cạn với tỷ lệ sống cao và sạch bệnh. Công nghệ này sẽ có mặt trên thị trường toàn cầu vào năm sau.