Nuôi cá lồng bè hồ chứa
Chọn địa điểm
Phải đặt lồng ở những nơi ít chịu ảnh hưởng sóng gió, cách đập thủy điện 1,5km trở lên, không trên đường thuyền bè qua lại. Độ sâu hồ phải hơn 3m; có chỗ neo chằng, thuận tiện. Nước hồ phải đảm bảo pH 7,5 - 8,0, hàm lượng ôxy hòa tan 5 mg/l trở lên và các yếu tố khác (NH3, NO2 và H2S) < 0,01 mg/l.
Thiết kế lồng
Tùy thuộc đối tượng nuôi và khả năng đầu tư, người nuôi thường chọn 2 loại lồng phổ biến là lồng lưới và lồng tre.
Lồng lưới: Xung quanh và đáy lồng làm bằng lưới nilon, 4 góc được cột vào khung tre hình vuông hoặc chữ nhật, kích thước mắt lưới a = 1,2 - 1,3cm. Kích thước lồng (dài x rộng x sâu) tương ứng là 4 x 3 x 2m hoặc 4 x 3 x 2m. Phao nổi có thể dùng thùng phi tôn, nhựa nắp kín hoặc tre bó (10 - 15 cây) dọc theo thành lồng. Mỗi cụm lồng (2 - 4 ô) thường có 3 cụm phao, 2 cụm phía ngoài và 1 cụm trong, mỗi cụm lắp 3 - 4 phi. Ngoài ra có thể lắp thêm phao bằng các bó tre xung quanh cụm lồng, làm thành đường đi, tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ cá.
Dây neo lồng dùng bằng dây chão, song, mây hoặc cáp, buộc cố định vào cọc đóng xuống ven hồ hoặc gốc cây lớn. Khung lồng được làm bằng gỗ, kích thước 4 x 3 x 2,5m. Lắp khung đáy 4 x 3m và 4 cọc đứng dài 2,5m dùng cho cụm lắp phao bằng phi tôn, nếu phao bằng tre có thể lắp cả khung mặt lồng hình khối chữ nhật. Nếu đặt lồng nơi nước tĩnh, ít chịu tác động bởi dòng chảy, giông lốc thì không cần làm khung lồng mà chỉ cần buộc đá đủ nặng (2 - 3kg) ở 4 góc đáy lồng để kéo thẳng các góc lồng.
Lồng tre: Cách bố trí cụm lồng, neo chằng, phao nổi tương tự lồng lưới. Khung lồng làm bằng gỗ, xung quanh và đáy được ghép bằng các cây, thanh tre hoặc thanh gỗ làm nhẵn và thẳng. Các thanh tre, gỗ rộng 3 - 5cm, chiều dài các thanh phụ thuộc kích cỡ lồng, khe giữa các thanh 1 - 1,5cm, thông thường lồng tre có kích cỡ 4 x 3 x 1,5m; phía trên, giữa lồng được ghép kín và trống 1 khoảng 40 x 40cm để thả giống, cho ăn, chăm sóc và thu hoạch cá.
Lắp đặt lồng
Đặt 3 ụ phao song song nhau, khoảng cách các ụ phao bằng kích thước lồng lưới, dùng 2 - 3 cây tre để cố định khu cụm lồng bằng dây thép, bu lông và chốt tre. Nên lắp khung cụm lồng trên bờ khi chuyển xuống nước mới lắp lồng lưới. Trên cụm lồng có thể dựng nhà bảo vệ và chứa thức ăn, diện tích 3 - 4 m2.
Mỗi cụm lồng bố trí 6 - 12 ô lồng, các ô nên đặt so le và cách nhau 2 - 3m. Các cụm lồng cách nhau 300 - 500m, khoảng cách từ đáy hồ đến đáy lồng phải 1m trở lên.
Thả cá giống
Người nuôi cần căn cứ khả năng đầu tư, nguồn giống, nguồn thức ăn cung cấp và đầu ra sản phẩm để chọn loài nuôi thích hợp nhất. Đối với khu vực miền Bắc, cần thả giống từ tháng 3 - 4 dương lịch, miền Nam có thể thả quanh năm. Khi thả giống vào lồng lưu ý, cá nuôi phải có kích cỡ lớn hơn khe nan lồng hoặc mắt lưới.
Cá nuôi được chia làm 2 nhóm:
Nhóm đặc sản: cá lăng, chiên, ngạnh, trắm đen, bỗng, chạch lấu… Nhóm cá truyền thống: rô phi, diêu hồng, lóc, chép, trắm cỏ, tra...
Tùy theo kinh nghiệm nuôi, điều kiện sinh thái của hồ, vị trí đặt lồng, đối tượng nuôi mà có mật độ thả khác nhau. Mật độ thả, cỡ giống và giai đoạn nuôi được thể hiện qua bảng.
Cá giống phải khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không bị trầy vảy, xây sát. Trước khi thả cá cần tắm cá bằng nước muối (2 - 3%) 15 - 20 phút để loại bỏ ký sinh trùng gây bệnh.
Cho cá ăn
Căn cứ vào loài nuôi cụ thể mà cung cấp thức ăn phù hợp. Cá trắm nên cho ăn rong cỏ, rau xanh; đây là loại thức ăn dễ kiếm, phù hợp hộ nuôi nhỏ lẻ, ít đầu tư, cá ăn hằng ngày lượng rau cỏ chiếm 30% trọng lượng thân.
Cá nuôi đặc sản, thức ăn cần đạm cao; do vậy nên mua cá tạp (tép dầu) cho ăn trực tiếp hoặc phối trộn, ngoài ra có thể cho ăn thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 35% trở lên.
Cá nuôi truyền thống có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế cho cá ăn. Cá giống cần cho ăn lượng thức ăn bằng 10 - 12% trọng lượng thân, cá nuôi thương phẩm cho ăn 4 - 6%. Thức ăn chia làm 2 bữa trong ngày (sáng và chiều), cần dựa vào sức ăn của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời
Chăm sóc
Phải luôn cung cấp đủ lượng thức ăn cho cá, định kỳ 15 - 20 ngày/lần vệ sinh lồng và kiểm tra dây chằng buộc, lưới, nan lồng. Kịp thời gia cố lại những chỗ bị rách, gẫy để tránh thất thoát cá và thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa ở lồng nuôi cá trắm cỏ. Quan sát hoạt động của cá, nhất là giai đoạn chuyển mùa để phát hiện bệnh và có biện pháp phòng trị. Dùng vôi CaO đựng trong túi vải (2 - 4 kg/10 m3 lồng), treo ở đầu dòng chảy hoặc nơi cá ăn.
Định kỳ 20 ngày/lần trộn Vitamin C (50 mg/kg cá/ngày) vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Quá trình nuôi có thể xảy ra hiện tượng như cá nổi đầu do thiếu ôxy, bị nhiễm độc và bị bệnh. Vậy cần sục khí cho lồng, sau đó có thể di chuyển lồng ra khỏi khu vực ô nhiễm; ô lồng nào bị bệnh thì cần cách ly khỏi cụm lồng và để phía cuối dòng chảy.
Thu hoạch
Nuôi cá giống sau 2 - 3 tháng cá đạt cỡ giống to, cần san thưa để nuôi lên cá thịt. Đối với nuôi thịt thì cá truyền thống sau 5 - 6 tháng nuôi có thể thu hoạch. Cá đặc sản lớn chậm, thời gian nuôi kéo dài 1 - 2 năm. Nuôi cá truyền thống năng suất đạt 30 - 120 kg/m3, nuôi đặc sản có thể cho năng suất 15 - 25 kg/m3.
Tags: nuoi ca long be, nuoi ca, nuoi trong thuy san