Nuôi Cá Lóc Đầu Nhím Đạt Hiệu Quả Cao
Hiện nay, có 4 loài cá lóc được người dân nuôi phổ biến là: Cá lóc đen (Ophiocephalus striatus), cá lóc bông (Ophiocephalus microphetes), cá lóc môi trề (Ophiocephalus sp) và cá lóc nhím (cá lóc lai giữa cá lóc đen và cá lóc môi trề).
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre chọn cá lóc nuôi làm mô hình trình diễn, tại hộ anh Nguyễn Văn Dứt, ấp Thanh Bình - xã Thạnh Trị (Bình Đại) để nhân rộng. Mô hình được thực hiện với diện tích mặt nước 1.000 m2, độ sâu ao khoảng 1,5m, thả 16 ngàn con cá lóc nhím (trọng lượng 1 ngàn - 1,2 ngàn con/kg). Cá lóc ăn thức ăn công nghiệp Tilapia feed (Uni-President) dùng cho cá rô phi và cá có vảy. Ngày 20-12-2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã nghiệm thu mô hình. Kết quả, cá lóc nuôi 4 tháng rưỡi, có trọng lượng trung bình đạt 500 gr/con, tỷ lệ sống 60%, hệ số chuyển hóa thức ăn FCR: 1,1 (vượt chỉ tiêu ban đầu FCR: 1,4). Tổng sản lượng cá lóc thu hoạch tại thời điểm nghiệm thu đạt 4,8 tấn, với giá 40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Nguyễn Văn Dứt thu lãi trên 40 triệu đồng.
Anh Dứt chia sẻ, để đạt hiệu quả cao khi nuôi cá lóc, người nuôi phải làm tốt việc chuẩn bị ao, chọn giống, chăm sóc cũng như cách phòng trị bệnh cho cá; đặc biệt là cách thức phối trộn thức ăn và cách cho cá ăn ở các giai đoạn phát triển. Điều quan trọng quyết định sự thành công là việc quản lý thức ăn và phương thức chọn cá lóc giống. Bởi, cá lóc là loài cá dữ, sự tranh giành thức ăn trong ao rất mãnh liệt, nếu thiếu thức ăn, thì cá lớn sẽ ăn cá nhỏ. Vì vậy, nên chọn đàn cá lóc cùng ngày tuổi và cùng kích thước. Bên cạnh đó, người nuôi cần chọn mua cá lóc giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, cá khỏe mạnh, không dị hình, trầy xước và không có triệu chứng bị bệnh.
Trong quá trình nuôi, tháng đầu, cho cá lóc ăn cá phân được xay nhuyễn phối trộn với thức ăn viên chuyên dùng cho cá rô phi và cá có vảy (tỷ lệ 90% cá phân, 10% thức ăn công nghiệp); 3 ngày tăng tỷ lệ thức ăn công nghiệp lên 10%. Mỗi ngày, cho cá ăn hai lần, lúc 7 giờ và 17 giờ. Sau một tháng, cho cá ăn hoàn toàn thức ăn viên chuyên dùng đến khi cuối vụ. Thay nước mỗi ngày khoảng 10%. Để quản lý tốt nguồn thức ăn khi cho cá lóc ăn, ngoài sàng cho cá lóc ăn bên trên, thì bên dưới nên có một lưới mắt nhỏ để hứng thức ăn dư thừa, cuối mỗi ngày vớt bỏ một lần. Nếu thức ăn thừa thì ngày sau giảm lượng thức ăn và ngược lại để đảm bảo đủ thức ăn cho cá.
Nhằm đa dạng hóa mô hình, đối tượng nuôi, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh một cách tự nhiên và tận dụng nguồn thức ăn dư thừa còn lại trong ao, anh Dứt đã thả nuôi ghép 10 kg cá rô phi giống, sau khi thả nuôi cá lóc được 1 tháng. Với hình thức nuôi này, anh đã tăng thu nhập từ cá rô phi hơn 10 triệu đồng. Đây là mô hình nuôi thủy sản hiệu quả và mang tính bền vững, nhiều triển vọng.
Related news
Ngày 10.11, Quốc hội đã dành gần 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh (NLTQD), giai đoạn 2004-2014.
Tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 15 - Agroviet 2015 khai mạc tại Hà Nội hôm 7.11, gian hàng của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã thu hút được sự chú ý của nhiều bà con nông dân tham gia góp ý kiến.
Năm 2015, một số hộ nông dân ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, sau khi thanh lý vườn cao su già cỗi để chuyển sang loại cây trồng khác đã tận dụng trồng dưa leo. Hiệu quả từ loại cây ngắn ngày này đã mang lại nguồn thu không nhỏ nhờ năng suất cao, dễ tiêu thụ.
“Chăn nuôi bò công nghiệp cần 8-10 năm để chuẩn bị”. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm về phát triển ngành chăn nuôi bò ở Việt Nam do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia (MLA) tổ chức ngày 9.11 tại Hà Nội.
Cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Văn Hồng, ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) đã chặt hết hồng xiêm, vải thiều, táo để trồng bưởi Diễn. Ban đầu hàng xóm cho ông là “dở người”, nhưng càng về sau càng thấy việc ông làm mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.