Nuôi cá hồi bằng sản phẩm phụ nhiên liệu sinh học
Đây là kết quả của dự án đánh giá sử dụng sản phẩm phụ vi tảo từ ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học làm protein thay thế trong thức ăn nuôi cá hồi, đang được thực hiện tại Đại học Nord, Na Uy.
Ngành cá hồi Na Uy sử dụng gần 1,5 triệu tấn thức ăn mỗi năm. Năm 1990, bột cá và dầu cá chiếm tỷ trọng 83% trong thành phần thức ăn cá hồi. Tuy nhiên, khi ngành này lớn mạnh, các công ty thức ăn lại giảm sử dụng thành phần cá biển do nguồn cung hạn chế. Thức ăn hiện nay chứa không quá 26% thành phần bột cá, dầu cá và thành phần còn lại là thực vật như đậu tương, bột mỳ, ngô, đậu Hà Lan và các loại hạt ngũ cốc khác.
Để cải thiện tính bền vững của ngành cá hồi, Na Uy buộc phải giảm sự phụ thuộc vào bột cá, dầu cá, nhưng nguồn nguyên liệu thay thế từ thực vật hiện nay lại ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và gây ra các trở ngại sức khỏe cho cá hồi. Ngoài ra, dầu thực vật trong thức ăn thủy sản còn ảnh hưởng tới chất lượng thịt cá vì chúng chứa ít hàm lượng axit omega-3s chuỗi dài EPA và DHA hơn so bột cá và dầu cá. Do đó, những nguyên liệu vi sinh như vi tảo với giá trị dinh dưỡng cao và ít tác động tới môi trường đang hứa hẹn trở thành nguồn thay thế các loại axit béo nói trên.
Sinh khối khử béo của hai loại vi tảo là Nannochloropsis và Desmodesmus được sản xuất từ tinh chế sinh học vi tảo như là một sản phẩm phụ sau quá trình chiết xuất nhiên liệu sinh học đang được các chuyên gia tại Đại học Nord Na Uy nghiên cứu sử dụng làm nguồn đạm cho cá hồi. Sinh khối vi tảo trên được sản xuất bởi Công ty Cellana có trụ sở tại Hawaii. Trong một thử nghiệm với thức ăn chứa 0,10 và 20% tảo để đánh giá về khả năng tiêu hóa, các nhà khoa học tại đây đã nhận thấy cá hồi đã tận dụng hết dinh dưỡng từ tảo. Điều này cho thấy thức ăn chứa sinh khối tảo nói trên rất dễ tiêu hóa và thích hợp với mọi loại cá hồi nuôi. Khả năng tiêu hóa của hai loại vi tảo trên khác nhau rõ rệt. Cá hồi có khả năng tiêu hóa protein và năng lượng từ tảo Nannochloropsis sp. tốt hơn so loại tảo còn lại. Tuy nhiên, cả hai loại tảo đều không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe hay tăng trưởng của cá hồi Atlantic cũng như gây ra các bệnh về đường ruột.
Thành phần hóa học của vi tảo phụ thuộc vào từng loại và phương pháp sản xuất. Ngành thức ăn thủy sản có thể lựa chọn hai loại tảo này làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá hồi, Yangyang Gong, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Nord cho biết. Theo Yangyang, sản phẩm thử nghiệm của Đại học Nord để nuôi cá hồi từ hai loại tảo trên đều chứa tất cả các axit amin cần thiết cho cơ thể cá, từ đó sản phẩm mới phát huy được hết công dụng của vi tảo trong vai trò thay thế đạm động vật biển.
Nhóm nghiên cứu đang tìm cách tăng giá trị dinh dưỡng cho sản phẩm bằng phương pháp tinh chế tảo. Đồng thời, thử nghiệm các loại tảo khác để đánh giá tiềm năng của chúng với ngành thức ăn thủy sản và lựa chọn ra loại thích hợp nhất làm thức ăn cá hồi. Hiện nay, chỉ có một số lượng ít sinh khối vi tảo được sản xuất trên toàn cầu do chi phí sản xuất vi tảo vẫn đang là thách thức lớn. Do đó, khi ngành khoa học tìm ra phương pháp sản xuất khối lượng lớn, chi phí thấp thì tảo sẽ trở thành nguồn nguyên liệu thức ăn thủy sản phổ biến trên toàn thế giới.
Related news
Cùng khám phá cơ sở Cargill Aqua Nutrion để hiểu hơn về cách sản xuất thức ăn cho cá hồi và nhìn nhận về tương lai của ngành thức ăn thủy sản.
Để ứng phó với những trận mưa lũ nhằm hạn chế thiệt hại, nhiều người nuôi cá lồng, bè ven sông Trà Khúc đã sử dụng inox và nhựa làm lồng, bè, đạt hiệu quả cao
Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn có thu tỉa của ông Tăng Văn Xúa- thị xã Vĩnh Châu thực hiện từ năm 2016 đã rất thành công, lợi nhuận mỗi năm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng