Nuôi cá chim trắng trong nước ngọt
Năm 2001, thông qua triển khai Dự án "Nhập công nghệ sản xuất giống cá chim trắng tại Quảng Ninh", Trung tâm KHKT và SX giống thủy sản Quảng Ninh đã tiến hành cho sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm loài cá này.
Năm 2002, qua nuôi thương phẩm cá chim trắng, chúng tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm sau:.
1. Chuẩn bị ao nuôi.
Ao có diện tích 1.000-2.000m2, độ sâu mực nước từ 1,2-1,5m, độ dày chất đáy phù hợp từ 15-20cm.
Các tiêu chuẩn khác: ao nuôi có hệ thống cấp thoát nước chủ động, nguồn nước tốt, mặt thoáng rộng....
2. Cải tạo ao.
Làm cạn nước, gia cố lại bờ ao, lấp các hang hốc và điều chỉnh độ bùn.
Phơi đáy: đáy ao được phơi rạn chân chim, với các ao không phơi đáy thì khi bón vôi nên bừa qua.
Bón vôi: rải đều lượng vôi từ 10-20kg/100m2 dưới đáy ao, lưu ý chỗ bùn dày, hang hốc có thể rắc thêm vôi.
Bón phân gây màu: sau khi rải vôi từ 3-7 ngày tiến hành bón phân; phân chuồng 30-50kg/100m2; lá dầm (lá lạc, lá đậu tương, điền thanh): 30-50kg/100m2.
Cấp nước vào ao: nước cấp phải qua lưới lọc, lần 1 từ 30-50cm, ngâm 5-7 ngày cấp tiếp đợt 2 cho tới 1,2-1,5m.
Với ao khó lên màu nước hoặc không có lá dầm, có thể sử dụng thêm phân vô cơ (tỉ lệ đạm/lân: 2/1) với lượng 2-4kg/1000m2, hòa loãng tạt đều trên mặt ao.
Đợi đến khi nước có màu xanh lá chuối sẽ tiến hành thả giống.
3. Thả cá giống.
Thời vụ thả: thả giống vào vụ Xuân (tháng 2-3) và vụ Thu (tháng 6-8), nên tính toán thời gian thả để có thể thu hoạch trước vụ đông.
Kích cỡ: giống thả đảm bảo 4-6cm, khỏe mạnh, cân đối, đồng đều, mình cá trắng ánh bạc.
Vận chuyển giống: mặc dù cá chim trắng rất khỏe, tuy nhiên vận chuyển đường dài quá 6 giờ nên thay nước và bơm ôxy để đảm bảo chất lượng cá giống.
Mật độ thả: từ 2-4 con/m2, có thể ghép với các đối tượng khác như mè trắng, trôi, chép để tận dụng thức ăn dư thừa và làm sạch nước.
4. Thức ăn và cách cho ăn.
Cá chim trắng phàm ăn và ăn tạp, hỗn hợp thức ăn gồm bột cá + đậu tương: 30%, cám gạo + bột gạo:
70%, rau xanh (rau muống, khoai lang, rau lấp, bèo...) thái nhỏ thả nổi trên mặt ao, ngoài ra cũng có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp, lò mổ cũng rất tốt.
Cho ăn: cá chim trắng ăn chìm, thời gian 1-2 tháng đầu sau khi thả giống cho ăn 2 lần/ngày, với lượng bằng 5-7% trọng lượng cá, sử dụng 4-5 sàng cho ăn, có kích cỡ 4-6m2 đặt cách đáy 30-40cm để tránh lãng phí thức ăn.
Các tháng còn lại chọn những chỗ đáy sạch làm vùng cho ăn, lượng thức ăn duy trì 4-3-2% trọng lượng cá cho đến khi thu hoạch.
5. Chăm sóc, quản lý.
Thường xuyên theo dõi kiểm tra ao, duy trì mức nước và chất lượng nước.
Cá chim trắng rất ít nổi đầu, khi cá nổi đầu chứng tỏ chất lượng nước ao nuôi xuống cấp, lần thay nước mới với lượng bằng 1/3 lượng nước ao. 15 ngày thay nước 1 lần.
Duy trì độ béo của nước ao: lá dầm 10-20kg/100m2 + phân chuồng 10-20kg/100m2; 15 ngày bón 1 lần.
Vào mùa lũ cá kéo đàn theo nước tràn đi rất nhanh, cần có phương án chống lũ từ ngay đầu mùa.
6. Phòng trị bệnh.
Qua nuôi cá chim trắng ở Quảng Ninh chưa thấy biểu hiện cá mắc bệnh do quản lí nước tốt và 12-15 ngày tạt 2-4kg nước vôi hòa loãng trên mặt ao để phòng bệnh rất hiệu quả.
7. Thu hoạch.
Cá chim trắng phát triển khá đồng đều về kích cỡ. Thu hoạch cá bằng lưới kéo ngay mẻ đầu có thể thu được 90% sản lượng cá trong ao.
Related news
Tận dụng những thửa ruộng, hố bom bên khe suối cải tạo thành những ao hồ để nuôi cá nước ngọt, nhất là nuôi cá chim trắng, nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày cho người dân là chủ trương mà huyện Ba Tơ triển khai trong những năm gần đây.
Việc tìm kiếm một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao để thay thế con tôm cho những vùng nuôi khó khăn vì lý do môi trường nuôi lâu năm bị ô nhiễm và dịch bệnh luôn là vấn đề được cơ quan chức năng và người dân quan tâm.