Nuôi cá chẽm công nghiệp tại Sóc Trăng
Với thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng, nghề nuôi cá chẽm giúp những công nhân làm việc tại trang trại nuôi cá ở Sóc Trăng có thu nhập ổn định.
Trong ảnh: Ao nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng. Ảnh: Thủy sản Ngọc Hường.
Mô hình nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng từ lâu đã trở thành một trong những điểm mạnh đối với ngành thủy sản của tỉnh nói riêng và nước ta nói chung. Từ vùng ao và kênh rạch bỏ trống, người dân nơi đây đã cải tạo thành các khu ao nuôi cá chẽm, đảm bảo nguồn cung ứng cho người tiêu dùng.
Cá chẽm là một trong những thực phẩm có giá thành cao do thịt trắng thơm và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng cá chẽm trong tự nhiên sau nhiều lần khai thác không còn đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ gia đình tại Sóc Trăng đã lấy cá tự nhiên mang về nhân giống và thực hiện quy trình nuôi công nghiệp nhằm tạo nguồn cung ổn định.
Thời gian đầu, khi áp dụng nuôi cá chẽm, các hộ chủ yếu để cá phát triển giống như ngoài tự nhiên bằng việc cung cấp thức ăn tươi sống. Do đó, khó khăn gặp phải là người dân khó tìm được nguồn thức ăn ưa thích thường xuyên cho cá. Không những vậy, đặc tính của giống này là cá lớn ăn cá bé nên những con phát triển sẽ ăn những con nhỏ hơn. Điều này khiến nhiều hộ rơi vào tình trạng khó khăn, lợi nhuận khi thu hoạch thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra mua giống.
Trước tình hình đó, trang trại nuôi trồng thủy sản Ngọc Hường, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã tìm cách tạo nguồn cá giống, nguồn cung cấp thức ăn ổn định và quy trình nuôi nhốt nhằm đảm bảo sản lượng thu hoạch.
Theo anh Dũng, chủ trang trại Ngọc Hường, do đặc tính tự nhiên của cá chẽm là ăn thịt tươi nên không thể nuôi chung với các loại cá khác. Bên cạnh đó, loại cá này còn có xu hướng ăn thịt lẫn nhau nên giai đoạn thuần dưỡng con giống khi mới nuôi gặp nhiều khó khăn.
Cá chẽm sau khi thu hoạch được vận chuyển tới địa điểm tiêu thụ. Ảnh: Thủy sản Ngọc Hường.
Tuy nhiên, tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương, những năm qua, trang trại Ngọc Hường đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp với quy trình khép kín, quản lý chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống, kỹ thuật nuôi tới xây dựng ao hồ, hoàn thiện hệ thống sục khí hiện đại. Toàn bộ quy trình này được giám sát bởi Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng. Trang trại hiện có khoảng 12 ha nuôi cá chẽm công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 30 nhân công địa phương.
Anh Dũng cho biết, 30 nhân công làm việc tại trang trại có mức thu nhập ổn định 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, trang trại còn hỗ trợ ăn trưa, các sinh hoạt cơ bản cho những người cần phải ở lại trại nuôi trong thời gian dài. Nếu tiết kiệm, họ có thể để ra được một khoản tiền không nhỏ.
Hiện, Sóc Trăng có nhiều trang trại áp dụng mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho các công ty chế biến hải sản nội địa và quốc tế. Trong đó, một số trang trại hình thành xu hướng mở rộng và phát triển để trở thành nhà cung cấp trực tiếp trên thị trường.
Related news
Đặc biệt, số lượng tôm ôxy được các thương lái thu mua không hạn chế, đây là tín hiệu vui đối với nông dân.
Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản với 301.509 ha, trong đó có 278.642 ha nuôi tôm với nhiều hình thức nuôi.
Những mô hình nuôi tôm xen cua, cá an toàn sinh học tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn cho thấy hạn chế được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất