Home / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Nuôi cá chạch bùn

Nuôi cá chạch bùn
Publish date: Saturday. September 5th, 2015

Nuôi, đẻ thành công

Ông Bùi Vĩnh Thái, người đầu tiên ở An Giang thực hiện mô hình nuôi cá chạch bùn trong ao đất mang lại hiệu quả cao. Ông còn thành công trong việc SX con giống tại cơ sở ấp Hòa Thuận, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành (An Giang). Hiện nay, không riêng ông Thái cho đẻ nhân tạo cá chạch bùn, nhiều viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cũng nghiên cứu cho cá chạch bùn sinh sản nhằm giúp người nuôi đẩy mạnh phát triển nuôi cá thương phẩm.

Ông Thái cho biết, ông bắt đầu thả nuôi cá chạch từ tháng 4/2013 với số lượng ban đầu là 300.000 con giống trên diện tích 2.000 m2. Đến nay, ông đã tăng diện tích lên 10 ao với khoảng 5 ha. Nguồn lợi nhuận mang lại cho ông hàng chục triệu đồng/tháng. Được biết, tại các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ và một số tỉnh miền Đông, nhiều hộ nuôi cũng đang mở rộng diện tích SX con giống và cá thương phẩm.

Theo kinh nghiệm của ông Thái, cá chạch bùn tuy tỷ lệ hao hụt hơi cao, nhưng dễ nuôi, mau lớn, hồ nuôi chỉ cần nước sạch, thông thoáng, không đòi hỏi phải có cánh quạt nước nên đỡ tốn kém. Thời gian nuôi từ lúc mới thả đến lúc thu hoạch mất 3 tháng rưỡi. Kích thước bình quân của một con cá trưởng thành là 15 cm, dài nhất 28 cm (25 – 30 con/kg).

Đặc biệt, cá chạch bùn khi chuyển đi xa, người ta có thể ướp nước đá cho cá ngủ đông trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó thả cá vào nước ngọt, cá sẽ sống lại nên rất thuận tiện cho việc chuyên chở. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt nên ông Thái nắm vững kỹ thuật chọn cá bố mẹ, cho cá sinh sản… Ông khẳng định: “Cá chạch bùn không những dễ nuôi mà còn phát triển nhanh, giá cả thị trường hiện rất hấp dẫn nên tôi mạnh dạn đầu tư vào mô hình này”.

Ông Thái không những SX con giống mà còn SX cá thương phẩm để cung cấp cho thị trường Cần Thơ, An Giang và các tỉnh lân cận. Từ đầu năm 2013 đến nay ông đã cung cấp hơn 42 triệu cá bột, hiện bán với giá 40 đồng/con. Nếu bán cá hương sẽ được 1.000 đồng/con. Ngoài ra ông còn đưa ra thị trường trên khoảng 1,7 tấn cá thịt với giá 300.000 đồng/kg.

Ngoài việc SX và ươm giống, ông còn làm đầu mối thu mua cá chạch của nông dân đem đi tiêu thụ các nhà hàng trong khu vực ĐBSCL. Tuy bận rộn công việc, nhưng ông Thái sẵn sàng hướng dẫn nhiệt tình, tư vấn kỹ thuật nuôi cá cho bà con nông dân, nhằm tạo điều kiện cho người nuôi phát triển ngày càng nhiều, nhằm góp phần tăng đa dạng hóa loài thủy sản nước ngọt.

Hiện nay, có một số người, trong đó có nhà hàng và quán ăn đã nhầm lẫn giữa cá chạch bùn và chạch quế. Cá chạch bùn mình dẹp, khi nấu chín xương mềm, còn cá chạch quế thịt cũng rất thơm ngon nhưng mình hơi tròn và xương cứng.

Theo tài liệu nghiên cứu của một số cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cá chạch bùn là loại mới nhập khẩu đang được nhân rộng và phát triển ở miền Trung và các tỉnh ĐBSCL. Chạch bùn có thể sống ở sông, hồ, ao và ruộng lúa, nơi có đáy bùn và nước chảy nhẹ. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã cho sinh sản nhân tạo thành công, kích thích bằng não thùy. Kết quả cho thấy cá cái thụ tinh đạt 70% và tỷ lệ nở đạt 60%.

Ông Thái cho biết thêm: “Trong thiên nhiên, cá chạch bùn lúc nhỏ ăn giun và ấu trùng trong đất là chính, sau đó chuyển dần sang ăn tạp. Đến giai đoạn trưởng thành, thức ăn chủ yếu của chúng là thực vật như tảo, thân lá cây, cỏ non. Đối với cá nuôi, người ta sử dụng nhiều thức ăn khác nhau, từ thức ăn chế biến đến thức ăn công nghiệp. Khi cá có chiều dài trên 5 cm, người ta thường cho ăn thức ăn dạng viên nổi, độ đạm dao động từ 38-40%”.

Theo ông Thái khi nuôi cá chạch bùn rất yên tâm và chủ động hoàn toàn nguồn thức công nghiệp, giúp cá khỏe và nhớn nhanh. Với hệ số thức ăn 1.7 sẽ cho ra 1 kg cá chạch thương phẩm khoảng 25 – 30 con.

Cá chạch bùn thường sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10, tỷ lệ sinh sản cao nhất từ tháng thứ 6 – 8. Cá bột sau khi nở được ươm trong bể xi măng, ăn thức ăn phù du và lòng đỏ trứng. Cá hương cũng tiếp tục ươm trong bể xi măng rộng hơn và ăn thức ăn viên công nghiệp. Thường mỗi ngày cho ăn 2 lần lúc 8 giờ sáng và 4 giờ chiều.

 


Bình quân cá chạch trưởng thành từ 25 – 30 con/kg, giá bán 300.000 đ/kg

Muốn cho cá mau lớn và đạt năng suất cao, bể nuôi và ao nuôi cần được thay nước sạch thường xuyên. Nói tóm lại, dù nuôi ở bất cứ hình thức nào, muốn thành công, người nuôi phải tuân thủ nghiêm nhặt các quy định về chuyên môn, nhất là ao nuôi phải được cải tạo và thường xuyên phòng chống dịch bệnh.

Con cá tiềm năng

Sau khi tham quan các ao cá chạch bùn của ông Thái, ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình Thạnh nhận định, đây là mô hình mới mẻ nhưng thật hấp dẫn và độc đáo được nuôi và nhân giống tại An Giang. Nó có thể giúp người nuôi mở ra một con đường phát triển SX đầy triển vọng.

Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững, tránh điệp khúc “hàng nhiều dội chợ”, gây tổn thất cho người nuôi, các nhà chuyên môn, các ngành chức năng phải vào cuộc bằng cách hướng dẫn, tư vấn cho bà con nắm bắt được những thông tin khoa học, kinh tế cần thiết để tránh những thiệt hại về sau. Bằng kinh nghiệm nuôi trồng và SX kinh doanh, chắc bà con chưa quên những bài học xương máu về con cá tra, cá rô đầu vuông và cá điêu hồng “hễ được mùa là rớt giá”.

TS Bùi Minh Tâm, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ có ý kiến việc nuôi cá chạch như sau: “Ở ĐBSCL có nhiều loại cá chạch như chạch khoan, chạch rằn, chạch bông, chạch cơm, chạch lấu…

Chúng thường sống trong ao hồ, sông rạch và thích ẩn mình dưới những lớp bùn, hoặc đeo bám theo các giề lục bình, nơi sông sâu nước chảy. Riêng cá chạch bùn, tên khoa học Misgurnus anguillicaudatus cantor) là loại cá mới xuất hiện trên thị trường gần đây. Giá trị kinh tế cao, được nhiều người ưa dùng.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta phát triển ồ ạt, bất chấp những quy luật khách quan, có thể dẫn tới nhiều rủi ro và bất trắc sau nầy. Thực tế cho thấy, cá chạch bùn không dễ nuôi như một số người đã nghĩ. Nếu không nắm vững kỹ thuật, nhất là thức ăn, môi trường nước, cá sẽ chậm lớn, hao hụt nhiều, năng suất không cao.

Muốn đầu tư và phát triển bền vững, đạt hiệu quả, nhất thiết chúng ta cần phải lắng nghe những lời khuyến cáo của các nhà khoa học, các chuyên gia về thực phẩm, đặc biệt là ý kiến tư vấn của ngành khuyến nông khuyến ngư”.

Theo ông Tâm, việc phát triển nuôi trồng thủy sản hiện nay được Bộ NN-PTNT động viên và khuyến khích nhất là các loài thủy sản bản địa. Riêng đối với các loài thủy sản có nguồn gốc từ nước ngoài, chúng ta nên hết sức thận trọng, đi từng bước và tuyệt đối phải tuân thủ ý kiến chỉ đạo và lời khuyến cáo của ngành thủy sản và các cơ quan chức năng.

Tags: ca chach, nuoi ca chach, ca chach bun, thuy san, nuoi trong thuy san, nuoi ca


Related news