Nuôi cá bỗng trên lòng hồ thủy điện
Thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh; đẩy mạnh việc đưa tiến bộ khoa học áp dụng vào sản xuất và sự hợp tác phát triển theo hướng 4 nhà: “Nhà khoa học, Nhà quản lý, Nhà kinh doanh và Nhà nông”, trên cơ sở khảo sát các điều kiện về khí hậu và nguồn nước, năm 2014, Công ty TNHH Đăng Khang đã triển khai thực hiện Dự án “Nuôi cá bỗng thương phẩm trên lòng hồ thủy điện Sơn La”. Khu vực nuôi cá bỗng được xây dựng với quy mô 4 lồng, tổng thể tích 440m3 thuộc xã Chiêng Ơn (Quỳnh Nhai).
Ông Dương Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đăng Khang cho biết: Việc nuôi cá bỗng trong lồng trên lòng hồ có nhiều điểm khác biệt so với nuôi cá trong ao; nguồn nước luôn được lưu thông và đặc biệt là dòng chảy thích hợp cho loài cá ưa nước chảy có nhu cầu ô xy cao như cá bỗng. Do có những điều kiện thuận lợi về môi trường nên nuôi cá lồng trên lòng hồ có thể tăng mật độ khối lượng gấp nhiều lần so với nuôi cá trong ao, dễ chăm sóc và thu hoạch. Cá giống được mua từ DNTN Trung tâm phát triển công nghệ thủy sản Việt Nam, sau khi thả tỷ lệ cá sống đạt trên 80%, hiện các lồng cá của Công ty phát triển tốt.
Sau thời gian nuôi thử nghiệm cho thấy cá bỗng có tốc độ tăng trưởng nhanh, trong điều kiện nuôi lồng, từ cỡ cá giống 6 con/kg, sau 2 năm cá đạt trọng lượng 2,2 - 2,5 kg/con. Cá bỗng là loài ăn tạp và ăn rất nhiều, thức ăn chủ yếu gồm giun, cá vụn nước ngọt và các loại phụ phẩm chăn nuôi, có thể tận dụng bèo, thân chuối băm nhỏ, rau... nên chi phí thức ăn giảm đáng kể. Ngoài ra có thể sử dụng thức ăn tự chế với hàm lượng đạm từ 30 - 35%. Mật độ nuôi trong lồng có thể 60 - 70 con/m3 và giảm dần theo từng giai đoạn phát triển của cá. Để tận dụng diện tích mặt nước, có thể nuôi ghép cá bỗng với một số loài cá khác trong lồng như cá trắm đen, cá chiên...
Qua quá trình triển khai Dự án, quy trình nuôi đã được cải tiến, công nghệ được hoàn thiện. Thời gian tới, Công ty TNHH Đăng Khang sẽ mở rộng sản xuất với quy mô tăng số lồng nuôi cá bỗng lên 20 lồng dự kiến, mỗi năm thu hoạch gần 30 tấn cá. Bên cạnh việc nuôi và bán sản phẩm cá bỗng, Công ty còn tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật nuôi cá bỗng cho bà con nông dân trong vùng.
Việc nhân rộng mô hình nuôi cá bỗng tạo cho người dân vùng hồ và địa phương có nhiều việc làm mới, tăng thu nhập, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi các loài cá bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân vùng hồ thủy điện Sơn La.
Related news
Trước tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng thuộc địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp (rạng sáng 4-2-2016), Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có Công văn hỏa tốc số 1941/BNN – TCTS đề nghị UBND hai tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ để có kết luận về nguyên nhân gây ô nhiễm, làm chết cá hàng loạt và có biện pháp xử lý, hỗ trợ phù hợp quy định hiện hành.
Hàng chục ha lúa, thủy sản nuôi trồng của bà con nông dân xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị chết, do ảnh hưởng nước thải của các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn xã Vinh Hiền.
Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 350 phương tiện tàu, thuyền dưới 20CV, 532 chiếc thúng máy, khai thác ven bờ. Nếu không có các giải pháp bảo vệ, nguồn lợi thủy sản ven bờ trong tương lai sẽ cạn kiệt, môi trường biển bị ô nhiễm.