Nuôi 10.000 con chim cút kiếm bạc triệu mỗi ngày
10.000 con chim cút mỗi ngày đẻ 8.000 – 9.000 quả trứng. Hiện giá trứng ngang 420đ/quả, giá trứng lộn 700đ/quả, sau khi trừ chi phí, người nuôi còn thu lãi bạc triệu mỗi ngày.
Anh Trần Ngọc Hiền úm đàn út con để chuẩn bị tăng đàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Loài vật nuôi nhạy cảm với thời tiết
Xuất thân là tài xế lái xe tải vận chuyển cám thực phẩm cho các cơ sở nuôi cút ở Phú Yên, Đồng Nai. Tiếp cận với các trang trại nuôi cút riết anh đâm mê nghề này. Thế là trong chuyển chở cám đến cho các cơ sở nuôi cút, mỗi khi mỗi ít, anh hỏi han để học hỏi kinh nghiệm.
“Tôi sợ nếu tiết lộ mình học hỏi kinh nghiệm để về nuôi thì họ sẽ không bộc bạch, vậy nên mỗi lần chở cám đến 1 cơ sở nuôi cút tôi hỏi han một ít kinh nghiệm, kỹ thuật. Một anh tài xế hỏi theo kiểu tò mò vô hại thì chẳng việc gì họ không chia sẻ. Vậy là mỗi khi mỗi ít, dần dà tôi đúc kết được những kinh nghiệm cơ bản trong nghề nuôi cút.
Cách đây 3 năm, tôi khởi nghiệp nuôi cút với 1.500 con mua ở Phú Yên. Vừa nuôi lấy trứng tạo kế sinh nhai hằng ngày, tôi vừa học hỏi cách ấp ra trứng lộn và ấp ra cút. Sau khi tích cóp mua được máy ấp trứng giá 40 triệu đồng, lấy trứng lũ cút đẻ ra ấp nở cút con để tăng đàn dần dần, đến giờ trong chuồng tôi đã có 10.000 con cút”, anh Trần Ngọc Hiền (SN 1964) ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), chia sẻ.
Theo anh Hiền, cút khó nuôi gấp nhiều lần so với gà. Do vậy, người nuôi cút phải “ăn ngủ với cút” thì mới kịp thời phát hiện bệnh của chúng để điều trị đúng bệnh, đúng thuốc thì mới mong mang lại hiệu quả.
“Thời tiết thay đổi, trời đang nắng chuyển mưa hay trời đang mưa trở nắng là lũ cút bị ảnh hưởng ngay, lập tức tỷ lệ đẻ của chúng bị giảm nghiêm trọng. Nếu như trước đó 1.000 con cút mỗi ngày đẻ 800 – 900 quả trứng thì khi thời tiết thay đổi chúng chỉ còn đẻ 500 quả”, anh Hiền minh họa.
Để bảo toàn đàn cút nuôi, hầu như cả ngày anh Hiền cứ quanh quẩn ở những dãy chuồng nuôi cút của mình. Anh đi qua từng chuồng nuôi, nhìn xem lũ cút buồn hay vui, bởi khi chớm bệnh là lũ cút có biểu hiện ủ rũ ngay. Hoặc anh kiểm tra xem phân của chúng thải ra có màu gì, bởi những bệnh lũ cút thường mắc được thể hiện qua màu phân của chúng.
“Nếu thấy phân của chúng màu trắng tôi biết phải dùng thuốc gì để điều trị, nếu thấy phân màu xanh tôi biết phải dùng thuốc gì, hoặc phân màu đen thì dùng thuốc gì. Nếu chúng chớm bệnh mà không điều trị kịp thời là chúng mất sức đẻ ngay. Người nuôi cút rất cần phải rành nghề thú y. Về lĩnh vực thú y tôi tự học hỏi từ những người nuôi đi trước, hoặc từ những kỹ thuật của các công ty cung ứng cám thực phẩm, vừa học vừa thực hành lâu riết thành rành”, anh Hiền bộc bạch.
Cho lãi cao
Theo anh Hiền, 3 tháng sau khi thả nuôi là lũ cút bắt đầu đẻ. Lực đẻ của lũ cút tùy thuộc vào quy trình chăm sóc và mức đầu tư cho ăn của chủ nuôi. Nếu cho chúng ăn cật lực, 10.000 con cút mỗi ngày có thể đẻ từ 8.000 – 9.000 quả trứng.
Hiện nay, trứng cút ngang có giá 420đ/quả, vị chi 1 thiên trứng (1.000 quả) người nuôi thu được 420.000đ; còn trứng cút lộn có giá 700đ/quả, 1 thiên trứng cút lộn bán được 700.000đ. Với 10.000 con cút, mỗi ngày anh Hiền thu được từ 8.000 – 9.000 quả trứng. Nếu bán trứng ngang mỗi ngày anh Hiền thu vào được từ gần 3,4 triệu đến gần 3,8 triệu đồng, còn nếu ấp ra trứng lộn thì mỗi ngày anh Hiền thu vào được từ 5,6 triệu đến 6,3 triệu đồng.
Chuồng nuôi cút phải được làm vệ sinh mỗi ngày. Ảnh: Vũ Đình Thung.
“Mỗi ngày 1.000 con cút ăn 30kg cám thực phẩm, mất khoảng 225.000đ, với 10.000 con cút mỗi ngày tôi cho chúng ăn mất hơn 2,2 triệu tiền cám. Cứ cho bình quân hiện mỗi ngày 10.000 con cút của tôi đẻ mức thấp nhất là 8.000 quả trứng, nếu bán trứng ngang, sau khi trừ chi phí thức ăn tôi còn thu lãi khoảng 1,2 triệu đồng, nếu ấp ra trứng lộn sẽ bán được 5,6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thức ăn tôi còn lãi 3,4 triệu đồng”, anh Hiền tính toán.
Cơ sở nuôi cút của anh Hiền đang có thu nhập cao nhờ tỷ lệ ấp ra trứng lộn của anh đạt tỷ lệ đến 97%. Để có tỷ lệ trứng lộn đạt cao, điều kiện tiên quyết là đàn cút trống làm nhiệm vụ phối giống phải tốt, thứ đến là kỹ thuật ấp phải đúng quy trình.
“Đàn cút trống phải được thay đổi thường xuyên, bởi nếu cút trống cứ giữ mãi 1 dòng sẽ dẫn tới nguy cơ bị trùng huyết, khi ấy tỷ lệ trứng lộn sẽ bị giảm ngay. Cứ 10 con cút mái cần phải có 3 con cút trống. Việc ấp trứng cũng không dễ, ấp ra cút con để tăng đàn kỹ thuật ấp khác với ấp ra trứng lộn. Ấp trứng lộn muốn mẻ trứng đạt tỷ lệ cao đòi hỏi chủ nuôi còn phải biết kỹ thuật soi để biết quả trứng nào có cồ, trứng nào không”, anh Hiền chia sẻ.
Mặt nền chuồng nuôi cút phải có độ nghiêng nhất định để trứng cút đẻ ra tự lăn ra máng hứng, nếu trứng nằm trong chuồng sẽ bị lũ cút dậm vỡ gây thất thoát. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Anh Hiền cho biết thêm: Muốn không bị thất thoát thu nhập, khi đóng chuồng nuôi cút, nền chuồng phải được thiết kế có độ nghiêng nhất định, để khi cút đẻ, trứng sẽ tự động lăn ra chiếc máng hứng trứng đặt bên ngoài chuồng, nếu trứng không tự lăn ra được, còn nằm trong chuồng thì sẽ bị lũ cút dậm vỡ hết.
“Chu kỳ đẻ trứng của lũ cút khoảng từ 10 tháng đến 1 năm. Đến khi thấy tỷ lệ đẻ của chúng giảm xuống còn 50% thì đàn cút ấy cần bán xác để thay đàn khác. Cút bán xác hiện có giá khá cao, khoảng 80.000đ/kg. Mỗi con cút đến thời kỳ bán xác có trọng lượng khoảng 2 lạng/con, cứ 5 con là được 1kg. Thị trường Đà Nẵng đang tiêu thụ mạnh cút xác, bởi thịt cút xác ngon hơn thịt gà ta thả vườn. Mỗi khi cần thay đàn, tôi gọi điện là thương lái vào ngay, chỉ cần 2 ngày là họ cân sạch 10.000 con”, anh Trần Ngọc Hiền cho hay.
Related news
Thị trường nông nghiệp thông minh toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm năm tới và đạt giá trị 16 tỷ Euro.
Hiện nay, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao rất thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm tồn tại và phát triển. Đồng thời, đầu năm 2020 đã phát hiện 01 ổ dịch cúm A
Ở những vùng đã từng bị sâu keo mùa thu gây hại nặng chọn giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu cao