Nucleotide: Giải pháp cải thiện hệ miễn dịch và đường ruột
Trong dinh dưỡng thủy sản, nucleotide chưa được sử dụng rộng rãi; tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu tại phương tây đã khẳng định đây chính là chiến lược cải thiện miễn dịch và sức khỏe đường ruột tốt nhất cho vật nuôi thủy sản.
Giá trị dinh dưỡng
Khẩu phần ăn bổ sung nucleotide trong chăn nuôi và thủy sản đã được nghiên cứu nhiều năm qua. Do sinh vật có khả năng tự tổng hợp nucleotide, nên đây không phải là dưỡng chất thiết yếu. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi xảy ra nhiều biến cố như vật nuôi bị stress, nhiễm dịch bệnh, tăng trưởng kém hoặc hỗ trợ dinh dưỡng từ nguồn thức ăn khác bị hạn chế thì khả năng tổng hợp nucleotide cũng bị suy yếu hoặc không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, nucleotide trở thành một chất gần như thiết yếu trong nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi suốt các giai đoạn đầu đời, giai đoạn tiêm vaccine và giai đoạn dịch bệnh. Nucleotide đặc biệt hữu ích với hệ thống miễn dịch và tiêu hóa của vật nuôi. Hai hệ thống này giữ vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất: Hệ miễn dịch bảo vệ vật nuôi trước dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống và duy trì sức khỏe vật nuôi; hệ tiêu hóa giúp vật nuôi có đường ruột khỏe mạnh, hấp thụ dưỡng chất, tăng trưởng tốt.
Nucleotide trong nuôi thủy sản
Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao khẩu phần ăn bổ sung nucleotide lại cần thiết trong nuôi thủy sản. Dịch bệnh khiến người chăn nuôi thiệt hại kinh tế đang trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất trong ngành thủy sản. Những dịch bệnh này do nhiều nguyên nhân như: Điều kiện dinh dưỡng mất cân bằng, quản lý trại nuôi kém hiệu quả hoặc chất lượng nước kém… khiến tôm/cá bị stress; từ đó, tác động trực tiếp tới hệ miễn dịch, làm giảm khả năng đề kháng của vật nuôi trước các loại dịch bệnh, vật nuôi biếng ăn, tỷ lệ sống và sản lượng cũng sẽ sụt giảm.
Hãng Bioiberica đã tiến hành thử nghiệm thức thức ăn bổ sung nucleotide (Nucleoforce Fish, Bioiberica) cho cá rô phi và khẳng định những tác động tích cực của nucleotide tới tăng trưởng và sức khỏe của cá. Nghiệm thức thức ăn được bổ sung 500 ppm nucleotide, sử dụng để nuôi cá trong 135 ngày. Kết quả tỷ lệ sống tăng, các thông số về năng suất cũng được cải thiện đáng kể như trọng lượng và FCR (bảng 1).
Trong một thử nghiệm khác tại Chilê, nucleotide đã được chứng minh là có khả năng kháng Pisciricketsia salmonis, một trong những dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới cá hồi nuôi. Theo đó, nhóm cá hồi cho ăn bổ sung 300 ppm nucleotide sẽ đạt tỷ lệ sống vượt trội nhóm đối chứng. Nucleotide là dưỡng chất rất hữu ích trong giai đoạn nuôi đầu, giúp cá hồi đủ khỏe mạnh để kháng lại dịch bệnh hiệu quả hơn cá hồi ở nhóm đối chứng với vaccine SRS (nhiễm trùng máu). Tuy nhiên, cá hồi sẽ đạt tỷ lệ sống tốt nhất khi người nuôi kết hợp vaccine SRS cùng khẩu phần ăn bổ sung nucleotide. Ngoài ra, từ ngày nuôi 70, cá hồi cho ăn bổ sung nucleotide đạt trọng lượng cao hơn cá hồi ở nhóm thức ăn đối chứng (bảng 1).
Hiệu quả với sức khỏe đường ruột
Gần đây, xu hướng sử dụng các loại protein có nguồn gốc thực vật ngày càng phổ biến theo phong trào sản xuất bền vững. Tuy nhiên, nhược điểm của protein thực vật chính là tác động xấu tới đường ruột của vật nuôi. Ví dụ: Trong đậu nành có nhiều chất kháng dinh dưỡng, gây hại cho đường ruột vật nuôi. Do đó, bổ sung một lượng nucleotide thích hợp vào thức ăn chứa protein thực vật sẽ khắc phục những tác động xấu của protein thực vật.
Trong một thử nghiệm tại Bồ Đào Nha, các nhà nghiên cứu đã bổ sung 1.000 ppm nucleotide (Nucleoforce Fish, Bioiberica) vào thức ăn cho cá chẽm non với trọng lượng ban đầu 37,2 g trong 60 ngày nuôi. Nhóm cá ăn bổ sung nucleotide và nhóm đối chứng đều có chế độ dinh dưỡng giàu protein thực vật (75%) (bảng 2). Sau 60 ngày nuôi, cá cho ăn bổ sung nucleotide tăng trọng nhanh hơn, khả năng tiêu hóa tốt hơn nhóm đối chứng.
Thử nghiệm thứ 2 được tiến hành tại Tây Ban Nha, thức ăn bổ sung 250 ppm nucleotide (Nucleoforce Fish, Bioiberica) trên cá tráp đầu vàng trọng lượng 11 g trong 134 ngày nuôi. Nhóm đối chứng và nhóm ăn bổ sung nucleotide đều có chế độ dinh dưỡng 100% protein thực vật (100%). Kết quả cho thấy, nhóm cá ăn bổ sung nucleotide tăng trưởng tốt hơn, FCR hiệu quả hơn nhóm đối chứng.
Bổ sung nucleotide vào thức ăn thủy sản sẽ góp phần giúp người nuôi hạn chế sử dụng bột cá bởi phụ gia này khắc phục được nhược điểm của protein thực vật, càng khuyến khích người nuôi tự tin sử dụng thức ăn từ thực vật.
Ngoài cá, nucleotide cũng có hiệu quả khi sử dụng trên tôm. Nhiều thí nghiệm cho thấy, tăng trọng của tôm được cho ăn bổ sung nucleotide cao hơn 9,8% so lô tôm đối chứng. Thức ăn chính của ấu trùng tôm là Artemia. Giá trị dinh dưỡng của Artemia có thể gia tăng khi được bổ sung nucleotide. Trong trường hợp này, ấu trùng Artemia đóng vai trò trung gian chuyển nucleotide đến cho giai đoạn ấu trùng tôm. Kết quả, hệ miễn dịch của ấu trùng tôm trở nên vững mạnh hơn, tốc độ phát triển nhanh hơn và tỷ lệ sống cao hơn.
>> Nucleotide là một chất phụ gia thức ăn mới. Đây là một hợp chất nội bào có khối lượng phân tử thấp và có vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh hóa học và trao đổi chất qua màng tế bào ở mọi sinh vật do nucleotide là đơn vị cơ bản góp phần xây dựng nên chuỗi nucleic axit DNA và RNA. Một nucleotide cơ bản gồm đạm, đường pentose và một hoặc nhiều nhóm phosphate.
Related news
Trong 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm sang EU đạt 483,6 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhóm sản phẩm được bảo hộ là cá khoai tươi, cá khoai khô và các sản phẩm chế biến từ cá khoai Cái Đôi Vàm
Xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi tôm, đã và đang được một số doanh nghiệp ở Bình Định thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.