Nông trang xanh - Mô hình sinh thái kết hợp trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch
Mục tiêu và chiến lược ban đầu của trang trại chị mong muốn cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch cũng như tạo dựng môi trường cảnh quan xanh và sạch.
Gặp chị Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Khu du lịch Nông trang xanh Green Noen Củ Chi tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017, chị tâm sự: “Nông trang xanh được hình thành từ năm 2010, với diện tích đầu tư ban đầu khoảng 3 héc ta, tọa lạc tại địa chỉ 816/18, đường Nguyễn Thị Rành, ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Ban đầu trang trại chỉ dự tính trồng nấm linh chi và các loại nấm ăn nhiệt đới như nấm mèo, nấm bào ngư trắng, nấm xám nhằm phục vụ một số sản phẩm sạch cho người tiêu dung trên địa bàn thành phố. Khi đó trang trại tự đầu tư làm phân lập giống, cấy meo nấm, meo cọng, bịch phôi vừa để trồng tại trại, vừa để phục vụ các hộ nông dân trồng nấm khu vực lân cận tại huyện Củ Chi và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước”.
Mục tiêu và chiến lược ban đầu của trang trại chị mong muốn cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch cũng như tạo dựng môi trường cảnh quan xanh và sạch. Mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm, Nông trang xanh gặp không ít khó khăn, do mô hình trang trại theo kiểu này ở Việt Nam mới bắt đầu hình thành và phát triển. Thế là chị tìm tòi nghiên cứu chiến lược phát triển và tham quan học hỏi một số mô hình nông trang của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ đó, chị định hướng phát triển trang trại theo hướng mô hình hữu cơ nên những chất dinh dưỡng dùng cho cây trồng được chọn là phân trùn quế.
Thời gian đầu, để phát triển trang trại nên phải đi mua ở ngoài không đảm bảo được chất lượng cũng như kế hoạch sản xuất, vì thế trang trại của chị đầu tư phát triển nuôi thêm bò sữa, vừa lấy sữa chế biến vừa có nguồn phân ổn định đầu vào để nuôi trùn quế. Song song đó, chị đầu tư mở rộng diện tích thêm 6 héc ta, với mục đích để trồng cỏ voi, cung cấp thức ăn cho bò sữa và các vật nuôi khác như: hươu, nai, dê, cừu, ngựa, vịt….
Sau 6 năm vượt khó, đến nay trang trại của chị đã đầu tư mở rộng, tổng diện tích khoảng 20 héc ta, phân chia hợp lý thành 33 nhà trồng nấm; 4 khu chuồng trại chăn nuôi hơn 100 con bò sữa, cùng các loại vật nuôi như dê, cừu, nai, hươu, sao, gà gô, vịt trời…; 5.000 m2 nhà màng trồng dưa lưới và rau sạch.
Hiện chị đang đầu tư, đưa vào hoạt động hệ thống dây chuyền chế biến sữa tươi thanh trùng. Hệ thống máy móc được nhập từ châu Âu, với sự lắp ráp của các chuyên gia đến từ Hà Lan, Úc, công suất 2 tấn/giờ. Đặc biệt hơn nữa khi tham quan nhà máy mỗi quý khách du lịch sẽ được nhận 1 chai sữa bò tươi nguyên chất 100% làm từ sữa bò tươi.
Chị Hường kể tiếp: “Để nhân rộng mô hình trồng nấm sạch và tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trên địa bàn, trang trại chị không chỉ cung cấp meo giống, bịch phôi, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm mà còn đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nấm. Với giá một bịch phôi chưa đến 4.000 đồng, trồng trong vòng 3 tháng sẽ cho ra 300 - 400 gram nấm tươi. Trong khi đó, giá nấm trên thị trường dao động trên dưới 50.000 đồng/kg, nếu trồng với số lượng lớn thì sẽ thu được khoản lợi nhuận không hề nhỏ”.
Trang trại của chị còn chăn nuôi bò sữa, trồng hoa và rau sạch. Có hệ thống đồng cỏ cho bò ăn, bò nghe nhạc, đồng cỏ cho bò dạo chơi cùng với sự hướng dẫn và kết hợp của các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu được đào tạo tại Việt Nam, đảm bảo cho ra nguồn sữa bò tốt nhất.
Ngoài mong muốn cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng, trang trại của chị còn tổ chức kết hợp là nơi trải nghiệm về nông nghiệp sạch, giải trí và giáo dục. Du khách đến với trang trại của chị có thể tận tay vắt sữa bò, hái nấm, trồng rau,… - cảm giác cực kỳ lý thú; chụp hình hay ngắm hoa lan và tham quan các vật dụng làm nông ngày xưa, như cối xay lúa, cối giã gạo…
Sau khi khám phá và trải nghiệm về nông nghiệp tại trang trại, du khách đến với Nông trang xanh còn có nhà hàng, với rất nhiều món đa dạng về các loại nấm ăn về rau sạch, về các loại thực phẩm sạch của trang trại, đảm bảo tươi ngon và an toàn… Ngoài phục vụ du khách đến trải nghiệm trong ngày thì với khuôn viên rộng lớn, trang trại cũng hỗ trợ cho du khách muốn ở lại cắm trại qua đêm, hỗ trợ phòng nghỉ cho du khách và các học sinh, sinh viên với thiết kế đậm chất chân quê, mộc mạc nhưng đảm bảo tiện nghi, xen lẫn như một câu chuyện cổ tích cho trẻ thơ hiện đại và sang trọng.
Thời gian gần đây, trang trại của chị cũng đã trở thành điểm đến cho hàng trăm các học sinh, sinh viên của các trường đại học và học sinh được trải nghiệm thực tế về nông nghiệp, những công việc chăn nuôi, trồng trọt với bà con nông dân như: cấy mạ, sạ lúa, tìm hiểu về quy trình trồng lúa, gặt lúa; làm bịch phôi nấm, hái nấm; vắt sữa bò; chăm sóc gia súc, nhặt trứng gà và xem gà con nở ra từ quả trứng, tham gia vào công đoạn đóng gói cuối cùng trong nhà máy chế biến sữa… Giúp các em hiểu biết thêm về động vật (gia súc, gia cầm), thực vật (cây 1 lá mầm, 2 lá mầm, cây lương thực rau, cây thân gỗ), nấm các loại; hiểu biết thêm về thiên nhiên xung quanh và đặc biệt giúp các em trân trọng thành quả lao động từ sản xuất nông nghiệp.
Trang trại của chị đã tạo việc làm ổn định cho hơn 25 lao động với mức lương từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng; đóng góp các quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, đóng góp cho các vùng thiên tai… Nhiều năm trang trại tự bỏ tiền tu sửa con đường vào trang trại cùng với đầu tư đường điện, mở rộng sản xuất.
Chia tay chị Hường, chị chia sẻ: “Có được kết quả ngày hôm nay là sự lao động hết mình, sự vượt lên gian khó của tất cả những con người đang làm việc tại Nông trang xanh. Bên cạnh đó nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các Sở, ban ngành của Thành phố, đặc biệt là sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Du lịch và Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Ủy ban nhân dân xã An Nhơn Tây.”
Related news
Hai ổ dịch cúm A H5N1 xảy ra liên tiếp ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán cùng với thời tiết khắc nghiệt tại Nghệ An đã gây nhiều khó khăn
Nhằm thực hiện chiến lược phát triển “Sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi giá trị, mô hình 3F (Farm- Feed- Food) – sạch từ trang trại đến bàn ăn”
Đến xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) sẽ nghe bà con kể câu chuyện vươn lên của nông dân Nguyễn Tấn Dũng ới thu nhập cao mà còn hướng đến sản xuất bền vững