Nông nghiệp Việt Nam 2016 - Doanh nhân hóa nông dân
Mong điện về với xã nghèo
Xã tôi hiện là xã khó khăn, thiếu thốn nhất trên địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An), dân số chủ yếu là người DTTS.
Ở đây vẫn thiếu nước sinh
Không có điện lưới nên người dân không được xem tivi, con em không có cơ hội để đi học các nghề như điện tử, điện dân dụng, gò hàn… về phục vụ đời sống người dân trong vùng.
Hệ thống loa truyền thanh cũng không có, nên hạn chế việc tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn.
Tôi mong rằng, trong năm mới 2016, các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư để người dân trong xã sớm được hưởng ánh điện lưới quốc gia và từng bước cải thiện đời sống.
Ông Lữ Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Nghệ An
Doanh nhân hóa nông dân
Năm 2016 có thể được xem là năm hội nhập quốc tế sâu rộng, sẽ tác động sâu sắc và toàn diện đến nền nông nghiệp, người nông dân và địa bàn nông thôn ĐBSCL.
Yêu cầu bức thiết phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp, của doanh nghiệp và nông dân bằng tư duy kinh doanh nông nghiệp.
Yêu cầu khắc nghiệt của hội nhập, cạnh tranh quốc tế đòi hỏi người nông dân phải vượt khỏi không gian ruộng đồng, phải chuyển đổi tư duy “làm ra nhiều nông sản” sang tư duy “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”.
Doanh nhân hóa nông dân, nông dân làm giàu được từ kinh doanh nông nghiệp và môi trường nông thôn mới đáng sống là những kỳ vọng cho một giai đoạn mới.
Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ
Đất nước có thế mới
Năm 2016, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường.
Tôi kỳ vọng, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong năm 2015, đất nước ta bước sang năm 2016 với một tâm thế mới, tiếp tục gặt hái thành công về mọi mặt, nhất là về kinh tế, đối ngoại nhằm phát triển nội lực đồng thời nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo đà cho phát triển trong những năm tiếp theo.
Ngành nông nghiệp nước nhà nói riêng, sẽ có điều kiện để mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cũng sẽ chịu nhiều sức ép, cạnh tranh khốc liệt.
Nhưng tôi tin với sự quyết tâm của các cấp, các ngành và người dân, những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam sẽ tiếp tục có chỗ đứng tại thị trường khắp năm châu.
Ông Lương Thanh Nghị - Đại sứ VN tại Australia
Ước muốn nông dân sẽ bớt thiệt thòi
Gần đây, chương trình xây dựng nông thôn mới đang giúp người dân nông thôn thụ hưởng cuộc sống tốt hơn.
An sinh xã hội, giáo dục, y tế đã cải thiện.
Tuy nhiên, tôi thấy rằng giữa thành thị và nông thôn vẫn chưa được công bằng, ngay từ trong chính sách.
Ví dụ, cũng là làm đường giao thông, nhưng người thành thị chưa bao giờ phải “hiến” đất và được bồi thường sòng phẳng, trong nhà nông hễ đường băng ngang là Nhà nước vận động hiến đất làm đường.
Trong năm 2016 này, tôi muốn các chính sách khi được ban hành phải hướng đến sự công bằng, chứ không đòi hỏi nông thôn thì phải ưu tiên hơn thành thị.
Ông Võ Quan Huy - nông dân xuất sắc tỉnh Long An
Hỗ trợ bền vững cho học sinh dân tộc
Tôi trăn trở nhất là chính sách đối với những học sinh dân tộc đặc biệt ít người.
Hiện nay, Lai Châu có 3 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, Si La.
Những năm qua, các em được trợ sức nhờ đề án phát triển giáo dục dân tộc ít người nên có điều kiện đến trường.
Nhưng, hết 2015, đề án kết thúc, các em sẽ rơi vào tình trạng khó khăn khi chưa có chính sách kế cận để hỗ trợ.
Lo ngại các em sẽ bỏ học hoàn toàn có thể xảy ra.
Vì vậy, rất mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ bền vững về học phí, gạo, học liệu, cơ sở vật chất...
để giúp những đối tượng học sinh này có thể tiếp cận với giáo dục bình đẳng như học sinh các dân tộc khác.
Ông Hoàng Đức Minh – Phó Giám đốc Sở GDĐT Lai Châu
Thu hút được nhân tài về nước cống hiến
Tài nguyên thiên nhiên thì có hạn nhưng tài nguyên con người là vô tận.
Nước ta ngày càng coi tài nguyên con người.
Bằng chứng là những thành tích mà học sinh Việt Nam đạt được trên trường quốc tế ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, cơ chế thu hút và phát triển nhân tài vẫn còn còn nhiều vướng mắc.
Vẫn còn hiện tượng “chảy máu chất xám”, nhân tài “một đi không trở lại”.
Trong năm 2016, tôi hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp lý để lôi nguồn chất xám vô giá này về phục vụ đất nước.
TS Hồ Văn Hoành – Phó Chủ tịch Hội KH phát triển nguồn nhân lực nhân tài VN
Ổn định chính sách thi cử
Mấy năm vừa qua, thi cử năm nào cũng có những thay đổi chóng mặt, không chỉ học sinh mà cả thầy cô giáo cũng phải cập nhật thông tin thường xuyên, thay đổi cách dạy - học và ôn tập kiến thức để thích nghi.
Chính vì vậy, em rất lo lắng khi mình chuẩn bị đối mặt với những đổi mới này.
Em mong rằng, những chính sách về thi cử năm 2016 sẽ được Bộ GDĐT giữ ổn định, không thay đổi nhiều, chỉ cải tiến những cái vướng mắc gặp phải, để chúng em yên tâm học tập và ôn thi, tránh tâm lý hồi hộp, lo lắng ảnh hưởng đến kết quả thi cử.
Lê Ngọc Lâm – Học sinh Trường THPT Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình
Tổ chức Ngày Việt Nam trên toàn cầu
Tôi thực sự mong muốn trong năm 2016 và nhiều năm tới, Chính phủ, các bộ, ban ngành Việt Nam có thể phối hợp các hội đoàn kiều bào trên thế giới, kết hợp tổ chức Ngày Gỗ tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam, thực hiện thường niên và thống nhất trên toàn cầu.
Đó sẽ là ngày thiêng liêng, để những người con Việt trên khắp thế giới hướng về đất mẹ.
Đó sẽ là ngày mà họ được “về” với Tổ tiên thông qua trường sinh học, tâm linh.
Đó cũng sẽ là ngày thắt chặt và thắp lên tình đoàn kết và tự hào dân tộc…
Bà Nguyễn Thị Bích Yến – Việt kiều Áo, đại diện thường trú báo Việt Nam tại EU
Related news
Tăng trưởng gần 50% so với năm 2015, ngành rau quả được coi như “hiện tượng” bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu nông sản năm nay.
"Năm 2016 phải tiếp tục phát huy để tiến tới đẩy lùi và chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu chính quyền không vào cuộc thì có “ông giời” cũng không làm được"
“Trong thời gian tới, tổ chức Hội Nông dân (ND) các cấp tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan giám sát chặt chẽ việc sản xuất, buôn bán vật tư phân bón trên địa bàn…” - ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN nêu ý kiến trước thực trạng phân bón giả nở rộ trở lại gần đây.