Nông nghiệp 2016 tăng trưởng ngoạn mục
Ngày 23.12, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2016. Theo đánh giá, năm nay mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng hạn hán 6 tháng đầu năm, dẫn tới tăng trưởng âm, song trong 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục đạt 1,2%; tổng kim ngạch toàn ngành nông, lâm, thủy sản lần đầu tiên cán mốc trên 32 tỷ USD.
Trong ảnh: Xuất khẩu thủy sản 2016 đạt trên 7 tỷ USD. Trong ảnh là chế biến tại Minh Phú. Ảnh: Ngọc Thắng
Tôm, cá tra, rau quả, chăn nuôi tăng trưởng ngoạn mục
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, ngành nông nghiệp đứng trước bối cảnh u ám chưa từng có, khi lần đầu tiên sau hàng chục năm rơi vào tăng trưởng -0,18%. Hàng loạt các mặt hàng chủ lực, vốn là thế mạnh xuất khẩu như lúa gạo, cao su, sắn, tôm… đều sụt giảm cả về số lượng và giá trị, đặc biệt riêng ĐBSCL bị mất tới hơn 1 triệu tấn lúa do ảnh hưởng của hạn hán.
Đánh giá về công tác chỉ đạo, điều hành của ngành nông nghiệp năm nay, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Đây là năm gian nan, vất vả khó khăn, liên tục, quý nào cũng xảy ra thiên tai. Đầu năm 14 tỉnh thiệt hại do rét đậm, rét hại; rồi 8 tỉnh miền Trung- Tây Nguyên rơi vào hạn hán, sau đó là hạn mặn lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất liên tục 8 tỉnh Nam Trung Bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử”. Tuy nhiên, theo ông Cường, toàn ngành đã có cố gắng quyết liệt trên các, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng đạt 1,2%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 32,1 tỷ USD, đồng thời tiếp tục duy trì 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm chưa đạt 200.000 tấn. Tuy vậy, từ tháng 6 trở đi, ngành thủy sản đã tập trung đẩy mạnh vào việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, nên sản lượng đã tăng vọt đạt 650.000 tấn trong 6 tháng cuối năm, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000ha. Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD, cá tra cũng khởi sắc nhờ giá và đạt giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Tính chung, toàn ngành thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ USD”.
Trong khi đó, chăn nuôi cũng được coi là ngành có sự “bùng nổ” trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con, đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con. Ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Năm 2016, nước ta đã tiêu thụ được 600.000 tấn lợn hơi ra ngoài và nếu làm tốt chúng ta có thể sẽ tiêu thụ được 2 triệu tấn thịt hơi/ năm”.
Ưu tiên đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo Bộ NNPTNT, lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Trong đó, đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn.
Chế biến tôm tại Công ty Minh Phú. Thắng Ngọc
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Trong năm 2016, riêng công tác truyền thông đã cân bằng được thông tin giữa các cơ sở sản xuất sạch và những cơ sở vi phạm. Điển hình như năm 2016, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Báo NTNN triển khai chương trình truyền thông Địa chỉ xanh- Nông sản sạch tạo được sự lan tỏa rất tốt”.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cũng đánh giá, cái được lớn nhất của năm vừa qua là đã đẩy lùi được chất cấm salbutamol và vàng ô, tới đây chúng tôi cũng tham mưu để đưa chất cystemine vào danh mục chất cấm. Ông Việt cũng cho biết, trong năm vừa qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã xử lý vi phạm được số tiền là 6 tỷ đồng liên quan đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Với thị trường nước ngoài, chúng ta cần phải tìm cách đàm phán để xuất khẩu chính ngạch đối với sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, cũng phải tìm cách giảm giá thành chăn nuôi, nếu không sẽ mất thị trường do giá quá cao”. Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, ông Tám cho rằng, cần phải có chiến lược hoặc chương trình giám sát liên quan đến vật tư đưa vào nông nghiệp, đồng thời giảm dư lượng kháng sinh với tôm, hướng dẫn cho thân thiện môi trường..
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Làm chính sách thì đừng chờ tiền
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2017, phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia (bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên); sản phẩm chủ lực thứ 2 là cấp tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm; sản phẩm thứ 3 là trục sản phẩm đặc sản của địa phương như rau hoa, dược…
“Tất cả các trục này, khi định dạng hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, đặc biệt khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết. Bây giờ, chúng ta đừng có chờ tiền, tôi thấy cách xây dựng 6 đề án tái cơ cấu, ta chủ có một ít tiền, chẳng giải quyết vấn đề gì. Bởi, thứ nhất không ai có cho ta; thứ hai chờ cái đó cũng chẳng bao giờ làm được cái gì. Như vừa rồi, chúng ta làm con tôm, cá tra đã làm gì có đồng nào”- Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Về công tác chỉ đạo, ông Cường nhấn mạnh, đối với từng sản phẩm quốc gia, sau này sẽ phân theo 3 cấp độ, Bộ trưởng chỉ đạo chung, từng đồng chí Thứ trưởng sẽ chỉ đạo các nhóm sản phẩm cụ thể. Ví dụ cây tiêu, điều mục tiêu 3-4 tỷ USD, thì gắn kết hết, xây dựng vùng nguyên liệu đến đâu, quy hoạch thế nào, cần có một Thứ trưởng phụ trách. Trong thời gian ngắn nhất, chúng ta phải làm được, đừng chờ tiền, từ đó tập trung kiên quyết làm cho được tái cơ cấu. “Lãnh đạo Bộ, cứ 3 tháng một lần ngồi nghe tiến độ làm, các Thứ trưởng chỉ đạo doanh nghiệp, địa phương phải làm như thế nào. Việc này cần rất ít tiền, nhưng vẫn làm được việc mới giỏi. Tiền nhiều, nhưng không có phương pháp đúng chưa hẳn ra được việc”- ông Cường nói rõ thêm. Về việc đẩy mạnh trục sản phẩm của địa phương, ông Cường cho biết: “Tôi sẽ bàn sớm với các anh, để một nhóm tỉnh sẽ tập trung “thổi” thật mạnh sản phẩm của tỉnh bằng giải pháp tổng thể. Cũng theo tinh thần có doanh nghiệp nòng cốt, có chính sách vào, có liên kết vào, có tổ chức phối hợp với người ta về mặt thị trường quyết liệt trên từng nhánh. Chẳng hạn, quả vải thiều năm nay lãnh đạo Bộ cùng với tỉnh Bắc Giang không chỉ tập trung làm kỹ thuật, mà còn đi xúc tiến bán quả vải, tập trung quyết liệt, dần dần các tỉnh mới vào câu lạc bộ của 500 triệu USD. Cứ như thế, các sản phẩm của 63 tỉnh tăng gấp đôi, sẽ có hơn trăm sản phẩm, mỗi sản phẩm nửa tỷ USD, là có mấy chục tỷ USD rồi”.
Ngọc Lê (ghi)
Related news
Với 200 triệu đồng đầu tư từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hộ dân trồng rau an toàn đã có điều kiện mua thêm giống rau, đầu tư hệ thống tưới nước,...
Câu chuyện về “Vua nấm” Bảy Yết không lạ với người dân trồng nấm tại TPHCM và cả nước, bởi ông là người đầu tiên trồng thành công nấm bào ngư tại Việt Nam
Đổi mới môi trường đầu tư, ưu tiên, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, là một trong những “bí quyết” tạo nên một Vĩnh Phúc hùng mạnh