Nông Dân Xã Đồng Nai Đã Nản Với Ca Cao?
Những năm trước, nông dân xã Đồng Nai (Bù Đăng - Bình Phước) vui mừng vì trồng xen ca cao trong vườn điều cho hiệu quả kinh tế cao. Hai năm qua, người trồng ca cao ở đây lại “nản” vì giá cả thất thường và nấm bệnh xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà vườn có kinh nghiệm, giá ca cao đang ổn định và vấn đề sâu bệnh không đáng ngại, chỉ cần chủ động chăm sóc, phòng trị bệnh, cây sẽ cho năng suất cao.
Nếu vẫn bị nấm bệnh...
Năm 2005, xã Đồng Nai được cấp khoảng 13.000 - 14.000 cây giống từ dự án trồng khảo nghiệm cây ca cao dưới tán điều. Theo đó, mỗi hộ được cấp 200 cây ca cao giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Năm đầu, cây phát triển tốt, nhiều hộ mở rộng diện tích, trồng 3.000 - 4.000 cây xen trong vườn điều và sau 3 năm cây cho thu hoạch với năng suất hơn 1 tấn/ha. Năng suất ca cao tăng, ổn định về giá nên nguồn lợi mang về khá lớn, người dân rất phấn khởi. Nhưng gần đây, giá ca cao không ổn định cùng với nấm bệnh đã làm không ít hộ bỏ bê.
Dẫn chúng tôi xem vườn ca cao trồng xen đang có biểu hiện còi cọc, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều cây chỉ lác đác trái. Anh Điểu Hiền ở thôn 2 cho biết: “Tham quan thực tế nhiều mô hình ca cao cho lợi nhuận cao nên năm 2009, gia đình tôi trồng xen 1 ha. Thu hoạch vụ đầu năng suất đạt hơn 1 tấn. Không những thế, năng suất cây điều cũng tăng rõ rệt (từ 600kg lên gần 2 tấn/ha). Năm nay, ca cao bị nấm bệnh làm trái bị đen nên gia đình tôi không chăm sóc nữa”.
Hộ ông Bùi Văn Hoan ở thôn 3 có 1.000 cây ca cao trồng xen trong 2 ha điều từ năm 2008 đang bị nấm bệnh làm giảm năng suất. Ông Hoan cho biết: “2 năm nay, vườn ca cao bị đen trái khá nhiều, làm giảm năng suất khoảng 70%. Ban đầu trái có hiện tượng đốm đen, sau đó đen toàn phần. Tôi đến đại lý mua thuốc về phun xịt nhưng không cải thiện được tình hình. 2 năm nữa, nếu tình trạng này vẫn tái diễn, tôi sẽ cưa ca cao để chuyển sang trồng cây khác”.
Muốn năng suất phải chủ động chăm sóc
Thôn 3 là địa bàn có nhiều diện tích ca cao trồng xen trong vườn điều của xã Đồng Nai. Hộ bà Bùi Thị Tuyết trồng xen 3 ha đang bước sang năm thứ 5. Năm đầu tiên cho trái, gia đình bà thu về 30 triệu đồng, vụ thứ hai được 32 triệu đồng. Theo bà Tuyết, việc trồng xen ca cao trong vườn điều mang lại nhiều lợi ích.
Trước hết là có thêm nguồn thu từ loại cây trồng này. Kế đến là năng suất vườn điều tăng từ 2 tấn/ha lên 2,5 tấn/ha, trong khi chăm sóc ca cao tốn ít công, lại không quá phức tạp. Nấm bệnh, bọ xít muỗi, rệp gây hại thường phát triển mạnh vào đầu mùa mưa.
Do đó, người trồng phải chủ động chăm bón, theo dõi và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời, cây sẽ phát triển ổn định và ngăn chặn sâu bệnh phá hoại. Hiện hạt ca cao khô có giá khoảng 60 ngàn đồng/kg nên cho thu nhập khá cao. Tôi dự tính sẽ mở rộng trồng xen ca cao trong 7 ha điều còn lại vào những năm tiếp theo.
Hiện nông dân thu lợi cao nhờ trồng xen ca cao trong vườn điều ở các xã Minh Hưng, Đức Liễu (Bù Đăng). Ông Đinh Văn Điều, Phó chủ tịch Hội nông dân kiêm nhân viên bảo vệ thực vật xã Đồng Nai cho biết: Toàn xã hiện có hơn 12 ha ca cao xen điều, chủ yếu ở thôn 3.
Thời gian gần đây, người dân không tập trung chăm sóc và phòng trị bệnh nên cây có biểu hiện phát triển kém. Để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn ca cao, nông dân cần chú trọng các khâu chăm sóc và phòng trị bệnh, đồng thời đảm bảo được nguồn nước tưới, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Nguồn bài viết: http://www.baobinhphuoc.com.vn/Content/nong-dan-bu-dang-da-nan-voi-ca-cao-35641
Related news
Mới 23 tuổi nhưng Nguyễn Ngọc Phú đã là chủ một trang trại nuôi lươn tại huyện Củ Chi, TP.HCM với lợi nhuận hơn 12 triệu đồng mỗi tháng. Ðây là mô hình nuôi lươn trong bể xi măng lần đầu được thử nghiệm thành công tại huyện Củ Chi.
Nhiều DN đang mua điều tươi với giá rất cao, nếu chế biến để bán ngay sẽ lỗ, còn lưu kho đợi giá tăng mới bán thì nhiều rủi ro
Hiện đang là thời điểm thích hợp để đưa các giống thủy sản vào nuôi trồng, vì vậy thời gian qua Chi cục Thủy sản tỉnh đã tích cực chỉ đạo nông dân tập trung chuẩn bị các điều kiện về ao nuôi, con giống, thức ăn nhằm phát triển chăn nuôi thủy sản ngay từ đầu vụ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
Ngày 2-3, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội nghề cá Việt Nam, đại diện các tỉnh khu vực ĐBSCL đã tham dự đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
Một doanh nghiệp ở Khánh Hoà đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư nuôi cá tầm tại hồ thuỷ điện Đồng Nai 3, đó là công ty cổ phần Cá Tầm Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Khánh Hoà từ năm 2009.