Nông dân trồng ngô sinh khối kiếm ối tiền
Sau khi áp dụng thành công mô hình trồng ngô sinh khối tại các bãi ngang ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), người nông dân nơi đây đã thực sự thoát nghèo.
Trong ảnh: Nông dân xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An phấn khởi vì ngô sinh khối được mùa, được giá.
Hướng đi mới cho cây ngô
Được biết với diện tích hơn 2.300 ha/vụ, huyện Anh Sơn từ lâu được xem là vựa ngô lớn của Nghệ An. Tuy nhiên từ khi trồng ngô sinh khối, thu nhập của nông dân trên địa bàn cải thiện rõ rệt.
Đến cuối tháng 4.2016, ở các nơi khác nông dân đang chuẩn bị tiến hành thu hoạch ngô vụ xuân, thì ở huyện Anh Sơn, nhờ trồng ngô sinh khối, bà con đã thu hoạch xong và hoàn thành việc xuống giống ngô vụ xuân hè trên đất bãi ngang. “Gia đình tôi có hơn 1ha đất bãi ngang. Vừa qua chúng tôi thu hoạch cây ngô để bán cho các công ty chăn nuôi bò sữa và bò thịt. Do đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên chúng tôi không lo bị thương lái ép giá. Năm vừa qua gia đình tôi cũng thu nhập gần 200 triệu đồng/năm nhờ trồng ngô sinh khối này...”, anh Nguyễn Văn Đại, trú ở xóm 8, xã Tam Sơn hồ hởi cho hay.
Theo anh Đại, việc trồng loại ngô sinh khối không quá vất vả, bởi hiện nay nông nghiệp trên địa bàn đã được cơ giới hóa đến tận đất ruộng...Trong một ngày là nông dân có thể làm đất và gieo trỉa xong, công chăm sóc cũng không nhiều, đến lúc ngô ngậm sữa thì thu hoạch bán cho thương lái. “So với việc trồng ngô thương phẩm, trồng ngô sinh khối mang lại nguồn lợi nhuận lẫn tiết kiệm chi phí, tận dụng thời gian cho người nông dân hơn nhiều...”, anh Đại khẳng định.
Xe ô tô vận tải của doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt vào tận đồng để thu mua ngô sinh khối của nông dân xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh Cảnh Thắng.
Anh Phạm Văn Hoàng, ở xã Tam Sơn thì cho hay: “Năm qua thời tiết ủng hộ cho bà con nông dân bãi ngang. Gia đình chúng tôi năm vừa qua cũng thu hoạch gần 100 triệu đồng từ ngô sinh khối. Những năm trước chúng tôi trồng ngô thương phẩm chỉ được 50-60 triệu đồng thôi. Bởi trồng ngô sinh khối quay vòng được 4 vụ/năm, còn trồng ngô lấy hạt chỉ sản xuất được 3 vụ/năm. Hơn nữa, việc trồng ngô sinh khối được người dân chăm sóc tốt nên sản lượng cây ngô đạt hiệu quả cao.
Hiệu quả kinh tế cao
Trao đổi với NTNN ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho biết: “Đây là năm thứ 2 xã triển khai mô hình trồng ngô sinh khối 4 vụ/năm. Qua 2 năm cho thấy cây ngô vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao...Đất bãi ngang lại phù hợp với cây ngô, nên cây phát triển mạnh chỉ cần từ khoảng 80 ngày đã cho thu hoạch nên bà con chúng tôi phấn khởi lắm...”.
“Lúc đầu chúng tôi rất khó khăn cho đầu ra sản phẩm, tuy nhiên khi tìm hiểu thị trường thì có rất nhiều công ty chăn nuôi bò sữa, bò thịt về thu mua cho bà con nên chúng tôi rất yên tâm. Hiện tại công ty bò sữa TH, Vinamilk, công ty nuôi bò thịt ở Nghi Lâm, Nghi Lộc, nhà máy chế biến thức ăn đều là khách hàng thân thuộc của bà con. Chúng tôi đã làm hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Khi đến mùa thu hoạch sản phẩm không bị thương lái ép giá nên người dân mừng lắm....” ông Toàn cũng cho biết thêm.
Nông dân xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An thu hoạch ngô sinh khối. Ảnh: Cảnh Thắng.
Toàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) có hơn 2.300 ha trồng ngô mỗi vụ, trong đó có khoảng hơn 400 ha đã được chuyển sang trồng ngô sinh khối. “Thời gian tới rất nhiều hộ dân đang tính chuyển mô hình trồng ngô thương phẩm sang trồng ngô sinh khối để có thu nhập cao hơn...”, ông Nguyễn Văn Toàn cho hay.
“Trồng ngô sinh khối có nhiều cái lợi như rút ngắn thời gian mỗi vụ; tăng hệ số sử dụng đất và tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay mô hình trồng ngô sinh khối được nhiều người đánh giá cao, chỉ cần 80-85 ngày là có thể cho thu hoạch. Nếu người dân chăm sóc tốt 1 sào được 2,4 tấn, 1 ha bình quần 40-45 tấn. Với giá bán dao động từ 800-900 ngàn đồng/ tấn thì người dân có thể thu lãi từ 40-50 triệu/ha, lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với trồng ngô lấy hạt trước đây", ông Nguyễn Đình Đăng -Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn.
Related news
Nguồn sữa bò được doanh nghiệp bao tiêu, có đầu ra ổn định giúp người dân phường Long Hòa, quận Bình Thủy (Cần Thơ) thoát nghèo, cuộc sống sung túc hơn.
Doanh thu lên đến 300 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp đôi chi phí đầu tư, lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa… là hiệu quả mà mô hình trồng chuối công nghệ cao
Có doanh thu “khủng” nhất. Với mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn, thức ăn, giống vật nuôi, cây trồng, thủy sản mỗi năm chị Thà có thu nhập khoảng 40 tỷ đồng.