Nông dân thành tỷ phú: Có tri thức, dễ kiếm tiền tỷ
Chẳng cần “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, với vốn tri thức tích lũy được trong sản xuất nông nghiệp, nhiều lão nông ở TP.Hồ Chí Minh đã kiếm tiền tỷ...
Làm nông cần có tri thức
Tốt nghiệp khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, ông Ba Đức, tức Hoàng Minh Đức ở Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh về làm cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho đến ngày về hưu. Tưởng ông “gác kiếm” nghề làm cá giống, ai dè ông mua 5.000m2 đất ruộng ở xã Thái Mỹ rồi làm tiếp nghề này. “Mình xuất thân là chuyên gia nhân cá giống, giờ nghỉ hưu thì tiếp tục làm nghề này thôi” - ông Ba Đức thổ lộ.
Trong ảnh: Anh Trầm Quốc Thắng, huyện Củ Chi kiểm tra trại heo giống của gia đình. Ảnh: T.Đ
Trong 5 năm (2012 - 2016), TP.Hồ Chí Minh đã có hơn 151.649 lượt hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Hoa lan, hoa mai, cá kiểng, rau an toàn, bò sữa… giúp nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn…
Là nhà báo chuyên viết mảng nông nghiệp, không ít lần tôi tìm đến trao đổi với những chủ trại nhân cá giống, nhưng chưa bao giờ nghe ai nói phải lọc không khí cho cá thở như ông Ba Đức. Trại ông Ba Đức có 6 hồ ương cá giống. Mỗi hồ rộng 600m2. Thường với diện tích hồ như thế các chủ trại ương cá giống khác chỉ “đổ” khoảng 300.000 con cá giống, nhưng ông Ba Đức “đổ” mật độ dày gấp 2 lần.
Để cá giống sống với mật độ dày như vậy, ông phải thường xuyên xả, lọc nước và bơm oxy vào ao. Nhưng nếu không tinh ý chẳng biết được ông đang dùng oxy “sạch” vì đã qua lọc để cá thở. Lý giải việc này, ông cho biết, để tránh không khí bị ô nhiễm do nông dân phun xịt thuốc bảo vệ thực vật xung quanh trại cá.
Hiện nay, ông Đức chủ yếu ương cá trê vàng do nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế cao hơn. “Tôi biết, muốn nuôi cá thành công phải có nước sạch, thức ăn và cá giống chất lượng tốt. Tôi chỉ giúp họ được về cá giống nên tự nhủ phải sản xuất cá giống tốt để phục vụ bà con” - ông Ba Đức bày tỏ. Mỗi năm ông xuất bán hơn 100 triệu con cá giống ra thị trường, lợi nhuận cả tỷ đồng.
Không như ông Ba Đức, sau khi tốt nghiệp ngành thú y, anh Trầm Quốc Thắng đổ vốn mua đất mở trại nuôi heo ở Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Trong trại heo 5ha này lúc nào cũng thấy anh khoác áo blouse và đôi ủng trắng đi kiểm tra hơn 1.000 con nái, 5.000 con heo thịt và heo hậu bị.
Từ 5 năm nay, anh Thắng đã cho trại chuyển dần từ nuôi heo thịt sang nuôi heo giống. Cùng lúc, anh cho nhập dần những giống heo cụ kỵ gồm giống Landrace, Yorkshire, Duroc… từ Canada, Mỹ về. “Tôi nhập heo giống chất lượng và lai tạo giống nhằm đưa giống chất lượng đến tay bà con chăn nuôi, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trong thời kỳ hội nhập” - anh Thắng nói.
Phải dám nghĩ, dám làm
Hỏi anh Thắng không sợ “đụng hàng” với các công ty chăn nuôi lớn sao, anh cười: “Nếu sợ, tôi đã không làm”. Đây cũng là tinh thần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã đề cập trong hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xác định nông thôn mới là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; nông thôn của một thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo. Theo ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hồ Chí Minh, sau những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm nông ở nước ngoài theo Đề án “Đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài” (2013 – 2018), thành phố đã hình thành được 1 đội ngũ nông dân đô thị có tri thức, dám nghĩ dám làm, đáp ứng cho mục tiêu xây dựng nông nghiệp của thành phố và xây dựng nông thôn mới.
Related news
Mô hình nuôi vịt biển ở tỉnh Tiền Giang đã đạt kết quả cao. mỗi con vịt biển có trọng lượng trên 2,5 kg, tỉ lệ đẻ trứng đạt trên 75%, mỗi năm đẻ trên 240 trứng
Để phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và không phải lo lắng đầu ra, anh Vũ Văn Khiêm đã lựa chọn mô hình chăn nuôi lợn gia công cho doanh nghiệp
Về xóm Xuân Thịnh, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương (Nghệ An) Ông Bảy là người đầu tiên đưa giống bưởi Diễn về trồng quy mô hàng hóa tại địa phương.