Nông dân Nghệ An nuôi lươn không bùn trong bể xi măng
Là "mỏ lươn" của xứ Nghệ, Yên Thành là nơi cung cấp lươn đi nhiều địa phương, nhưng nguồn lợi tự nhiên ngày một khan hiếm. Nuôi lươn trong bể xi măng không bùn đang được Trạm Khuyến nông Yên Thành hướng dẫn là một giải pháp hiệu quả giúp nhiều nông dân làm giàu.
Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng của gia đình anh Nguyễn Bá Đình ở xóm Giáp Ngói, xã Long Thành (Yên Thành). Ảnh: Thái Dương
Nuôi lươn trong bể xi măng là mô hình mới, khác với cách nuôi truyền thống trước đây, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường.
Để giúp người dân phát triển nghề này, với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông Yên Thành triển khai, hiện đang nhân rộng ở các xã Đô Thành, Long Thành, Lý Thành và Khánh Thành...
Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi đúng quy trình, nhiều mô hình đã phát triển với quy mô lớn, đưa lại giá trị kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm.
Điển hình ở xóm Giáp Ngói, xã Long Thành có mô hình nuôi lươn trong bể xi măng của gia đình anh Nguyễn Bá Đình được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Trong khuôn viên của 3 gian nhà nhỏ được anh đầu tư xây 6 bể xi măng, mỗi bể có diện tích 5m2, dưới lớp vỉ tre mỏng là hàng ngàn con lươn vàng óng đang được chăm sóc nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật.
Anh Đình chia sẻ, nuôi lươn là không tốn nhiều chi phí và công sức lao động, nhưng phải có kiến thức, am hiểu đặc tính sinh học của lươn để có phương pháp nuôi phù hợp. Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh nuôi 2 lứa, thu hoạch hơn 3,2 tấn lươn thương phẩm; với giá thị trường từ 150.000 -180.000 đồng/kg, trừ chi phí còn có nguồn thu nhập từ 60- 70 triệu đồng.
Theo các hộ nuôi lươn trong bể xi măng không bùn, khâu đầu tiên là tuyển chọn và thuần hóa con giống. Con giống để nuôi là lươn đồng loại nhỏ (60 - 80 con/kg) được mua lại của những người đánh bắt bằng trúm trên đồng ruộng.
Trước khi thả vào bể nuôi, lươn được rửa sạch, xử lý qua nước muối hoặc dung dịch thuốc tím pha loãng để sát khuẩn, loại bỏ nấm và các ký sinh trùng có trong môi trường tự nhiên, nhằm hạn chế tối đa nguồn bệnh trong quá trình nuôi thả.
Mật độ nuôi lươn trong bể khoảng 200 con/m2; sau 5 tháng nuôi lươn sẽ đạt trọng lượng từ 0,2 kg/con. Ảnh: Thái Dương
Lươn giống sau 2 tháng thuần hóa sẽ thích nghi với môi trường mới, tỷ lệ sống trên 90% và nuôi bình thường với mật độ 200 con/m2 lươn sẽ tăng trọng nhanh, phát triển đồng đều, không hao hụt; sau 4 - 5 tháng nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 0,2 kg/con, đảm bảo tiêu chuẩn xuất bán.
Là một trong những hộ dân đầu tiên ở huyện Yên Thành tham gia mô hình nuôi lươn không bùn, đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Khánh ở xóm Đông Phú, xã Khánh Thành đã mở rộng diện tích bể nuôi lên 60 m2.
Theo ông Khánh, đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng rất khắt khe đối với kỹ thuật nuôi từ khâu xây bể, hệ thống nước sạch, đan vỉ tre để làm nơi cho lươn trú ngụ; đặc biệt nguồn thức ăn cho lươn được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do nuôi dưỡng trong bể xi măng nên thức ăn duy nhất của lươn là cá đồng tươi, hoặc các loài ốc sẵn có trên đồng ruộng, ao hồ... Các loại thức ăn này sau khi rửa sạch đưa vào máy xay nhuyễn, trộn lẫn với ít cám gạo để có độ kết dính, mỗi ngày chỉ cho lươn ăn một lần vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối.
Là loài rất dễ nhạy cảm, dị ứng với nhiệt độ và môi trường nên nguồn nước trong bể nuôi luôn đảm bảo ở mức 0,35 m, ổn định nền nhiệt theo mùa. Sau khi cho lươn ăn mồi khoảng 1 tiếng phải thay nước ngay, tuyệt đối không để thức ăn dư thừa tồn đọng dẫn đến ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh và các yếu tố về AT VSTP...
Vì thế lươn nuôi trong bể xi măng được xem là thực phẩm sạch, thành phần dinh dưỡng không kém lươn sống trong môi trường tự nhiên, hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng và chưa đủ để đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới, mỗi mô hình nuôi lươn ở huyện Yên Thành được hỗ trợ 38 triệu đồng, giúp các hộ nuôi xây bể xi măng, tuyển chọn con giống, nguồn thức ăn và xử lý nguồn nước, góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa ẩm thực, một đặc sản vốn có của quê hương xứ Nghệ.
Related news
ProTyton, một nguyên liệu thức ăn protein đơn bào (SPC) đã được các nhà khoa học tại Mỹ và Canada chứng minh có khả năng nâng cao tỷ lệ sống, tăng trưởng
Cá nâu còn được người dân quê tôi gọi là cá dĩa beo vì trên mình có nhiều hoa văn như da con beo. Thân cá dẹp, hình hơi tròn, đầu nhỏ, ngắn
Nuôi theo công nghệ “sông trong ao” đã giảm mùi bùn trong sản phẩm, đồng thời chủ động trong việc thu hoạch góp phần giảm chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả