Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Miền Trung Trồng Ớt Cay Hái Quả Đắng

Nông Dân Miền Trung Trồng Ớt Cay Hái Quả Đắng
Publish date: Saturday. July 19th, 2014

Vào tháng 1-2014, Báo SGGP đã có bài “Đừng để nông dân chịu cay”, phản ánh việc bà con nông dân ở tỉnh Nghệ An trồng ớt từ nguồn cung cấp giống của một người Trung Quốc. Một số địa phương vẫn âm thầm gieo trồng bất chấp những cảnh báo về dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm… Đến nay, ớt đã vào kỳ thu hoạch, nhưng không như lời hứa sẽ thu mua sản phẩm, thương lái Trung Quốc một đi không trở lại.

Trồng ớt cay rồi chặt bỏ

Dưới cái nắng như đổ lửa, bà Phạm Thị Ái, trú xóm 2, xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) rầu rĩ trước ruộng ớt trên cánh đồng Trự Càn. Đầu năm nay, gia đình bà cùng với nhiều nông dân được một người Trung Quốc tên là Bành Bội Tuấn thông qua xã đưa giống ớt đến với bà con. Bà ta hứa rằng sẽ thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch với giá cao hơn giá thị trường.

Nghe lời hay, lại nghe lãnh đạo xã nói đây là cánh đồng mẫu nên nhà bà cũng nhận trồng gần 2 sào ớt. Không kể quá trình chăm sóc, bà phải bỏ ra 6 bì phân tổng hợp (mỗi bì 150.000 đồng), 1 bì phân đạm 500.000 đồng, rồi thuốc trừ sâu…

Thế nhưng, đến khi thu hoạch bà chỉ bán được cho bà Tuấn 3 yến ớt với giá 55.000 đồng/kg. Bà Ái bức xúc: “Lúc đầu, bà ta nói sẽ lấy ớt với giá 60.000 đồng/kg, sau ép giá còn 55.000 đồng, nhưng bà ta bắt dân chọn ra quả đẹp mới lấy, chỉ một quả bị nám là bỏ cả. Nhưng bà ta cũng chỉ mua đợt một, từ đợt thu hoạch thứ hai cho đến giờ là đợt bốn không thấy bà ta quay lại. Ớt chín đổ đầy đồng”.

Bà Nguyễn Thị Mai, ở xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) cho biết: Năm ngoái, giá ớt hơn 20.000 đồng/kg, với 4 sào ớt gia đình bà thu lãi hơn 20 triệu đồng, còn năm nay mới thu hoạch được chưa đầy 200kg mà đã lỗ nặng. “Trúng mùa mà giá thế này thì bỏ khô ngoài ruộng còn hơn là thu hoạch”, bà Mai than thở. Thời điểm tháng 2-2014, giá mỗi kilôgam ớt là 22.000 đồng nhưng không có để bán.

Chỉ 1 tháng sau, ớt bắt đầu rớt giá mạnh còn 13.000 - 14.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, khi ớt đang thu hoạch rộ cũng là lúc rớt giá thê thảm, chỉ còn 6.500 đồng/kg. Hiện tại giá nhân công thu hoạch ớt là 140.000 đồng/người/ngày.

Theo tính toán của bà con thì một ngày, một người hái được hơn 20kg, với giá bán hiện tại là 6.500 đ/kg, đồng nghĩa với người chủ phải mất 14kg để thuê nhân công, 6kg còn lại không đủ để khấu trừ vào tiền thuốc sâu, phân bón, điện, nước, giống, đó là chưa kể đến công chăm sóc 4 tháng trời. Năm ngoái giá ớt cao, có lúc lên đến 28.000 đồng/kg, cuối vụ thấp nhất cũng được 11.000 đồng/kg nên bà con nông dân hái đến trái cuối cùng, còn năm nay mới hái nửa vụ, nhiều người đã chặt cây bỏ.

Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, 2 năm trước, giá ớt tăng vọt từ 45.000 - 50.000 đồng/kg ớt tươi nên nông dân thi nhau trồng. Đến nay diện tích trồng ớt lên 350ha, nhiều gia đình đầu tư ruộng ớt từ vài sào đến vài hécta nhưng thương lái Trung Quốc thất hẹn, giá ớt rớt thê thảm. Lúc cao điểm, ớt tươi có giá 50.000 đồng/kg, nay xuống còn 5.000 đồng.

Ngành chức năng đứng nhìn?

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, vụ mùa năm nay toàn xã trồng hơn 53ha ớt. Từ đầu vụ bà con nông dân đã được tập huấn về kỹ thuật trồng và phòng ngừa sâu bệnh nên năng suất cao hơn hẳn mọi năm, ước tính năng suất đạt trên 80 tạ/ha.

Từ đầu mùa, doanh nghiệp cam kết sẽ mua với giá tối thiểu 12.000 đồng/kg, tuy thấp hơn trước nhưng bà con vẫn trồng. Tuy nhiên, hiện tại giá ớt ngày càng giảm, các doanh nghiệp tỏ ra chần chừ trong việc gom hàng, nhiều gia đình chịu lỗ bán giá thấp cho thương lái.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch (Quảng Bình), cho biết, mùa vụ năm nay huyện có 5 công ty đăng ký cung cấp nguồn giống, phân bón cho bà con nông dân sản xuất, đồng thời cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá quy ước tối thiểu là 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên hiện tại do thị trường bất ổn, giá ớt xuống quá thấp, các doanh nghiệp cho rằng nếu mua theo giá cam kết thì sẽ phải chịu lỗ nên dừng thu mua.

“Chi phí đầu tư trồng một sào ớt khoảng 3 triệu đồng. Với thời tiết thuận lợi thì năng suất có thể đạt 4 -5 tạ/sào, lợi nhuận hơn hẳn so với trồng lúa. Nhưng với giá như hiện nay, cùng với việc các doanh nghiệp thu mua cầm chừng thì nông dân cầm chắc lỗ vốn”, ông Long cho biết.

Trong khi đó, ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, khuyến cáo, bà con nông dân cần có cái nhìn đúng đắn hơn, nên chuyển sang các loại cây trồng đầu ra ổn định như ngô lai, đậu xanh, mì, đậu phộng... Đây là những loại cây trồng chủ động được đầu ra và giá cả tương đối ổn định để tránh thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, cho biết, vụ giống ớt có nguồn gốc Trung Quốc chưa qua kiểm dịch đã đem gieo trồng tại các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, sở ở thế bị động, không được báo cáo. Đến khi thu hoạch không bán được cũng “kêu” sở, nhưng sở chỉ có chức năng về mặt chuyên môn, còn chuyện hợp đồng, thu mua… là việc của các bên liên quan.

Tuy nhiên, sở cũng đã có văn bản gửi các huyện liên quan chỉ đạo các đơn vị, địa phương trồng ớt có đánh giá cụ thể, theo dõi chặt chẽ sự việc để việc thanh lý hợp đồng phải được thực hiện nghiêm túc, hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con nông dân.


Related news

Làm Giàu Từ Sản Xuất Nho Sạch Làm Giàu Từ Sản Xuất Nho Sạch

Nho là cây trồng đặc trưng có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Ninh Thuận. Đã có không ít nông dân Ninh Thuận bằng nỗ lực, cần cù và sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thành công từ nghề trồng nho và từng bước làm giàu từ cây nho.

Thursday. June 26th, 2014
Trên 552 Ha Tôm Sú Nuôi Bị Thiệt Hại Ở Bạc Liêu Trên 552 Ha Tôm Sú Nuôi Bị Thiệt Hại Ở Bạc Liêu

Diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại trên 70% trong 06 tháng đầu năm 2014 là 1.781 ha, chiếm 16,95% (tăng 81 ha so với cùng kỳ); trong đó tôm sú thiệt hại 552 ha, thẻ chân trắng 1.229 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ tôm bị thiệt hại so với diện tích thả nuôi giảm 8,72% so cùng kỳ.

Thursday. June 26th, 2014
"Bắt Tay" Để Thực Phẩm Ngày Càng An Toàn

Hà Nội sau hợp nhất là một thành phố khổng lồ với 7,14 triệu dân và thường xuyên có trên 2 triệu lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh đến cư trú và làm việc. Người ta tính toán, để đáp ứng thực phẩm cho 9 triệu dân đó, mỗi năm Hà Nội cần khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau…

Thursday. November 27th, 2014
Một Số Biện Pháp Chống Nóng Cho Cá Một Số Biện Pháp Chống Nóng Cho Cá

Nâng mực nước ao nuôi từ 1,5 - 2 m nước, tích cực tạo ôxi cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm bơm ngược lại ao.

Thursday. June 26th, 2014
Hối Hả Ra Quân Chống Hạn Hối Hả Ra Quân Chống Hạn

Hơn 130 cán bộ, công nhân viên, lực lượng thủy nông của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam và chính quyền, nhân dân thôn Đình An cùng tham gia lễ phát động.

Thursday. June 26th, 2014