Nông dân làm giàu từ nuôi con đặc sản
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Nguyễn Duy Trình tâm sự: Năm 1988, sau khi xuất ngũ trở về địa phương tôi bắt tay vào phát triển kinh tế. Thời gian đầu gia đình tập trung phát triển đàn bò, nhưng do chưa có kinh nghiệm cộng với nạn dịch nên đàn bò 17 con của gia đình gần như mất trắng... Thất bại lớn trong chăn nuôi nhưng không nản chí, tôi tiếp tục chăn nuôi nhưng chuyển qua "đặc sản" nhím, hươu sao, gà đồi.
Năm 2010, phong trào nuôi nhím ở Anh Sơn nở rộ, ông Trình mua 2 cặp nhím giống về nuôi, hiện nay đàn nhím vẫn còn 10 con. Muốn thử sức ở những mô hình mới, năm 2014, ông Trình vào Hà Tĩnh mua hươu giống về nuôi thử nghiệm. Từ 4 con hươu giống ban đầu, đến nay đàn hươu của gia đình đã tăng lên 10 con, trong đó có 5 hươu đực đã cho nhung, với số lượng 5 kg nhung/năm, mang lại thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.
Ông Trình còn nuôi cả nhím
Không chỉ nuôi con đặc sản, ông Trình còn đào 0,5 ha ao để thả cá, nuôi 200-300 con gà đồi mỗi năm để cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thêm thu nhập.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi con đặc sản, ông Trình cho biết: Nuôi lợn rừng, hươu sao, nhím không khó, vì chúng vốn là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít mắc bệnh, chỉ cần chú trọng tiêm phòng ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn của vật nuôi chủ yếu là các loại lá cây, củ quả. Vì vậy có thể tận dụng những khoảng đất trống trồng ngô, cỏ voi để bảo đảm nguồn thức ăn sạch trong chăn nuôi. Quan trọng là đầu ra cho sản phẩm, hiện tôi đang bán cho các nhà hàng.
Cam đã cho quả bói
Không dừng lại ở đó, trên diện tích 4 ha đất vườn ông Nguyễn Duy Trình còn trồng 1.000 gốc cam, 500 gốc bưởi và trám đen. Hiện tại nhiều diện tích cam đã bước vào giai đoạn kiến thiết cho ra quả bói. Dự kiến với 4 ha cây ăn quả các loại sẽ cho ông nguồn thu nhập đáng kể trong thời gian tới.
Trang trại kinh tế nuôi con đặc sản của cựu chiến binh Nguyễn Duy Trình trở thành điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên của Hội cựu chiến binh xã Đỉnh Sơn.
Related news
Mô hình nuôi lươn không bùn đầu tiên ở Nghệ An trên quê lúa Yên Thành cho thu nhập cao.
Không mải mê trồng lúa, muốn thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá”, một nhóm nông dân ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã “làm liều” cải tạo đất để trồng chuối chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bằng nghị lực vượt khó và sự sáng tạo trong làm ăn, từ người trồng rừng thuê, chị Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1971, ngụ thôn Dương Lộc, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã vươn lên thành tỷ phú.